Giá xăng sinh học khó cạnh tranh
(Tài chính) Từ ngày 1/12/2015, tất cả các phương tiện cơ giới trên cả nước khi lưu thông đều phải sử dụng xăng sinh học - loại xăng được phối trộn theo tỷ lệ 5% cồn ethanol với 95% xăng RON 92 không chì. Thời gian không còn dài, nhưng với rất nhiều bất cập đang tồn tại, làm thế nào thực hiện đúng lộ trình sử dụng xăng sinh học đã nêu trong Quyết định 53 của Thủ tướng Chính phủ? - Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng TS. Đoàn Văn Bình trao đổi.
TS. Đoàn Văn Bình: Ở nước ta, tính đến hết năm 2012, cả nước đã có 6 nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học (NLSH) đi vào hoạt động, với công suất thiết kế đạt trên 5 triệu lít ethanol/năm. Tuy vậy, xăng sinh học vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống của người dân. Ngoài những nguyên nhân báo chí đã thông tin, vẫn còn 1 nguyên nhân quan trọng nữa, là giá xăng sinh học của Việt Nam còn khá cao nên khó cạnh tranh trên thị trường.
Thứ hai, công nghệ và thiết bị của các nhà máy hầu như phải nhập khẩu hoàn toàn nên giá thành rất cao.
Thứ ba, trong quá trình quản lý đầu tư xây dựng nhà máy chúng ta cũng phải xử lý nhiều thủ tục hành chính dẫn đến chi phí đầu tư cũng tăng.
Thứ tư, các nhà máy sản xuất NLSH hiện nay không chạy hết công suất dẫn đến chi phí khấu hao trên một đơn vị sản phẩm NLSH tăng. Nhưng khi nhà máy hoạt động hết công suất thì nhu cầu sắn lại tăng cao, lúc đó sẽ đẩy giá nguyên liệu đầu vào tăng hơn nữa...
Một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến giá xăng sinh học ở nước ta cao chính là bởi giá ethanol còn cao. Vậy theo Ông, vẫn còn có công nghệ sản xuất ethanol khác nữa?
Sản xuất xăng sinh học bằng công nghệ thế hệ hai, tức là sản xuất NLSN từ nguồn nguyên liệu sinh khối qua nghiền sấy lên men... Các nguyên liệu này còn gọi là các sinh khối xenluloza, có nguồn gốc từ chất thải nông nghiệp, chất thải rừng, chất thải rắn đô thị và các sản phẩm phụ từ quá trình chế biến thực phẩm hoặc các loại cỏ sinh trưởng nhanh.
Ngoài ra, thế giới cũng đã đẩy nhanh việc nghiên cứu, chế tạo xăng sinh học bằng công nghệ thế hệ 3 - từ các loài vi tảo trong nước hay trên đất ẩm. Nó sinh ra nhiều năng lượng hơn từ 7-30 lần NLSH thế hệ trước trên cùng 1 diện tích trồng. Sản lượng dầu thu được trên diện tích khoảng 0,4ha tảo có thể từ 20 - 80 nghìn lít/năm. Ngoài ra, loại tảo bị thoái hóa sinh học cũng không làm hư hại môi trường xung quanh. Theo ước tính của Bộ Năng lượng Mỹ, nếu sử dụng 38 nghìn km2 để trồng tảo sản xuất NLSH thì nước Mỹ có thể thay thế tất cả nhu cầu dầu hỏa hiện nay.
Nếu như chúng ta áp dụng công nghệ này, liệu có lại lo ngại về nguồn nguyên liệu hay không, thưa Ông?
Chúng ta có tiềm năng rất lớn về nguồn xenluloza có nguồn gốc từ chất thải hữu cơ. Tổng lượng phế thải nông nghiệp theo ước tính của cả nước khoảng từ 80-100 triệu tấn. Chỉ cần chuyển hóa được 10% lượng phế thải này thành xăng sinh học, với hiệu suất khoảng 20% thì có thể thu được khoảng 2 triệu tấn ethanol/năm. Ngoài phế thải nông nghiệp, chúng ta còn chất thải rừng, chất thải rắn đô thị và các sản phẩm phụ từ quá trình chế biến thực phẩm nữa. Khi chúng ta sử dụng nguyên liệu phế thải này thì không phải cạnh tranh như sử dụng công nghệ thế hệ 1 mà còn góp phần đáng kể về xử lý ô nhiễm môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.
Theo Ông, chúng ta nên làm sao để người tiêu dùng tự nguyện lựa chọn xăng sinh học mà không phải thông qua những mệnh lệnh hành chính?
Xăng sinh học cũng là một loại hàng hóa. Thực ra, người dân không cần quan tâm đến xăng được pha trộn với tỷ lệ như thế nào mà quan tâm đến chất lượng có đạt yêu cầu và giá cả có hợp lý hay không. Trong các yếu tố trên, chất lượng xăng, bao hàm cả hàm ý là phải đạt các tiêu chuẩn về môi trường đã được giải quyết. Vấn đề còn lại là giá cả. Còn các nhà phân phối quan tâm đến mức độ ổn định của nguồn cung cấp. Cho nên, để có xăng sinh học theo cơ chế giá thị trường thì phải đi đến 1 điểm cân bằng giá.
Xin cám ơn Ông!