Giá dầu thế giới không thể đứng ở mức cao?


(Taichinh) - Thời gian qua, giá dầu thế giới phục hồi trở lại đã gieo hy vọng cho các nước phụ thuộc vào nguồn dầu xuất khẩu. Tuy nhiên, các dự báo mới đây của OPEC, Goldman Sachs về giá dầu lại không hề lạc quan.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Giá dầu trở lại mức 60 USD/thùng

Sau 4 năm giữ ổn định giá trong khoảng 105 USD/thùng, từ tháng 6/2014 đến tháng 12/2014, giá dầu thô ngọt nhẹ thế giới (WTI) đã chứng kiến sự suy giảm tới 43% từ 115,19 USD/thùng xuống 65,64 USD/thùng.

Giá dầu thế giới đã giảm mạnh do nguồn cung dầu đá phiến của Mỹ tăng vọt. Thông thường, OPEC sẽ giảm sản lượng trong tình huống như vậy để đẩy giá dầu lên, nhưng lần này, OPEC không làm vậy. Thay vào đó, các nước OPEC, nhất là Saudi Arabia, đã đẩy mạnh khai thác và giảm giá bán dầu nhằm giữ khách.

Đến đầu năm 2015, giá dầu lại tiếp tục biến động mạnh. Giá dầu thô ngọt nhẹ trong trung tuần tháng 3/2015 thậm chí đã xuống dưới ngưỡng 45 USD/thùng. Trong bối cảnh đó, nhiều người dự đoán rằng giá dầu sẽ hạ thêm đến 30 USD/thùng. Song, vào tháng 4/2015, giá dầu đã quay đầu đi lên và đến tháng 5 đã đứng ở mức trên 60 USD/thùng. Như vậy, giá dầu đã hồi phục với tốc độ đáng ngạc nhiên trong những tuần qua với việc tăng khoảng 30% từ mức thấp nhất hồi tháng 3/2015.

Các yếu tố hỗ trợ giá dầu đi lên trong khoảng thời gian này là các số liệu về dự trữ dầu thô ở Mỹ giảm. Số giàn khoan đang hoạt động của Mỹ giảm gần 1.000 giàn, tương ứng 60%, kể từ khi đạt đỉnh hồi tháng 10/2014. Các chính sách mới đây của Trung Quốc để kích thích kinh tế cũng tạo kỳ vọng về sự gia tăng tiêu thụ dầu của quốc gia này. Bên cạnh đó, các nguyên nhân khiến giá dầu thô đi lên trong tháng 5/2015 là Libya tạm dừng xuất khẩu dầu thô vì các cuộc biểu tình, Saudi tăng giá bán dầu và đồng USD đi xuống.

Đà phục hồi mong manh

Việc giá dầu phục hồi trở lại đã gieo hy vọng cho các nước phụ thuộc vào nguồn dầu xuất khẩu. Tổng thống Venezuela Ông Nicolas Maduro cho biết, Venezuela đang thúc đẩy một thỏa thuận giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt của thế giới để đưa giá dầu trở lại mức 100 USD/thùng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo rằng, giá dầu tăng như thời gian qua đã là quá nhanh và chưa có nhiều yếu tố hỗ trợ để giữ được ngưỡng 60 USD/thùng; thị trường vẫn đang thừa cung trong ngắn hạn và giá dầu có thể sẽ giảm trở lại trong mùa hè hoặc đầu mùa thu.

Cụ thể, theo Goldman Sachs, giá dầu thô ngọt nhẹ sẽ rơi xuống 45 USD/thùng vào tháng 10/2015 do cung vẫn vượt cầu.

Theo kết quả khảo sát của Reuters, nguồn cung dầu tháng 4/2015 của OPEC đã lên cao nhất kể từ 2012, chủ yếu do sản lượng của Arab Saudi và Iraq đạt kỷ lục. Nguồn cung dầu OPEC trong tháng 4/2015 tăng lên 31,04 triệu thùng/ngày từ 30,97 triệu thùng/ngày trong tháng 3.

Sự gia tăng này khiến sản lượng dầu thô của OPEC vượt dự báo về nhu cầu dầu của Khối trong nửa đầu năm nay, mặc dù nhu cầu nửa cuối năm 2015 được dự đoán sẽ tăng mạnh hơn.

Goldman Sachs cho biết, việc dễ dàng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ cũng đã và đang cho phép các công ty sản xuất dầu mỏ tiếp tục cuộc chơi và tiếp tục khoan thêm nhiều giếng dầu mới. Thậm chí các công ty đang gặp khó khăn khi nguồn vốn cạn kiệt hoặc gặp vấn đề về thanh khoản vẫn có thể tìm được nhà đầu tư sẵn sàng đổ tiền ra.

Trong khi đó, OPEC mới đây cũng cho rằng giá dầu sẽ không thể vượt qua mức 100 USD/thùng trong vòng một thập kỷ tới. Đây là những đánh giá được đưa ra trong một bản dự thảo chiến lược mới đây của OPEC, trong đó dự báo giá dầu sẽ ở mức 76 USD/thùng vào năm 2025 theo kịch bản lạc quan nhất của tổ chức này.

Dự báo trên phản ánh nỗi lo của OPEC về việc các nhà khai thác dầu của Mỹ có khả năng chịu đựng mức giá thấp và tiếp tục đẩy mạnh sản xuất.

OPEC cũng tính đến khả năng giá dầu thô giảm xuống dưới mức 40 USD/thùng vào năm 2025.