Giá dầu sẽ quyết định cục diện chiến sự Nga- Ukraine?
Giá dầu trên thị trường quốc tế có xu hướng giảm, khiến chúng ta liên tưởng về thời kỳ những năm 80 người Mỹ dùng "vàng đen" sắp đặt trật tự thế giới.
Giữa tâm bão khủng hoảng năng lượng, lạm phát, tập đoàn tài chính đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ, Citi Group vừa đưa ra dự báo rất đáng mừng nhưng cũng đáng lo không kém. Theo đó, giá dầu có thể rớt về 65 USD/thùng vào cuối năm nay và giảm sâu còn 45 USD/thùng vào cuối năm 2023 nếu như kinh tế thế giới bước vào suy thoái.
Phiên giao dịch tại thị trường New York, London, Frankfurt đầu ngày 11/7 (theo giờ Việt Nam), giá dầu ngọt nhẹ WTI giảm 0,36% còn 104,41 USD/thùng; giá dầu Brent Biển Bắc giảm 0,28% xuống 106,85 USD/thùng. Tổng cộng, giá dầu thô đã giảm khoảng 20 USD/thùng trong vòng chưa đầy 1 tháng qua.
Dịch bệnh COVID-19 đang ngày càng diễn biến phức tạp ở Trung Quốc - “công xưởng thế giới” và thị trường thương mại lớn nhất toàn cầu, khiến nhiều trung tâm công nghiệp lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh, Thâm Quyến, Hồng Kông có thể phải áp dụng trở lại “zero COVID”.
Thực tế này dấy lên lo ngại kinh tế toàn cầu tiếp tục hứng thêm đà suy thoái bên cạnh chiến tranh, chuỗi cung ứng chưa được nối lại. Vì vậy, nhu cầu năng lượng có xu hướng quay đầu.
Từ sau khi FED nâng lãi suất chống lạm phát, hơn 60 ngân hàng trung ương lớn ở châu Âu, châu Á và Úc cũng thắt chặt thị trường tài chính, tiền tệ. Điều này mang đến dự cảm không tốt với nền kinh tế thế giới.
Ông Jeffrey Halley - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở Singapore, cho rằng: “giá dầu thế giới giảm mạnh do lo ngại khả năng suy thoái ở Mỹ gia tăng. Các nhà đầu tư cho rằng giá dầu còn đi xuống khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại đáng kể trong những tháng tới”.
Giá năng lượng “hạ nhiệt” là cơ sở thực tế nhất để ngăn chặn lạm phát, đồng thời bản thân việc này lại phản ảnh bức tranh kinh tế toàn cục không mấy sáng sủa. Liệu tình trạng lạm phát đình đốn có diễn ra như dự báo của giới chuyên gia Mỹ?
Vấn đề giá dầu hiện nay còn liên quan đến chiến sự Nga - Ukraine. Nền kinh tế Nga cơ bản trở về thời kỳ chiến tranh sau khi hai đạo luật quan trọng mới được thông qua gấp rút: Yêu cầu doanh nghiệp cung cấp hàng hóa cho lực lượng vũ trang và yêu cầu nhân viên một số doanh nghiệp phải làm việc thêm giờ.
Nga đang khó khăn kinh tế, nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô và khí đốt trở nên tối quan trọng để duy trì hoạt động nội bộ cũng như “nuôi” cỗ máy chiến tranh rất tốn kém và dai dẳng ở Ukraine.
Về mặt kỹ thuật, giá dầu giảm đồng nào, nguồn thu của Moscow mất thêm đồng đó. Do đó, nhiệm vụ trước mắt của ông Putin càng khó khăn trong khi Ukraine đang nhận được rất nhiều khí tài, tiền bạc từ Mỹ và châu Âu.
Mất mát nguồn thu chủ yếu cộng với tình trạng bị cô lập, không thể phát hành trái phiếu chính phủ để huy động ngoại tệ; phải chi tiêu rất nhiều cho chiến sự,… có thể khiến Nga thất bại.
Lãnh đạo các nước G7 nghĩ ra một cơ chế chỉ cho phép vận chuyển các sản phẩm dầu của Nga được bán dưới ngưỡng giá đã thỏa thuận, các nước có thể tiếp tục mua dầu Nga nhưng với giá rẻ, gần bằng giá thành sản xuất. Điều này sẽ được thực thi bằng cách áp đặt các hạn chế đối với các công ty bảo hiểm và vận chuyển.
Ý tưởng trên có thể chưa thành hiện thực vì phía Nga vẫn cho rằng, việc giữ dầu trong kho sẽ khiến các nền kinh tế châu Âu và Mỹ thiệt hại nhiều hơn so với Nga. Cũng có thể thấy rằng, vấn đề của Nga hiện nay là bán được dầu!
Ông Michael Reagan từng khuyên cựu Tổng thống Obama hãy học cách của cha ông (Tổng thống Ronald Reagan) để đối phó Nga. Tức là cách thức người Mỹ từng đánh bại Liên Xô nhờ nắm được thị trường dầu mỏ.
Năm 1980, R. Reagan thuyết phục Saudi Arabia bơm dầu giá rẻ tràn ngập thị trường để phản đối việc Liên Xô đưa quân đến Afghanistan. Nền kinh tế Liên Xô dựa vào năng lượng lập tức suy thoái.
Người Mỹ đã học nhau, ông Joe Biden cũng “nói chuyện” với Saudi Arabia và UAE, “xuống thang” đàm phán với Iran và Venezuela nhưng không mấy thành công. Liệu hiện tượng giá dầu giảm lần này có phải là “đại kế hoạch khổ nhục kế” nhằm hủy hoại nước Nga?