Giá điện rục rịch tăng
(Tài chính) Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, việc tăng như thế nào sẽ được Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngay trong tháng 3.
Tại buổi Họp báo Chính phủ tháng 2, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ, mặc dù giá điện đã có đầy đủ những điều kiện để có thể điều chỉnh giá từ trước Tết, nhưng xét đến việc có thể ảnh hưởng tâm lý người dân, đến các doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo không tăng giá điện. Còn sau Tết, theo đề xuất của EVN, tùy theo thẩm quyền nếu tăng từ 7-10%, Bộ Công Thương sẽ có xem xét và quyết định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2015. Còn nếu trên 10% thì EVN trước tiên sẽ báo cáo Bộ Tài chính, khi có ý kiến của EVN và Bộ Tài chính, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Ông Hải cũng nói thêm, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo rất rõ, điện là một trong những mặt hàng chúng ta phải kiên quyết tiến dần đến giá thị trường.
Cuối năm 2014, EVN từng có đề xuất tăng giá bán lẻ điện lên 9,5%. Mức tăng 9,5% mà EVN đề xuất nằm trong khung giá đã được phê duyệt cho giai đoạn 2013-2015 (từ 1.437 đồng đến 1.835 đồng). Đến nay, giá điện đã không tăng trong vòng 18 tháng. Lần tăng giá điện gần nhất cho đến nay là vào ngày 1/8/2013 với mức tăng thêm 71,85 đồng.
Ông Hải cho biết, có nhiều mặt hàng, yếu tố làm ảnh hưởng đến giá điện. Ví dụ giá than tăng đến 22% tính đến 22/7/2014 so với 1/8/2013, trong khi lượng điện được sản xuất bằng nhiệt điện chiếm tới 32,37%. Giá khí cũng tăng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tăng rất nhiều lần, 1/4/2014 tăng 1 lần, đến 1/7/2014 tăng lần 2, lần 3 là 1/10 và gần đây nhất là 1/1/2015. Những yếu tố cấu thành giá điện như vậy tăng, cùng với việc tỷ giá bình quân cũng tăng, kể cả thuế tài nguyên nước tăng từ 2% lên 4%, giá mua điện từ các nhà máy có công suất từ 30MW trở xuống cũng đều tăng, khiến việc tăng giá điện là cần thiết.
Giá dầu gần đây tụt giảm rất nhiều, nhưng lại không giúp gì nhiều trong giảm chi phí giá điện ở Việt Nam. Theo ông Hải, sản lượng điện sản xuất qua xăng dầu chỉ chiếm có 0,55% sản lượng điện chúng ta đang sản xuất. Như vậy gần như có thể nói giá dầu trên thế giới giảm nhưng không tác động đến yếu tố cấu thành giá điện.
Theo cơ quan quản lý, hiện giá điện đang được bán dưới giá thành và thấp hơn so với các nước khác. Riêng trong khu vực Asean, ông Hải cho biết, giá điện của Việt Nam trước đây khoảng 6,27 cent/1 kWh điện, hiện nay mới tăng lên được 7,7 cent/1 kWh điện, trong khi ở Philippines xấp xỉ gần gấp 3 chúng ta: 21,72 cent/1 kWh điện, Singapore là 21,3 cent/1 kWh điện, gần chúng ta là Thái Lan cũng là 10,65 cent/1 kWh điện, Malaysia là 7,29 cent/1 kWh điện. Đó là điện sinh hoạt, còn điện thương mại ở các nước khác cũng là gấp đôi, gấp ba điện ở Việt Nam.
Giá điện bán dưới giá thành và thấp hơn so với các nước khác sẽ không thể thu hút các nhà đầu tư. Việc tăng giá điện để nhà sản xuất có lợi nhuận là cần thiết. Tuy nhiên, giá bán cần được tính chính xác, công khai và nhất là phải giảm tỷ lệ thất thoát và đi kèm với tăng năng suất lao động của ngành là yêu cầu được các bộ, ngành đặt ra cho EVN.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết: “Việc sắp tới có sự thay đổi thế nào theo đề xuất của EVN, chúng tôi cũng xin được thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Chính phủ và theo thẩm quyền của Bộ Công Thương. Trong tháng 3, chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.