Giá nhà tại Việt Nam đang cao so với thu nhập của người dân?

Theo Hải Sơn/thoibaokinhdoanh.vn

Câu chuyện giá nhà ở Việt Nam cao hay thấp hơn các nước trong khu vực luôn là đề tài bàn luận của các chuyên gia, vì vấn đề này đặt trong nhiều yếu tố để xem xét. Nhưng tính chung mặt bằng bán cho người Việt Nam là cao, còn bán cho người nước ngoài thì lại thấp. Đây cũng là bài toán mà các nhà hoạch định chính sách cần tính toán khi phát triển thị trường nhà ở.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Giá nhà thấp hơn khu vực…

Theo tìm hiểu của PV, không chỉ tại Singapore mới có giá nhà đắt đỏ, tại Băng Cốc (Thái Lan), để sở hữu được căn chung cư tại thủ đô này, người mua nhà cũng phải chi trả từ 500.000 – 600.000 USD/căn hộ tầm 100-110 m2. Trong khi đó, thu nhập của người dân Thái Lan chưa cao bằng thu nhập của người dân Singapore.

Một doanh nghiệp địa ốc tại TP. Hồ Chí Minh đã có nghiên cứu, đánh giá chi tiết về căn hộ tại TP. Hồ Chí Minh so với các thành phố trong khu vực. Theo đó, căn hộ giá rẻ ở TP. Hồ Chí Minh khoảng 30.000-40.000 USD/45-50m2 (tương đương 650-850 triệu đồng/căn). Trong khi đó giá nhà tương tự ở những đô thị có cùng quy mô ở Băng Cốc, Hong Kong, Manila khoảng 300.000 USD/căn.

Đối với căn hộ cao cấp, mức trung bình của căn hộ cao cấp ở TP. Hồ Chí Minh khoảng 1.781 USD/m2, tính tổng khoảng 178.000 USD/mỗi căn 100m2. Nhưng căn hộ tương tự tại Singapore, Indonesia, Thái Lan, Thượng Hải, Malaysia... có giá khoảng 500.000-600.000 USD, cao gấp 3-4 lần.

Xét riêng về mức giá thì theo các nghiên cứu của một số Công ty BĐS nước ngoài ở Việt Nam, giá nhà tại Việt Nam vẫn còn rẻ hơn so với các nước trong khu vực như Malaysia, Singapore, Indonesia, Thái Lan…

Điều đáng nói, nếu so với thu nhập trung bình thì giá nhà ở Việt Nam luôn khá cao so với thu nhập của người dân do cơ cấu giá thành nhà ở còn một số bất hợp lý làm cho chi phí đầu tư cao.

Nhiều tiềm năng phát triển

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, theo dữ liệu về giá và tìm kiếm mà công ty này nghiên cứu tại Việt Nam và các nước trong khu vực, mặt bằng giá BĐS ở Việt Nam đang thấp hơn nhiều so với khu vực. Trong khi đó, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam theo số liệu của Tổng cục Thống kê khoảng 35%, thấp hơn nhiều tốc độ 50% của Thái Lan hay 70-80% của Hàn Quốc. Tốc độ đô thị hóa của Hà Nội hiện nay khoảng 49% do mở rộng địa giới, TP. Hồ Chí Minh cao hơn khoảng 79%.

“Tiềm năng đô thị hóa của Việt Nam còn rất lớn, vì đô thị hóa đi liền với phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển các dự án BĐS”, vị Phó Tổng giám đốc này nói.

Ông Quốc Anh cho rằng, các đơn vị BĐS, nhất là các đơn vị đang bán hàng online còn nhiều cơ hội tiếp cận với các nhà đầu tư nước ngoài. Một số nhà đầu tư nhận định lãi suất đang thấp nên đầu tư vào BĐS, chứng khoán. Nhiều nhà đầu tư đang chú ý đến BĐS Việt Nam nhờ giá còn tương đối thấp.

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Chuyên gia kinh tế, nguyên Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank nhìn nhận, ở khu vực châu Á, nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất đến Singapore và Hồng Kông, hai thị trường này cực kỳ đắt. Tuy nhiên thị trường BĐS Việt Nam có sức hấp dẫn vì mức lợi nhuận thu về 5 - 7%, và thuế vẫn còn hấp dẫn. Tuy nhiên cần sửa quy định nghị định năm 2015, Điều 74 Luật Nhà ở 2014 quy định về nhà đầu tư nước ngoài mua BĐS Việt Nam quá phức tạp.

“Với quy định hạn mức tối đa chỉ 30% người nước ngoài được mua nhà tại 1 dự án, chính vì vậy họ phải nhờ người Việt Nam mua hộ đứng tên, trong khi đó ở Australia chẳng hạn, thủ tục đơn giản hơn rất nhiều”, ông Hưởng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, so sánh thu nhập bình quân đầu người của người dân Việt Nam tính năm 2019 khoảng 2.800 USD, chỉ bằng 40% mức trung bình toàn cầu, 20% mức trung bình của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 5% mức trung bình của các nền kinh tế có thu nhập cao. Từ số liệu trên cho thấy, giá nhà ở Việt Nam đang cao so với thu nhập của đại đa số người dân và cao so với các nước trong khu vực.

Nhận định về tiềm năng đầu tư BĐS trong thời gian tới, ông Nguyễn Quốc Anh dự báo, BĐS là bài toán đang rất nóng ở Việt Nam và các nước trong khu vực. Xu hướng tăng giá còn tiếp tục. Giá BĐS khu vực trung tâm Hà Nội đã tăng 33 lần trong 18 năm qua, trong khi giá BĐS khu vực trung tâm TP. Hồ Chí Minh cũng tăng 16 lần, cho nên tiềm năng đầu tư BĐS còn rất lớn.

Còn ông Hưởng nhìn nhận, nhìn vào kinh tế Việt Nam qua những con số, hậu Covid-19, lần đầu tiên hộ chiếu Việt Nam có giá, người Việt Nam hay người nước ngoài ai cũng mong về Việt Nam. Điều này cho thấy, thị trường BĐS Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng.