Giá dầu âm: Cuộc chiến vương quyền và hệ lụy

Theo Trương Minh Huy/saigondautu.com.vn

Ngày 17/3, trang Zero Hedge đã đăng bài viết của chuyên gia dầu lửa kỳ cựu Paul Sankey của Ngân hàng Mizuho “Giá dầu có thể đi về mức âm - Vâng, đó là khi người mua được nhận tiền để lấy hàng”. Hơn 1 tháng sau, ngày 12/4, lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu WTI tụt xuống -37USD/thùng. Vì sao lại xảy ra cú sốc này?

Giá dầu đang ở mức thấp khó tin, thậm chí nói vui còn rẻ hơn cả nước, không có nghĩa dầu trở nên vô giá trị.
Giá dầu đang ở mức thấp khó tin, thậm chí nói vui còn rẻ hơn cả nước, không có nghĩa dầu trở nên vô giá trị.

Giá dầu âm khá hiện hữu?

Paul Sankey ước tính tình trạng dư cung khoảng 15 triệu thùng/ngày. Điều này sẽ khiến giá dầu về vùng âm khi các thùng dầu của Nga và Saudi tham gia thị trường. Theo Sankey, các kho chứa của Mỹ đã đầy 50%, và chỉ có thể chứa thêm được 135 triệu thùng. Với giả định tốc độ lưu kho 2 triệu thùng/ngày, Mỹ có thể bổ sung 14 triệu thùng/tuần vào kho chứa. Như vậy, chỉ trong 10 tuần nữa, kho chứa của Mỹ sẽ đầy.

Con số -37USD/thùng là của hợp đồng tương lai dầu WTI tháng 5. Và 21/4 là ngày đáo hạn hợp đồng tương lai dầu WTI tháng 5. Thông thường, sẽ có một tỷ lệ người mua phải thực hiện mua dầu để đáp ứng nhu cầu thực sự như các công ty cung cấp dầu trong ngành hàng không, bán xăng dầu lẻ…

Tuy nhiên, khi các máy bay và phương tiện đi lại bị “đắp chiếu” do dịch Covid-19, những người có nhu cầu thực sự cũng không cần. Tệ hơn thế, họ cũng không biết phải chứa dầu vào đâu khi các bể chứa đã đầy.

Mô tả ảnh.
Mô tả ảnh.

Chính điều này khiến dân đầu cơ lẫn người mua thực phải bán ra lượng lớn hợp đồng tương lai dầu WTI tháng 5. Khi có quá ít người mua để nhận dầu thực tháng 5 trong khi phe bán áp đảo, giá dầu tháng 5 đã ghi con số âm đúng như dự báo của Paul Sankey. 

Đồ thị dưới cho thấy thị trường dầu mỏ đang rất mất cân bằng. Trong khi nguồn cung dầu ở mức 90 triệu thùng/ngày, nhưng lượng cầu tiêu thụ chỉ 75 triệu thùng/ngày, thậm chí thấp hơn. Khoảng trống giữa cung và cầu 20-25 triệu thùng/ngày. Và lượng dầu cần lưu kho thực tế cũng gần bằng với mức chênh lệch cung cầu. Đó cũng là lý do vì sao các kho chứa dầu của Mỹ hết nhanh hơn so với dự báo mức lưu kho 2 triệu thùng/ngày của Sankey.

Tuy nhiên, Paul Sankey không phải là người duy nhất nhận thấy khả năng thiếu hụt kho chứa. Trước ngày 21/4 đen tối, nhiều chuyên gia năng lượng đã cảnh báo các kho chứa xăng của các hãng hàng không đã bắt đầu đầy trong tháng 3. Sự điêu đứng của ngành hàng không bởi đại dịch Covid-19, khiến ngành dầu thô mất đi lực cầu đến 7 triệu thùng/ngày (theo ước tính của Bloomberg).

Mô tả ảnh.
Mô tả ảnh.

Nhưng con số âm của hợp đồng dầu tương lai chỉ mang tính chất kỹ thuật trong giao dịch. Bởi lẽ, hợp đồng dầu tương lai tháng 6 vẫn ở mức trên 20USD vào thời điểm đáo hạn hợp đồng dầu WTI tháng 5. Hợp đồng dầu tương lai tháng 6 tập trung vào dầu Brent vốn chưa bị sức ép lớn về chỗ chứa dầu. Điều này tạo nên spread (mức chênh lệch) lớn giữa dầu WTI và dầu Brent vào ngày đáo hạn hợp đồng tương lai dầu tháng 5. Sau ngày đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 5, giá dầu WTI trở lại mức bình thường và khoảng trống spread được thu hẹp lại. 

Cuộc chiến vương quyền

Giá dầu đang ở mức thấp khó tin, thậm chí nói vui còn rẻ hơn cả nước, không có nghĩa dầu trở nên vô giá trị. Thực tế, chúng ta vẫn rất cần dầu cho tới khi có một dạng năng lượng mới thay thế. Giống như cách nói của chuyên gia năng lượng Daniel Yergin, dầu mỏ luôn là cuộc chiến của “tiền bạc và quyền lực”. Một thực tế là dịch Covid-19, và trước đó là chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, đã làm tổn thương nghiêm trọng nhu cầu dầu mỏ, nhưng kết cục như hiện nay cũng là vì cuộc chiến tranh giành thị phần giữa ba ông lớn: Mỹ, Nga, Saudi. 

Trước đây, bản đồ quyền lực trong ngành dầu mỏ là giữa Nga và Saudi. Cả 2 quốc gia này có thể chi phối giá dầu. Bằng chứng là thỏa thuận cắt giảm giữa 2 quốc gia này vào tháng 2/2016, đã kéo giá dầu từ mức 25USD/thùng lên 60-70USD/thùng vào năm 2018. Nhưng bây giờ, bản đồ quyền lực đã phân chia lại với sự xuất hiện của các tay chơi mới là Mỹ (dầu đá phiến) và cả Canada. Khi một thế lực mới trỗi dậy, ắt hẳn sẽ xảy ra cuộc chiến để phân chia địa bàn.

Tại sao Nga phải khơi mào cuộc chiến dầu mỏ với Saudi trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang ảm đạm vì Covid-19? Đó là vì Nga muốn bắt ép Mỹ phải tham gia cuộc chơi cùng cắt giảm. Đã từ lâu, Nga đã thấy mỗi lần Nga - Saudi cùng cắt giảm sản lượng, phần dôi dư ra ngay lập tức được Mỹ tăng thêm, khiến nguồn cung của dầu lúc nào cũng dư thừa. Mỹ đang làm “ngư ông đắc lợi” dựa trên nỗ lực cắt giảm của Nga - Saudi. Điệp khúc “giá dầu lên, Mỹ lại lợi dụng cơ hội tăng sản lượng để bán hưởng lợi”.

Ngày 13/4/2020, có một thỏa thuận lịch sử khi các ông lớn đồng ý cắt giảm 9,7 triệu thùng dầu/ngày. Nhưng thực tế đây chỉ là hành động mang tính tượng trưng. Con số này là phần cả Nga, Mỹ, Saudi chẳng biết bán cho ai khi phía cầu biến mất. Không ai thực sự muốn cắt giảm sản lượng, họ chỉ ký thỏa thuận cho cái đã rồi.

Hệ lụy và triển vọng

Giá dầu đang nằm ở mức thấp kỷ lục như hiện nay đang là mồi lửa đe dọa cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ vốn đang sống trên đống nợ nần. Chủ nợ của các công ty dầu đá phiến Mỹ không ai khác chính là các ngân hàng ở châu Âu và Mỹ. Trong bối cảnh các ngân hàng châu Âu đang lâm vào khó khăn, làn sóng vỡ nợ của các công ty dầu đá phiến có thể khiến hệ thống ngân hàng Âu -Mỹ vốn đang yếu ớt sẽ gục ngã. 

Với thử thách ngày càng lớn, viễn cảnh giá dầu nằm ở mức thấp trong thời gian dài là hoàn toàn có thể". 

Chuyên gia năng lượng Daniel Yergin

Trong khi Nga cũng chẳng được lợi gì khi các mỏ dầu của Nga đã ra ngoài tầm với, nên chi phí khai thác là gánh nặng. Nay Nga còn hỗ trợ cho các tập đoàn này từ ngân sách sẽ càng làm thâm hụt ngân sách trở thành vấn đề không ai cứu được. Chính sách mở rộng cung tiền không giới hạn của Fed đã giúp chuyển đổi chủ nợ của các công ty dầu đá phiến sang một định chế không bị áp lực trên bảng cân đối tài sản. Nhưng có điều còn nguy hiểm hơn nữa, giá dầu thấp có nguy cơ dẫn tới sự gia tăng của các xung đột địa chính trị, đặc biệt tại Trung Đông. Xung đột chính trị là một trong những cách làm tăng giá dầu. 

Khó có thể biết trước khả năng giá dầu có thể hồi phục trong thời gian tới, nhưng khi nền kinh tế thế giới bắt đầu trở lại sau thời gian “lockdown”, nó sẽ khôi phục lại một phần nguồn cầu của dầu. Một tin vui là khả năng dịch Covid-19 đã đạt đỉnh lây nhiễm vào giữa tháng 4 và các quốc gia đang nới lỏng việc cách ly xã hội. Các kế hoạch mở cửa nền kinh tế đang được bàn tới. Giữa tháng 5 sẽ là khoảng thời gian để các quốc gia bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động kinh tế và nó sẽ giúp giá dầu phục hồi nếu các thỏa thuận cắt giảm sản lượng vẫn được duy trì.