Giá cà phê xuất khẩu giảm phiên thứ ba liên tiếp


Giá Arabica giảm 2,05% và giá Robusta đánh mất 1,75%, về mức thấp nhất trong ba tuần. Đây cũng là phiên giảm thứ ba liên tiếp của giá Robusta.

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), khép lại phiên giao dịch ngày 3/1, giá Arabica giảm 2,05% và giá Robusta đánh mất 1,75%, về mức thấp nhất trong ba tuần. Đây cũng là phiên giảm thứ ba liên tiếp của giá Robusta. Lo ngại thiếu hụt nguồn cung không còn đủ mạnh để hỗ trợ giá.

Trong báo cáo kết phiên 2/1, tổng số Arabica đã chứng nhận trên Sở ICE-US ở mức 251.224 bao loại 60kg, đã hồi phục so với mức thấp nhất trong hơn 24 năm. Tuy nhiên, tốc độ hồi phục vẫn khá chậm và nhiều bấp bênh. Do đó, chưa thể đánh giá là yếu tố gây sức ép chính lên giá.

Giá cà phê xuất khẩu giảm liên tiếp
Giá cà phê xuất khẩu giảm liên tiếp
 

Bên cạnh đó, Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) cho biết trong báo cáo thị trường cà phê hàng tháng, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 11 đạt 10,6 triệu bao loại 60kg, tăng lần lượt 11,3% so với tháng trước với 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Giới phân tích cho rằng việc tăng lên khối lượng xuất khẩu trong tháng 11 là theo tính mùa vụ nhưng lượng xuất khẩu hiện tại là lớn hơn bình thường.

Trong báo cáo cà phê hàng tháng, Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) cho biết, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 11/2023 đạt 10,6 triệu bao, tăng 11,3% so với tháng 10/2023 và tăng 3,6% so với tháng 11/2022.

Giới phân tích cho rằng việc tăng khối lượng xuất khẩu trong tháng 11 là theo tính mùa vụ nhưng lượng xuất khẩu hiện tại là lớn hơn bình thường. Điều này cũng đặt nghi vấn về khả năng đẩy mạnh xuất khẩu cà phê trong những tháng tiếp theo khi Brazil đã đi được gần 1 nửa niên vụ 2023/24 với lượng cà phê sẵn có đang giảm dần, trong khi Việt Nam đã xuất khẩu vụ mới nhưng lượng bán ra vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, sự sụt giảm của đồng Real Brazil xuống mức thấp nhất trong 2 tuần so với đồng USD là điều tiêu cực đối với giá cà phê. Đồng Real yếu hơn khuyến khích việc bán xuất khẩu của các nhà sản xuất cà phê Brazil.

Trong báo cáo về thị trường cà phê phát hành cuối tháng 12/2023, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính tồn kho cà phê thế giới đang ghi nhận ở mức thấp nhất trong 12 năm trở lại đây. Vào niên vụ 2022/2023, tồn kho chỉ ở mức 26,5 triệu bao loại 60kg, giảm 16,7% so với báo cáo trước và 4% so với con số ước tính cho niên vụ.

Trong những dự báo cho năm 2024, nhiều chuyên gia, tổ chức đều cho rằng tình hình thiếu hụt cà phê sẽ tiếp tục tái diễn do nhiều nguyên nhân.

Các nguồn cung lớn ở khu vực Đông Nam Á đang có sự sụt giảm về sản lượng do điều kiện thời tiết không thuận lợi, hiện tượng El Nino diễn biến phức tạp và giá cà phê thấp những năm gần đây khiến nông dân chuyển đổi sang trồng những cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Dự báo sản lượng cà phê Robusta ở Việt Nam có thể giảm 3,8 triệu bao và Indonesia giảm 2,15 triệu bao.

Ngày 3/1, Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Phát triển nông thôn Hàn Quốc cho biết nước này sẽ gia hạn miễn thuế giá trị gia tăng đối với cà phê và cacao đến năm 2025 để giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng trong bối cảnh lạm phát liên tục duy trì ở mức cao.

Trước đó, Hàn Quốc đã áp dụng chính sách miễn thuế giá trị gia tăng 10% đối với cà phê và cacao nhập khẩu kể từ tháng 7/2022 đến hết tháng 12/2023.

Trong tháng 12/2023, giá tiêu dùng Hàn Quốc tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước đó, đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp giá tiêu dùng duy trì ở mức tăng trên 3%, mặc dù tốc độ tăng giá đã chậm lại trong hai tháng liên tiếp. Giá nông sản tăng 15,7%, ghi nhận mức tăng cao nhất kể từ tháng 4/2021.

Việc gia hạn này là một chính sách có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, cacao của Việt Nam.

Theo Hiệp hội Cà phê, cacao Việt Nam, kết thúc niên vụ 2022-2023 (từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023), xuất khẩu cà phê đạt 1,66 triệu tấn, giảm 4,5% so với niên vụ 2021-2022 nhưng kim ngạch đạt 4,08 tỷ USD, tăng 3,4% nhờ giá bán tăng cao.

Đây là mức kim ngạch cao nhất trong các niên vụ từ trước đến nay, giá xuất khẩu cà phê trung bình đạt 2.451 USD/tấn, tăng 5,5% so với niên vụ trước.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu cà phê sang Hàn Quốc đã tăng đến 17,1% và giữ vững vị trí là một trong 10 thị trường lớn nhất của cà phê Việt Nam.

Theo Báo Công Thương