Gia tăng động lực cho cổ phần hóa
Cho dù nguyên tắc phải tuân thủ là không cổ phần hóa (CPH), thoái vốn bằng mọi giá, nhưng sự chậm chạp của các kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp đang cản trở nguồn lực tư nhân chảy vào nền kinh tế. Không những thế, mục tiêu cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư nhà nước cũng bị ảnh hưởng. Một Hội nghị Ðổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước dự kiến được tổ chức tại Hà Nội trong tháng 9 tới, được trông đợi sẽ gia tăng động lực cho CPH.
"Ðộ sâu" của cổ phần hóa tăng
Tiến độ chậm là điều không thể né tránh khi nhìn vào kết quả thực hiện các kế hoạch cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp đã được phê duyệt.
Trong sáu tháng đầu năm 2018, có tám DNNN được phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị là 29.378 tỷ đồng. So với kế hoạch năm 2018 phải hoàn thành CPH ít nhất 85 DNNN, tỷ lệ thực hiện chưa đạt 10%.
Tương tự, mới chỉ có năm đơn vị thực hiện thoái được 2.506 tỷ đồng vốn, thu về 6.458 tỷ đồng. Tính lũy kế cả số thực hiện năm ngoái mới chỉ có 16 đơn vị thực hiện thoái vốn. Trong khi đó, theo Quyết định số 1232 của Thủ tướng Chính phủ thì năm 2017 có 135 DNNN, năm 2018 có 181 DNNN phải thực hiện thoái vốn.
Tuy nhiên, có điểm đáng chú ý, số vốn thu được lại tăng mạnh.
Tổng thu từ CPH, thoái vốn trong sáu tháng đầu năm đạt 28.055,29 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2016 đến nay, tổng số thu từ CPH, thoái vốn đạt khoảng 198.000 tỷ đồng, gấp 2,5 lần tổng số thu từ CPH, thoái vốn giai đoạn 2011 - 2015 (khoảng 78.000 tỷ đồng).
Khi bàn về thực trạng này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Ðình Huệ đã nhận định: "Mặc dù sáu tháng đầu năm số lượng DNNN cổ phần hóa, bán vốn ít, chậm so với kế hoạch, nhưng đều là những doanh nghiệp có quy mô lớn, số vốn Nhà nước thu về nhiều. Ðây là độ sâu của CPH hiện nay, khi mà trước đây CPH, bán vốn ở nhiều doanh nghiệp, nhưng số vốn Nhà nước bán ra lại nhỏ".
Ðiều này chắc chắn sẽ làm thay đổi tỷ lệ thoái vốn nhà nước mới đạt khoảng 8% tổng số vốn nhà nước tại doanh nghiệp (đến 31-12-2017) sau suốt hơn 20 năm thực hiện CPH, thoái vốn DNNN. Khi đó, mục tiêu "lui chân" của Nhà nước ra khỏi những doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực nhà nước không cần tham gia được thực hiện một cách thực chất hơn.
Hơn thế, trong cuộc họp sơ kết sáu tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo Ðổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ cũng yêu cầu, phải đề cao chất lượng CPH là Nhà nước có lợi nhiều nhất, nâng cao chất lượng quản trị, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của DNNN sau cổ phần hóa.
Không thể để nhà đầu tư chờ đợi
Hai đầu tàu kinh tế của cả nước là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đang chậm chân nhất trong thực hiện các kế hoạch CPH DNNN, thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp.
Tính đến tháng 6/2018, cả hai địa phương này đều chưa thực hiện được phần nào trong số công việc được giao. Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh còn tới 39 doanh nghiệp chưa hoàn tất cổ phần hóa theo kế hoạch. Hà Nội cũng còn tới 11 doanh nghiệp.
Cả hai thành phố lớn đều viện dẫn các lý do liên quan đến xử lý diện tích đất đai lớn, quy định xác định giá trị quyền sử dụng đất đối với đất thuê trả tiền hằng năm, định giá thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, giá trị văn hóa, lịch sử… mà Nghị định 32/2018/NÐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NÐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp) chưa được hướng dẫn chi tiết, khó thực hiện... Nhưng, nếu đặt trong bối cảnh các địa phương khác làm được, thì sự chậm trễ nói trên có nguyên nhân từ việc chỉ đạo thực hiện của các cấp chính quyền địa phương.
Rõ ràng vai trò của các cấp chính quyền địa phương là vô cùng quan trọng, vậy nên, trong sáu tháng cuối năm, Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ đã yêu cầu UBND thành phố Hà Nội, UBND thành phố Hồ Chí Minh phải quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ CPH, thoái vốn các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý. Nếu trường hợp nào có khó khăn, vướng mắc thì phải kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Một trong những ưu tiên là đẩy nhanh tiến độ phê duyệt phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp thực hiện CPH có đất đai nằm trên địa bàn theo đúng quy định.
Một điểm cần phải đi sâu tìm giải pháp nữa chính là tỷ lệ các DNNN đã CPH, nhưng chưa đăng ký niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) rất thấp, mới chỉ có hơn 200 trong số khoảng 700. Nguyên nhân cũng được xác định là sự thiếu tập trung đôn đốc trong thực hiện của các đại diện chủ sở hữu nhà nước, của lãnh đạo doanh nghiệp.
Không chấp nhận tình trạng chậm trễ do trách nhiệm chung chung, Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ yêu cầu, phải có danh sách trích lục các doanh nghiệp chưa hoàn thành CPH, thoái vốn theo kế hoạch. Các bộ, ngành, địa phương sẽ nhận được danh sách này để xác định các địa chỉ chưa làm được, từ đó, có sự giám sát chặt chẽ. Ban Chỉ đạo Ðổi mới và Phát triển doanh nghiệp sẽ làm việc với các địa phương chậm trễ trong thực hiện để tháo gỡ khó khăn.
Một danh sách khác, đó là DNNN đã cổ phần hóa mà không niêm yết trên TTCK đúng thời hạn cũng sẽ phải được Bộ Tài chính công khai. Cần nói thêm rằng, việc CPH, thoái vốn của DNNN có đặt mục tiêu cơ cấu lại dòng vốn đầu tư nhà nước, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp qua đó tạo môi trường thuận lợi để những nhà đầu tư chiến lược tham gia vào quá trình điều hành, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước...
Sự chậm trễ, thiếu quyết liệt trong thực hiện kế hoạch CPH, thoái vốn sẽ tác động không nhỏ tới tâm lý, đặc biệt là niềm tin của các nhà đầu tư. Ðã đến lúc không thể để các nhà đầu tư chờ đợi hơn nữa! Ðó cũng chính là thông điệp được đưa ra từ những chuyển động trong bộ máy để tạo nên xung lực mới cho CPH.
Chỉ như vậy, "độ sâu" của CPH mới tạo nên chuyển động thật sự trong dòng vốn của Nhà nước.