Giá dầu thô có thể giảm xuống âm một lần nữa?

Theo Thanh Thắng/nhadautu.vn

Giá dầu đã phục hồi nhưng các nhà phân tích lại nhận định rằng dầu thô có thể trở lại mức âm trong thời gian tới. Lý do là nhu cầu và vấn đề lưu trữ kém vẫn tiếp tục gây áp lực lên giá.

 Nhu cầu về dầu sụt giảm đang khiến thị trường dầu mỏ rơi vào khủng hoảng.  Ảnh: Reuters
Nhu cầu về dầu sụt giảm đang khiến thị trường dầu mỏ rơi vào khủng hoảng. Ảnh: Reuters

Các nhà phân tích quốc tế đã cho rằng giá dầu thô có thể trở lại mức âm trong thời gian tới. Điều đó là do các vấn đề cơ bản về nhu cầu và lưu trữ vẫn chưa được giải quyết và sẽ tiếp tục gây áp lực lên giá.

Giá dầu của Mỹ cũng như dầu thô Brent chuẩn quốc tế đã sụt giảm mạnh trong thời gian vừa qua. Hợp đồng tháng 5 của dầu WTI đã xuống âm vào đầu tuần này, lần đầu tiên trong lịch sử và giao dịch ở mức âm 37,63 USD mỗi thùng. Điều này có nghĩa là các nhà sản xuất phải tự trả tiền cho các thương nhân để họ mang dầu ra khỏi các kho lưu trữ.

Tuy nhiên, hợp đồng tháng 6 cho WTI đã tăng 19% để giao dịch ở mức 13,78 USD/thùng. Trong khi đó, các nhà phân tích lại đang lo ngại về căng thẳng ở Vịnh Ba Tư khi Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ bắn hạ và tiêu diệt các pháo hạm của Iran nếu họ quấy rối tàu Mỹ.

"Tôi không cho rằng đây là một sự phục hồi. Tôi nghĩ rằng giá dầu sẽ tiếp tục giảm trong thời gian sắp tới", theo bà Vandana Hari, người sáng lập Vanda Insights, công ty chuyên cung cấp phân tích về thị trường năng lượng toàn cầu.

Mặc dù vậy, bà Hari lại lưu ý rằng, "Tôi nghĩ rằng các yếu tố căng thẳng địa chính trị tại thời điểm này đối với thị trường là vô cùng nhỏ. Chúng ta phải nhận ra rằng chừng nào các nền kinh tế lớn chưa mở cửa lại, nhu cầu sẽ vẫn giảm và làm tổn thương giá dầu".

Giá dầu thô có thể giảm xuống âm một lần nữa?

Nhu cầu về dầu đã bị ảnh hưởng nặng nề do các hạn chế đi lại vẫn còn hiệu lực ở nhiều quốc gia. Số lượng người dân ở trong nhà ngày càng tăng trong khi cả du lịch hàng không và mặt đất đều rơi vào bế tắc.

Nhu cầu sụt giảm đó đã khiến nguồn cung dầu tăng nhanh và các cơ sở lưu trữ chính đang nhanh chóng bị lấp đầy.

Điều này đã ảnh hưởng sâu sắc đến Mỹ, khi các cơ sở lưu trữ chính của đất nước tại Cushing, Oklahoma sẽ bị quá tải trong vòng vài tuần tới. Các khoang chứa dầu tại một trong cơ sở lớn nhất của Mỹ có thể đạt công suất lưu trữ tối đa vào giữa tháng 5, theo ước tính của BlackRock, công ty quản lý đầu tư toàn cầu của Mỹ.

Trong thời gian tới, khả năng hạn chế trong lưu trữ dầu sẽ có khả năng tiếp tục gây áp lực lên giá dầu nếu sản lượng không được cắt giảm. Yếu tố này thậm chí có thể khiến hợp đồng tháng 6 cho dầu thô của Mỹ (vốn đã được giao dịch ở mức trên 15 USD/thùng) cũng sụt giảm xuống mức âm, các nhà phân tích nhận định.

"Có khả năng các tình huống được ghi nhận vào đầu tuần này có thể lặp lại đối với hợp đồng WTI tháng 6, do các vấn đề lưu trữ dầu vốn gây khó khăn cho thị trường vẫn tồn tại, ít nhất là trong ngắn hạn", theo ông Peter Kiernan, nhà phân tích chính về năng lượng tại The Economist Intelligence Unit.

Không chỉ vậy, ông Nemo Qin, nhà phân tích cao cấp tại nền tảng đầu tư eToro, cũng nhận định rằng các yếu tố như tình trạng dư cung dầu vẫn có thể gây áp lực lên giá dầu thô Brent.

"Mặc dù OPEC cùng với Nga và các nước sản xuất dầu khác gần đây đã đạt được thỏa thuận lịch sử nhằm thu hẹp quy mô sản xuất, nhưng điều này vẫn sẽ không đủ để giải quyết tình trạng dư cung dầu trên toàn cầu. Khả năng rất cao là chúng ta sẽ thấy giá dầu Brent giảm và giao dịch ở mức âm trong ngắn hạn, trừ khi các biện pháp hạn chế trên toàn cầu được nới lỏng, hoặc các nước sản xuất dầu tiếp tục cắt giảm sản lượng", ông Qin nói.