Giá nhà ở chững lại: chưa mừng
(Tài chính) Theo công bố mới nhất của Bộ Xây dựng, tồn kho bất động sản đã giảm khoảng 26%, làn sóng giảm giá bán nhà ở cũng đã chững lại. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, chưa thể lạc quan với diễn biến mới này của thị trường.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, hiện tồn kho bất động sản đã giảm khoảng 26%, và làn sóng giảm giá bất động sản đã chững lại. Cùng với đó, những khó khăn về vốn đối với hoạt động xây dựng được kỳ vọng là sẽ phần nào được giải quyết thông qua mối liên kết giữa 4 nhà (ngân hàng - chủ đầu tư - nhà cung cấp vật liệu xây dựng - nhà thầu). Mối liên kết này được thể hiện qua chương trình tín dụng thương mại 50.000 tỷ đồng do Ngân hàng Xây dựng và một số ngân hàng thương mại khác triển khai. Tổng giám đốc Ngân hàng Xây dựng Phan Thành Mai cho biết, chuỗi liên kết 4 nhà sẽ gắn trách nhiệm giữa các đối tượng tham gia, trong đó, ngân hàng có vai trò quan trọng nhất là quản lý dòng tiền đi đúng mục đích.
Thế nhưng, các chuyên gia cho rằng, thị trường nhà ở chưa hẳn đã lạc quan như vậy. Bởi lẽ, hiện đang có một số lượng rất lớn dạng nhà ở tồn kho thứ cấp, đó là hàng nghìn căn hộ chung cư, biệt thự, nhà ở liền kề trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng do các nhà đầu tư thứ cấp đã mua nhưng hiện nay đang không bán được, phải bỏ không. Trong khi đó, khả năng tiếp cận với nhà ở của những người đang gặp khó khăn về nhà ở thực sự vẫn đang rất hạn chế, bất luận có thêm chương trình tín dụng. Giá nhà ở dù có giảm so với thời gian trước, nhưng người có nhu cầu thực sự vẫn khó tiếp cận với nhà ở giá rẻ, hoặc muốn mua phải chi một khoản chênh lệch lên tới hàng trăm triệu đồng cho trung gian. Tuy nhiên, khi thị trường chỉ mới ấm lên, thì nhiều chủ đầu tư đã quyết định tăng giá chào bán khoảng 5 đến 10%. Theo TS. Lê Thẩm Dương - Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh - cách thức xây dựng giá bất động sản dựa trên mong muốn của chủ đầu tư đã khiến giá nhà ở tại nước ta không tiệm cận với thu nhập bình quân của người lao động.
Phân khúc nhà ở xã hội dù đang được nhiều ưu đãi, nhưng giá bán lại không hề rẻ hơn giá bán một số dự án nhà ở thương mại. Ví dụ như dự án nhà ở xã hội 30 Phạm Văn Đồng, Hà Nội, là 14,8 - 14,9 triệu đồng/m2, trong khi chung cư thương mại Viện 103 Văn Phú giá cũng chỉ 14,5 triệu đồng/m2. Trước thực tế này, đã có quan điểm đề nghị nên áp giá trần cho nhà ở xã hội. Không thống nhất với quan điểm này, Giáo sư Đặng Hùng Võ phân tích, giá trần chỉ thích hợp trong giai đoạn chúng ta mới xây dựng nhà ở xã hội và trong điều kiện các cơ quan quản lý phải thật công tâm, khách quan, nghiêm minh. Về lâu dài, giá nhà ở vẫn phải do thị trường quyết định.
Theo Phó thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về nhà ở và thị trường bất động sản Hoàng Trung Hải, để khắc phục những hạn chế hiện nay trên thị trường bất động sản thì cần thay đổi tư duy về vấn đề nhà ở. Về lâu dài, phải xây dựng một chính sách tín dụng riêng cho nhà ở xã hội, để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đồng thời, đưa ra các chính sách nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội cho thuê, bởi nếu không thay đổi từ tư duy mua sang thuê nhà ở thì sẽ không giải quyết được những hạn chế của thị trường này.
Để tháo gỡ khó khăn về thị trường nhà ở, Bộ Xây dựng kiến nghị lên Chính phủ hàng loạt giải pháp, như cho phép điều chỉnh, sửa đổi một số quy định có liên quan đến gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng theo hướng: kéo dài thời hạn trả nợ, mở rộng đối tượng vay vốn; dừng cấp mới dự án trong năm 2014... Tuy nhiên, việc triển khai các chương trình nhà ở xã hội cho thuê, đặc biệt là ở các đô thị lớn, vẫn rất chậm chạp. Nếu không triển khai được những dự án nhà ở xã hội cho thuê theo tiêu chí giá cả hợp lý, hạ tầng đầy đủ và thời hạn cho thuê lâu dài thì vẫn khó giải được bài toán bảo đảm nguồn cung nhà ở cho người có nhu cầu thực sự.
Thời gian gần đây, loay hoay về việc tìm ra giá trị thực của thị trường nhà ở của nhiều chuyên gia, nhiều nhà hoạch định chính sách, song chúng ta hình như chưa thấy hết tiền người Việt để ở đâu và tâm lý người Việt nghĩ gì? (có thể có người biết mà ngại nói ra chăng?). Vậy nên, cái nói vẫn lựa là lựa mà nói, cái cần vẫn là lựa để cần. Để giữ để tồn tại.
Đất nước này cần cái lớn hơn thế: hiện thực bất động sản chúng ta là gì? Tại sao nó thế? Nếu gỡ, gỡ ở đâu?
Có người nói, muốn gỡ, chỉ nửa tháng, gỡ được. Nhịp sống trở lại bình thường. Nhà ở xã hội nhà nước đầu tư. Nhà ở thương mại, ai có tiền người đó tới ở, kể cả người nước ngoài.
Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ bẩy tung trái đất này lên - Archimedes nói thế.