Gia hạn thời gian thực hiện thoái vốn doanh nghiệp có vốn nhà nước


Trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn gia đoạn 2021–2025, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 908/QĐ-TTg ngày 29/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đây là nội dung tại Công văn số 580/VPCP-ĐMDN của Văn phòng Chính phủ ban hành ngày 23/01/2021 truyền đạt ý kiển chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về gia hạn thời gian thực hiện Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. 

Theo đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch sắp xếp, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn gia đoạn 2021–2025, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 908/QĐ-TTg ngày 29/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020.

Theo Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020, có 120 doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020.

Bên cạnh đó, còn có 4 doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu thoái vốn trước ngày 30/11/2020; không hoàn thành thoái vốn thì hoàn thành chuyển giao về SCIC trước 31/12/2020 gồm: Tổng công ty cổ phần Sông Hồng (Bộ Xây dựng), Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – Công ty cổ phần (Bộ Xây dựng), Tổng công ty Xây dựng số 1 – Công ty cổ phần (Bộ Xây dựng); Tổng công ty Đầu tư Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) (Bộ Xây dựng).

Theo báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), trong giai đoạn từ 2016-2020 đã ghi nhận công tác thoái vốn đạt kết quả tốt, cổ phần hóa đã vượt kế hoạch về số lượng và giá trị cổ phần nhà nước bán được, đạt cao hơn so với giai đoạn 2011–2015, tuy nhiên, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2016 – 2020 vẫn còn chậm hơn so với kế hoạch đề ra.

Trong bối cảnh đó, nhằm đẩy nhanh lộ trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới, cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động cổ phần hóa, Bộ Tài chính đã đề xuất, kiến nghị một loạt các giải pháp.

Cụ thể, các doanh nghiệp nhà nước thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trình UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa đến hết năm 2020 triển khai hoàn thành công tác xác định giá trị doanh nghiệp, xử lý tài chính, công bố giá trị doanh nghiệp trong năm 2020.

Bộ Tài chính cũng đề nghị các doanh nghiệp cổ phần hóa lựa chọn thời điểm phù hợp để thực hiện bán cổ phần lần đầu và thoái vốn, không thực hiện bán cổ phần, thoái vốn bằng mọi giá để đảm bảo quyền lợi của Nhà nước. Trong trường hợp cần thiết, cần phải giảm chi đầu tư từ nguồn cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp để đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước.

Đối với các doanh nghiệp đã cổ phần hóa và chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện quyết toán công tác cổ phần hóa, đồng thời xác định số phải nộp/tạm nộp và thực hiện nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quy định...