Giá dầu tăng mạnh nhất từ đầu năm do căng thẳng vùng Vịnh
Giá dầu thế giới tăng mạnh nhất từ đầu năm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, sau vụ Iran bắn rơi một thiết bị bay không người lái (drone) của Mỹ - vụ việc mà Tổng thống Donald Trump cảnh báo rằng Tehran đã phạm "một sai lầm rất lớn".
Vụ tấn công này, cùng loạt vụ tấn công tàu chở dầu ở vùng Vịnh trong tháng 5 và tháng 6, đang đẩy căng thẳng ở "vựa dầu" của thế giới lên cao, đặt ra nguy cơ bùng phát xung đột quân sự.
Vụ Iran bắn rơi thiết bị bay của Mỹ diễn ra chỉ 1 tuần sau khi lực lượng của nước này bị Mỹ cáo buộc gây ra vụ tấn công vào hai tàu chở dầu trên Vịnh Oman. Trước đó, trong tháng 5, hai tàu chở dầu khác cũng bị tấn công gần eo biển Hormuz, và Iran cũng bị nghi ngờ là chủ mưu. Tất cả những cáo buộc này đều bị Tehran bác bỏ.
Ngày thứ Năm, lực lượng nổi dậy Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen tuyên bố đã dùng tên lửa hành trình tấn công vào một nhà máy điện ở Saudi Arabia. Đây ít nhất là lần thứ ba trong vòng một tuần xảy ra một vụ tấn công như vậy vào cơ sở hạ tầng của Saudi Arabia - đồng minh lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông.
Phiên ngày thứ Năm, giá dầu còn nhận được "cú huých" từ sự tăng điểm của thị trường chứng khoán Mỹ. Các chỉ số ở Phố Wall tăng khá mạnh nhờ tín hiệu hạ lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Đầu tháng này, giá dầu có lúc rơi vào thị trường đầu cơ giá xuống (bear market). Tuy nhiên, từ giữa tuần trước tới nay, giá dầu đã tăng hơn 10% do căng thẳng ở vùng Vịnh. Ngoài ra, giá dầu cũng được hỗ trợ bởi khả năng Mỹ-Trung sắp nối lại đàm phán thương mại.
"Xung đột Mỹ-Iran sẽ không sớm lắng xuống", ông Michael Hiley, trưởng bộ phận giao dịch năng lượng thuộc LPS Futures, nhận xét với hãng tin Bloomberg. "Kết hợp với việc Mỹ và Trung Quốc giảm căng thẳng, thì giá dầu sẽ được đẩy lên".
Lúc đóng cửa phiên ngày thứ Năm giá dầu WTI giao tháng 7 tại New York tăng 2,89 USD/thùng, tương đương tăng 5,4%, chốt ở 56,65 USD/thùng. Đây là phiên tăng mạnh nhất của giá dầu WTI kể từ ngày 26/12.
Tại thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 8 tăng 2,63 USD/thùng, tương đương tăng 4,5%, chốt ở 64,45 USD/thùng.
Phiên này, giá dầu còn được hỗ trợ bởi lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm mạnh hơn dự báo. Sau khi tăng lên mức cao nhất 2 năm, tồn kho dầu của Mỹ trong tuần trước giảm 3,1 triệu thùng, lớn hơn mức dự báo giảm 1,1 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra - theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA).
Bên cạnh đó, thị trường cũng đang kỳ vọng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đối tác gồm Nga, tức nhóm OPEC+, sẽ gia hạn thỏa thuận hạn chế sản lượng. Sau nhiều tranh cãi, OPEC+ cuối cùng đã chốt ngày họp vào 1-2/7.
Nhóm này đã thực thi thỏa thuận giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày từ đầu năm đến nay, và đang tính gia hạn thỏa thuận đến hết năm.
Hiện nay, giá dầu vẫn chịu áp lực giảm từ triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Kiềm chế sự tăng giá của dầu còn là sản lượng dầu cao kỷ lục của Mỹ.
"Nếu không có nguồn dầu dồi dào từ Mỹ, thì giá dầu chắc chắn đã vượt 100 USD/thùng", bà Helima Croft, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa cơ bản toàn cầu của RBC, nhận định với hãng tin Reuters.