Giá dầu và các ngân hàng trung ương sẽ phá vỡ các quy luật thị trường

Theo Thành An/daibieunhandan.vn

(Tài chính) Sau xu hướng nới lỏng tiền tệ, các chuyên gia dự đoán thị trường toàn cầu năm 2015 sẽ phải thích nghi với những chính sách tiền tệ hoàn toàn khác của chính phủ các nước. Giá dầu và các ngân hàng trung ương tiếp tục là nhân tố áp đặt lối chơi trên thị trường thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Romain Boscher, một chuyên gia chứng khoán, nhận định cũng như 7 năm qua, năm tới, các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục can thiệp vào các thị trường nhưng hình thức can thiệp có thể thay đổi. Trong các năm qua, để ngăn chặn nguy cơ tái khủng hoảng, ngân hàng trung ương bơm tiền cho nền kinh tế, duy trì chính sách lãi suất thấp kỷ lục - ở mức gần bằng 0% và găm giữ tài sản. Kết quả của các biện pháp này là thị trường chứng khoán phản ứng tích cực và lãi suất cho vay của các ngân hàng tiếp tục giảm.

Tuy nhiên, tình hình của nền kinh tế thực lại không hoàn toàn khả quan như thế và có nhiều biến động. Từ thực tế này, theo Mathieu L’Hoir, một chiến lược gia về cổ phiếu tại Quỹ Quản lý đầu tư AXA, chính sách tiền tệ của các nước năm 2015 sẽ không đồng bộ. Và sự lệch pha này sẽ khiến các thị trường biến động đáng kể. Cụ thể, Anh và Mỹ - hai nền kinh tế đang phục hồi khả quan nhờ các ngân hàng trung ương đã tung ra rất sớm các chương trình mua tài sản khẩn cấp - sẽ tăng lãi suất ngay từ đầu năm tới. Tuy nhiên, Nhật Bản sẽ không như vậy khi nền kinh tế này đang rơi vào suy thoái. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục hạ lãi suất và nới lỏng định lượng tiền tệ để bảo đảm nền kinh tế thoát khỏi nguy cơ hạ cánh cứng trong bối cánh tăng trưởng giảm tốc.

Tương tự, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng sẽ phải tiếp tục triển khai một chương trình cứu trợ khẩn cấp để tránh nguy cơ giảm phát và suy thoái.

Trong bối cảnh đó, việc giá dầu rơi tự do khiến tình hình thêm rối ren. Giá dầu mỏ thế giới tiếp tục “phá đáy” mới khi giá dầu Brent Biển Bắc lần đầu tiên giảm xuống dưới 60USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 7.2009, thời điểm thế giới đang bị cuốn vào vòng xoáy khủng hoảng tài chính. Chỉ trong 6 tháng, giá dầu mỏ thế giới đã giảm tới gần 50% và dự đoán sẽ còn tiếp tục giảm giá năm 2015.

Theo ông L’Hoir, là một hàng hóa chiến lược, giá dầu đang trở thành nhân tố thay đổi lối chơi của nền kinh tế thế giới. Dầu mỏ là động lực cho ngân sách toàn cầu, đặc biệt đối với các nước trợ giá năng lượng, như Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, với châu Âu - đang vật lộn chống nguy cơ giảm phát, giá dầu rẻ sẽ tạo ra nhiều áp lực đối với ECB trong nỗ lực giữ giá tiêu dùng ổn định. Giá dầu giảm có vẻ là tin tốt lành đối với người tiêu dùng nhưng không được các ngân hàng trung ương mặn mà đón nhận. Từ góc nhìn của các ông chủ nhà băng, giá dầu giảm sẽ khiến các doanh nghiệp và hộ gia đình trì hoãn các quyết định chi tiêu để đợi giá xuống thấp hơn, điều này tác động trực tiếp tới cầu tiêu dùng và khiến hoạt động sản xuất đình trệ, nhiều công nhân bị sa thải.

Thực tế giá dầu thấp bất thường này làm dấy lên nhiều câu hỏi và kéo theo cảnh kẻ khóc người cười. Giá dầu hạ, những nước bị thiệt hại trong khu vực Trung Đông đương nhiên là những nước xuất khẩu dầu. Tuy nhiên, những thiệt hại của mỗi nước khác nhau, tùy theo việc phụ thuộc của nước đó vào thu nhập dầu lửa và sức mạnh của đồng tiền của nước đó so với đồng USD. Các nước vùng Vịnh, nơi đồng tiền liên quan nhiều đến USD, phải chịu “thiệt hại kép” về thu nhập, vừa do giá dầu giảm bằng đồng nội địa vừa do giá USD tăng. Các nhà phân tích cho rằng các nước này có thể vẫn chịu đựng được sự giảm giá dầu hiện nay, nhưng những ảnh hưởng của nó đến các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế và xã hội sẽ là rất lớn và kéo dài.

Nga sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong khi một số nước - đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc - đang giành thế thượng phong. Theo một cuộc thăm dò quy mô toàn cầu của hãng tin Bloomberg, Nga - quốc gia mà nguồn thu từ xuất khẩu dầu khí chiếm tới 50% tổng ngân sách - sẽ là quốc gia bị thiệt hại nặng nề nhất. Tác động kết hợp của tình trạng giá dầu xuống thấp và các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu có thể gây ra một thời kỳ đình trệ kinh tế kéo dài đối với kinh tế Nga.

Cùng với giá dầu, việc Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (FED) dự định tăng lãi suất trước tháng 4.2015, nâng giá trị đồng USD cũng là một tác nhân đáng bàn tới trong bức tranh tài chính thế giới năm nay. Ngày càng có nhiều chuyên gia lo ngại rằng hiện tượng này có thể gây ra một cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng trong các nền kinh tế mới nổi. 

Trên phạm vi toàn cầu, các quốc gia, các doanh nghiệp và các hộ gia đình hiện đã mắc nợ tới 10.000 tỷ USD, trong đó các nền kinh tế mới nổi vay khoảng 5.600 tỷ USD. Món nợ khổng lồ này có thể trở thành một nguy cơ hiện hữu, bởi hầu hết các khoản vay được tính bằng đồng USD. Mới đây, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế đã cảnh báo sự tăng giá của đồng USD so với so với các đồng tiền khác có thể tác động mạnh mẽ đến kinh tế toàn cầu.   

Sự tăng giá hiện nay của đồng USD là một trong những đợt tăng mạnh nhất trong nhiều thập kỷ qua. Chỉ số “Dollar Index” - thước đo sức khỏe của đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt trên thế giới - đã đạt mức cao nhất kể từ đầu năm 2006. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại không phải ở con số tuyệt đối của chỉ số mà là ở tốc độ tăng giá.   

Trong quá khứ, sự tăng giá của đồng USD đã gây ra các cuộc khủng hoảng tại các nền kinh tế mới nổi, điển hình là vào đầu những năm 1980, đồng USD tăng giá mạnh đã khiến các quốc gia Nam Mỹ lâm vào rắc rối lớn và các “con hổ châu Á” đã sụp đổ hàng loạt vào giữa những năm 1990.   

Hiện nay, riêng Trung Quốc vay nợ khoảng 1.100 tỷ USD, song nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã tạo được một tấm “lá chắn” bằng gần 4.000 tỷ USD dự trữ. Bắc Kinh đã rút được bài học lớn trong cuộc khủng hoảng châu Á (1997-1998), khi họ nhận thấy các chính phủ lần lượt lâm nguy do không có khả năng trả nợ bằng đồng USD và rơi vào suy thoái.   

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng đồng USD giờ đây đã lấy lại ưu thế vốn có của nó, và sự tăng giá mạnh mẽ của nó có thể trở thành một vấn đề đối với toàn thế giới. Nếu đồng USD tiếp tục tăng giá, nó có thể dẫn đến làn sóng phá sản ở Nga, Brazil và các nền kinh tế mới nổi khác, đồng thời sẽ tác động nghiêm trọng tới Đức và các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu.