Giá cước vận tải có thể giảm từ 5,6 - 8%
(Tài chính) Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, cho biết như vậy tại cuộc tọa đàm về giảm giá cước vận tải do Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức ngày 13/11.
Cước vận tải đang rục rịch giảm
Tại cuộc tọa đàm, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, các tuyến từ bến xe Miền Đông (TP. Hồ Chí Minh) từ đầu năm tới nay đã có hơn 10 doanh nghiệp giảm giá cước vận tải.
Sau ngày 7/11, các doanh nghiệp đã rà soát và sẽ tiếp tục giảm. Cước taxi cũng có điều chỉnh giảm tương ứng từ 300 -2.000 đồng/km. Các doanh nghiệp taxi cũng đang tính toán kê khai giá cước.
Phát biểu tại cuộc tọa đàm, đại diện Vietnam Airlines cho biết, hiện Vietnam Airlines đang áp dụng từ 7 - 8 mức giá phổ thông tùy theo từng khu vực và mức giá trần đang thấp hơn nhiều so với mức giá trần do Bộ Tài chính quy định từ năm 2011.
Kê khai giá vé của Vietnam Airlines mới nhất tại tuyến Hà Nội –Sài Gòn là 2.870.000 đồng/lượt là mức cao nhất so với mức trần quy định là 3.400.000 đồng. Còn mức thấp nhất là 800.000 đồng. Với vận tải đường sắt, giá tương đối thấp so với đường bộ và hàng không và đã giảm từ 1/9/2014.
Còn theo đại diện Vinalines, một số hàng hóa của doanh nghiệp này đã giảm giá thành vận chuyển. Đơn vị này cho rằng, họ phụ thuộc vào cung cầu trên thị trường nhiều hơn là phụ thuộc vào giá xăng dầu vì nhiều khi nhiên liệu tăng cao nhưng công ty vẫn giảm giá.
Còn với vận tải thủy nội địa, đại diện Tổng công ty vận tải thủy cho biết, doanh nghiệp này đã thay đổi gan tàu để phù hợp luồng lạch, dẫn tới chi phí nhiên liệu giảm xuống còn 16-17% nên mỗi lần tăng, giảm giá xăng dầu không còn quá ảnh hưởng. Ngoài ra, công ty cũng ký hợp đồng với chủ hàng, khi nào xăng dầu biến động cộng, trừ 10% thì 2 bên gặp lại nhau để điều chỉnh giá cước.
Tại các địa phương như Thanh Hóa, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, giá cước taxi, xe bus cũng đã có một số doanh nghiệp giảm giá thành.
Giá cước vận tải đường bộ có thể giảm từ 5,6 - 8%
Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông quốc gia cho biết, sau 9 lần giảm giá nhiên liệu, tới giờ này, giá xăng giảm 12,1%, dầu giảm 16%.
Cũng theo ông Hùng, về mức giá vận tải, cước phí vận tải của Việt Nam hiện không cao nếu so với Hàn Quốc. Nhưng tính theo bình quân đầu người/GDP thì Việt Nam lại cao hơn Hàn Quốc với tỷ lệ là 0,12% so với Hàn Quốc là 0,04%.
Một con số đáng lưu ý khác, tổng chi phí vận tải của Việt Nam chiếm 11,8% GDP trong khi của Mỹ là dưới 4,5% GDP, Singapore: 4,8%, EU 5,8%, Nhật 6% GDP.
“Chính vì vậy, việc giảm giá cước sẽ góp phần thúc đẩy kinh doanh, sản xuất tốt hơn. Với tỷ lệ giảm giá xăng dầu như trên thì giá cước vận tải đường bộ có thể xem xét giảm từ 5,6 - 8%, nhưng doanh nghiệp vận tải đường bộ dường như án binh bất động. Tôi cho rằng, sau đợt kê khai giá mới, con số các doanh nghiệp giảm giá sẽ rõ ràng, chi tiết hơn”, ông Hùng nhấn mạnh.