"Cú sốc" giá dầu âm là lời cảnh báo cho các loại hàng hóa khác

Theo Thùy Dương/baotintuc.vn

Giá dầu thô Mỹ rơi xuống mức âm đã khiến một loại hàng hóa đáng tin cậy trở thành vô giá trị, làm các chuyên gia lo ngại đó là hồi chuông cảnh báo cho tăng trưởng toàn cầu và sụp đổ thảm họa của một loạt tài sản khác.

Cơ sở lọc dầu Wilmington của Mỹ ở Los Angeles, California ngày 21/4. Ảnh: AFP/TTXVN
Cơ sở lọc dầu Wilmington của Mỹ ở Los Angeles, California ngày 21/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo hãng tin Reuters (Anh), các thị trường đã mất hết niềm tin khi thương nhân dầu phải trả tiền để đẩy đi số dầu thô ngọt nhẹ WTI (Tây Texas) kỳ hạn giao tháng 5 khi kho chứa dầu ở Oklahoma đã hết chỗ chứa.

Theo những người tham gia vào thị trường dầu, “vàng đen” trở thành một khoản nợ báo hiệu cho một vòng giảm phát mới và suy thoái tài chính khi đại dịch COVID-19 tàn phá nền kinh tế thế giới.

Ông Murray Gunn, Giám đốc nghiên cứu toàn cầu tại công ty dự báo thị trường Elliott Wave International, nói: “Đây là một phần của quá trình giảm phát. Tại thời điểm này, phân tích của chúng tôi cho thấy đây rất có thể là làn sóng thứ hai của một cuộc đổ vỡ lớn hơn rất nhiều. Trong hai hoặc ba năm tới, chúng ta sẽ ở trong giai đoạn giảm phát. Ai tồn tại được sẽ có vai trò lớn. Tiền mặt khi đó là vua”.

Sắp tới, sẽ có một loạt vấn đề cơ bản xuất hiện: hiện tượng phá sản của giới đầu cơ dầu, sự sụp đổ của ngành dầu đá phiến Mỹ, các vấn đề tín dụng nếu nợ xấu của công ty năng lượng tăng và ngân hàng thắt chặt hầu bao.

Ông Patrick Perret-Green, Giám đốc nghiên cứu tại công ty tư vấn đầu tư AdMacro ở London (Anh) nhận định: “Điều chúng ta đang thấy ở đây là cuộc suy thoái diễn biến nhanh. Thua lỗ trong buôn bán có thể nhanh chóng khiến rủi ro lan nhanh tới các ngân hàng, khiến các ngân hàng có khả năng phản ứng bằng cách giảm cho vay. Sau đó, câu hỏi là ngân hàng có bắt đầu định giá lại các tài sản khác không? Do đó, mọi hàng hóa được giao dịch… chúng tôi dự báo không chỉ dầu sụp đổ mà còn mọi thứ khác”.

Giá dầu âm còn phản ánh một điều là nhu cầu năng lượng gần như hoàn toàn biến mất. Trước đó, lúc nào cũng có nhu cầu về năng lượng trên thế giới.

Mặc dù tình trạng này khiến một số người hy vọng giá nhiên liệu rẻ có thể hỗ trợ tăng trưởng toàn cầu trở lại nhanh chóng, nhưng giá dầu giảm cũng có nghĩa là khó khăn chồng chất với các nhà xuất khẩu dầu và những nền kinh tế phụ thuộc dầu.

Ông David Winans tại công ty nghiên cứu tín dụng PGIM Fixed Income dự báo: “Cuối cùng thì loại virus này cũng phải được giải quyết rồi thị trường dầu có thể phục hồi ở mức độ nào đó. Mức giá bi đát hiện nay không có lợi cho bất kỳ ai, nhưng tôi không rõ liệu có thể làm gì hơn mà chưa xử lý được virus này. Tôi cho rằng dầu đã dương tính với COVID-19”.

 

Nhân viên điều chỉnh bảng giá tại một trạm xăng ở Arlington, bang Virginia, Mỹ ngày 21/4. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên điều chỉnh bảng giá tại một trạm xăng ở Arlington, bang Virginia, Mỹ ngày 21/4. Ảnh: AFP/TTXVN
 

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tổng các gói kích thích toàn cầu trong đại dịch COVID-19 đã có giá trị lên tới 8.000 tỷ USD. Chỉ riêng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ đã cam kết hàng nghìn tỷ USD.

Mặc dù giá dầu giao tương lai giảm xuống còn -37 USD/thùng ngày 20/4 và hàng triệu người Mỹ có thể đã mất việc trong tháng này, nhưng chỉ số chứng khoán S&P 500 đã tăng 20% giá trị so với mức thấp trong tháng 3, bất chấp dự báo suy thoái sẽ mạnh hơn thời kỳ Đại Suy thoái.

Ông Grant Williams, cố vấn chiến lược tại công ty quản lý đầu tư Vulpes ở Singapore, nhận định: “Mọi ước tính dữ liệu kinh tế mà chúng tôi sắp công bố đều rất bi đát và trong mọi trường hợp, con số sẽ còn giảm nữa. Tuy nhiên, các thị trường vẫn sẵn sàng đón nhận dự báo về lợi nhuận của các công ty thuộc S&P 500 và quá trình phục hồi hình chữ V”.

Không phải ai cũng dự báo tình hình ảm đạm. Nhà kinh tế Howie Lee thuộc ngân hàng OCOB ở Singapore cho rằng đổ vỡ thị trường dầu không phải là dấu chấm hết của thế giới và không phản ánh toàn bộ thị trường vì giá dầu Brent không giảm mạnh tới vậy. Hơn nữa, FED đã đưa ra nhiều tiền kích thích cho thị trường tín dụng tới mức khả năng thị trường này bị ảnh hưởng xấu có thể không xảy ra.

Tuy nhiên, với ngành dầu trên toàn cầu, đặc biệt là với các nhà sản xuất đá phiến Mỹ phụ thuộc vào hợp đồng dầu thô kỳ hạn tương lai và giá phải là 40 USD/thùng mới hòa vốn, thì hậu quả là độc hại và có thể tác động tới tăng trưởng. Ông Winans tại PGIM nhận định: “Với mức giá hiện nay, cả ngành dầu đều chìm sâu”.