Giá đất nền giảm nhưng lượng giao dịch vẫn hạn chế
Khác với thời điểm đầu năm, thị trường bất động sản đất nền hiện đã được kiểm soát sau cơn sốt cục bộ. So với thời kỳ cao điểm, giá đất nền đã giảm 10 - 20% nhưng lượng giao dịch vẫn thấp.
Giá đất nền giảm 10 - 20% so với thời kỳ sốt nóng
Trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ Xây dựng cho biết, đầu năm, đã có hiện tượng “sốt” đất nền cục bộ tại một số khu vực trên cả nước. Để ngăn chặn, xử lý hiện tượng “sốt đất” ảo, Bộ đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tình hình thị trường bất động sản. Đến nay, thị trường này đã cơ bản được kiểm soát và dần đi vào ổn định, đặc biệt, đã xuất hiện hiện tượng giảm giá từ 10 – 20% so với thời kỳ sốt nóng. Tuy nhiên, lượng giao dịch vẫn thấp.
Theo Báo cáo của Batdongsan.com.vn, lượng tin đăng mua bán bất động sản cũng như mức độ quan tâm của các nhà đầu tư trên trang bất động sản trực tuyến về phân khúc này sụt giảm mạnh.
Cụ thể, mức độ quan tâm đất nền ở nhiều địa phương có dấu hiệu giảm sâu gồm: Bắc Giang (49%), Bắc Ninh và Hà Nam (46%), Vĩnh Phúc (38%), Đà Nẵng (36%), Quảng Nam (35%). Khu vực phía Nam gồm Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu từng nóng lên hồi đầu năm thì hiện nay cũng suy giảm mức độ quan tâm.
Theo khảo sát của PV, không chỉ giá đất ở các tỉnh thành mà giá đất nền phân lô tại các khu vực lân cận Hà Nội như xã Kim Chung, Vân Canh (huyện Hoài Đức), xã Bình Yên (huyện Thạch Thất) hay các khu vực Ngũ Hiệp, Tứ Hiệp (Thanh Trì) trước đây được săn đón trên thị trường thì nay giá rao bán cũng đã giảm nhưng vẫn vắng khách mua.
Cụ thể, các đây 3 tháng, khi PV gọi điện cho bên môi giới, một mảnh đất ngay mặt đường ở Tứ Hiệp, Thanh Trì được báo giá 55 triệu đồng/m2 hay Đông Mỹ, Thanh Trì có giá giao động từ 45 – 60 triệu đồng/m2 thì hiện nay giá đất hai khu vực này đã giảm xuống giao động từ 35 – 40 triệu đồng/m2. Như vậy, giá đất nền nơi đây đã giảm mạnh từ 10 – 15%.
Nguyên nhân nào khiến dòng tiền không còn đổ mạnh vào đất nền?
Lý giải điều này, nhiều chuyên gia trong giới cho rằng, thị trường bất động sảnđang chịu tác động ít nhiều từ lần bùng phát thứ 4 của dịch Covid-19 với diễn biến ngày càng phức tạp. Đến nay, nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh thành phía Nam đang là tâm điểm của dịch bệnh, khiến hoạt động giao dịch, đi lại tìm hiểu dự án bị ảnh hưởng nặng nề do phải giãn cách xã hội. Tác động của dịch bệnh cũng khiến nhà đầu tư cân nhắc quyết định chuyển dịch dòng tiền.
Bên cạnh đó, hiện nay, nguồn cung căn hộ khan hiếm, ít dự án mới được mở bán nên giá căn hộ tại TP.HCM và Hà Nội đều tăng, bình quân khoảng 2% so với quý I. Một số dự án có mức giá tăng cao hơn so với mức bình quân khoảng 4 - 7%. Chính vì thế, một phần dòng tiền đã chuyển từ phân khúc đất nền sang các phân khúc căn hộ chung cư nhằm đón đầu nhu cầu sở hữu căn hộ của người dân.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản cho rằng, trong báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, khả năng hấp thụ của đất nền tốt hơn chung cư. Bức tranh thực tế hấp thụ của chung cư không đạt được 60% ngay cả ở TP.HCM hay Hà Nội. Tuy nhiên, căn hộ chung cư lại có những ưu điểm riêng mà đất nền không sở hữu được. Giá đầu tư các căn hộ chung cư luôn nhẹ nhàng hơn so với đất nền. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, thị trường còn nhiều biến động thì việc chia nhỏ đầu tư để đảm bảo an toàn thay cho đầu tư lớn như trước kia luôn được hướng đến. Vì vậy, dù giá đất nền “hạ sốt” thì giao dịch vẫn sẽ “đìu hiu”.
Đánh giá trước những thay đổi của nhu cầu cũng như dòng tiền đổ vào bất động sản, chia sẻ với báo giới, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhận định, thị trường bất động sản luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, phải chủ động theo dõi, bám sát diễn biến tình hình thị trường bất động sản và kịp thời đề xuất các giải pháp để đảm bảo thị trường này phát triển một cách ổn định và bền vững. Đồng thời, phải thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường bất động sản; hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản.