Giá xăng A95 chênh lệch khoảng 2.000 đồng so với xăng E5
Giá xăng A95 điều chỉnh tăng một phần do giá thế giới tăng, một phần nhằm tạo chênh lệch lớn với xăng E5 để thu hút người tiêu dùng.Việc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tự định giá và công bố giá bán xăng A95 trên từng vùng khiến giới chuyên gia lo ngại người tiêu dùng chịu thiệt thòi.
Sau khi xăng A92 bị khai tử từ 1/1/2018 nên trong bảng giá các mặt hàng xăng dầu được công bố không còn mặt hàng này.
Theo Bộ Công thương, cơ quan quản lý chỉ điều hành các mặt hàng xăng dầu phổ biến, riêng xăng A95 là loại xăng “cao cấp” do các doanh nghiệp tự quyết định giá bán.
Các doanh nghiệp đầu mối cho biết từ ngày 4/1 giá xăng A95 tăng thêm 780 đồng/lít lên 20.690 đồng/lít, cao hơn xăng E5 khoảng 2.000 đồng/lít.
Đại diện tập đoàn xăng dầu Petrolimex cho biết giá xăng dầu do Liên Bộ Tài chính - Công thương điều chỉnh hai tuần một lần theo giá dầu thế giới và từ mức trích, chi quỹ bình ổn. Tất cả đều phải được thực hiện theo Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu và Luật giá. Đợt điều chỉnh giá các mặt hàng trên đều do giá thế giới tăng, riêng xăng E5 được quyết định giá cũ, không tăng.
Cùng nhận định trên, một đầu mối xăng dầu TP. Hồ Chí Minh giải thích xăng A95 là mặt hàng cao cấp, trước nay giá xăng A95 do doanh nghiệp tự quyết định theo giá xăng dầu thị trường thế giới. Loại này cũng không nằm trong giá cơ sở mà liên Bộ công bố như xăng A92.
Vừa qua, giá xăng A95 điều chỉnh tăng một phần do giá thế giới tăng, một phần nhằm tạo chênh lệch lớn với xăng E5 để thu hút người tiêu dùng. Giá xăng E5 không tăng giá là do trích quỹ bình ổn 857 đồng/lít chứ nếu không trích quỹ bình ổn thì giá xăng E5 cũng đã tăng vì 95% của E5 là xăng A92.
“Việc tạo ra giá xăng E5 phải chênh lệch khoảng 2.000 đồng so với A95 để thu hút người dùng cũng là điều mà trước đây chính phủ khuyến khích nhằm tăng tiêu thụ xăng E5” vị này nói.
Trước đây khi Bộ công thương làm việc với các doanh nghiệp đầu mối ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để triển khai bán xăng E5 theo lộ trình 1-1-2018. Ngoài việc sẵn sàng bán và đảm bảo nguồn cung cho thị trường thì các doanh nghiệp cũng kiến nghị làm sao giá xăng E5 phải thấp hơn xăng A95 từ 1.500-2.000 đồng/lít để thu hút người dân dùng xăng E5.
Vấn đề này cũng được Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh lên tiếng tại hội thảo Sử dụng nhiên liệu sinh học - Giải pháp phát triển bền vững do Bộ công thương tổ chức cuối năm 2017. Theo đó, Sở kiến nghị nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ, chính sách giảm thuế, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt để giảm giá thành nguồn ethanol, giảm giá bán xăng E5 thấp hơn giá xăng A95 từ 1.500-2.000 đồng/lít để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng.
Mặc dù xăng E5 vừa được bán đại trà chưa đầy một tuần, các đơn vị kinh doanh chưa có thống kê cụ thể xăng nào được tiêu thụ nhiều hơn. Tuy nhiên, thông tin ban đầu cho thấy hiện tỷ lệ đổ xăng E5 và A95 là 30/70, có đơn vị 50/50.Khảo sát tại một số điểm bán xăng trên thị trường Hà Nội cho thấy, trong mấy ngày qua, giá xăng E5 ổn định ở mức 18.240 đồng/lít, trong khi đó giá xăng A95 tăng khá mạnh.
Giải thích việc không đưa mặt hàng xăng A95 vào danh sách các mặt hàng xăng dầu phải công bố giá cơ sở, đại diện của Bộ Công Thương cho rằng, đây là mặt hàng không phổ biến, trước nay chỉ điều hành giá bán lẻ các mặt hàng phổ thông như xăng RON 92, các loại dầu và sau này là xăng sinh học E5 nhằm khuyến khích người dân sử dụng. Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tự định giá và công bố giá bán trên từng vùng, liên Bộ Công Thương - Tài chính giữ vai trò giám sát giá bán.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc không công bố như vậy là không đúng. Về mặt nguyên tắc xăng là mặt hàng vật tư chiến lược, là mặt hàng trong diện phải bình ổn mà Nhà nước quản lý.
Theo ông Long, trước xăng dầu có rất nhiều sản phẩm, nên khi có cả có RON A92 và A95 nên người ta chỉ công bố giá cơ sở A92. Nhưng giờ khi A92 được thay thế hoàn toàn bằng E5 thì Bộ Công Thương không thực hiện thông báo giá cơ sở A95 là không đúng.
“Để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng cần phải công bố giá cơ sở để các doanh nghiệp tự điều chỉnh. Nhà nước cũng vẫn phải tiếp tục thực hiện vai trò giám sát mặt hàng này. Nếu không công bố là không đúng”, ông Long nêu quan điểm.
Ông Long cũng cho rằng, việc công bố là cần thiết bởi mặt hàng xăng dầu chưa cạnh tranh thực sự, vẫn còn tình trạng có doanh nghiệp độc quyền. Do vậy, Nhà nước phải quản lý trên cơ sở tính giá cơ sở.
Vị chuyên gia này cũng không đồng tình với lý giải của Bộ Công Thương đây là mặt hàng không phổ. Bởi ngay sau khi E5 thay cho A92 thì nhiều người chuyển sang A95.
Ông Nguyễn Tiến Thoả, nguyên cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cũng cho biết lý do không điều hành giá xăng RON 95 là do xăng này không phổ biến, cao cấp là không thuyết phục.
Trước đây, Liên Bộ chỉ công bố giá cơ sở A92 vì coi đây là loại xăng thông dụng, dùng nhiều. Liên Bộ không công bố giá cơ sở xăng RON 95 nhưng vẫn có cách kiểm soát. Khi đó thống nhất lấy giá xăng RON A92 làm căn cứ tham chiếu và dựa về trị số ốc tan để xác định hệ số, từ đó định ra giá RON 95.
Tuy nhiên giờ không còn xăng A92 để tham chiếu nữa, do vậy theo ông Thoả, Liên Bộ cần phải công bố công khai giá cơ sở các loại xăng để có công cụ kiểm soát giá. Đó vừa là yêu cầu của pháp luật, vừa là yêu cầu của thực tiễn quản lý.
Một số ý kiến cho rằng, liệu xăng A95 có bị tự ý đẩy giá khi để doanh nghiệp tự định giá? Nỗi lo người tiêu dùng dễ bị doanh nghiệp “móc túi tiền” là hoàn toàn cơ sở và cần câu trả lời xác đáng từ phía cơ quan quản lý.