Giải bài toán kết nối hạ tầng trong quy hoạch đô thị
Trong cơn bão phát triển thị trường bất động sản tại Hà Nội, vấn đề kết nối hạ tầng vẫn luôn là bài toán khó còn tồn tại nhiều vướng mắc chưa thể giải quyết. Hàng trăm dự án khu đô thị được xây dựng và đi vào hoạt động trong vài năm gần đây đã cho thấy một vấn đề nan giải ở sự thiếu đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật của khu đô thị với hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực.
Sự kết nối đồng bộ về giao thông, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải của các khu đô thị (KĐT) với hạ tầng chung của khu vực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết nhu cầu tất yếu của các cư dân trong khu vực về lưu thông và nhiều vấn đề an sinh khác. Tuy nhiên, vấn đề kết nối hạ tầng đô thị hiện nay đang thiếu và yếu. Nguyên nhân là do quá chú trọng phát triển các dự án bất động sản (BĐS) mà không đầu tư thích đáng cho kết nối hạ tầng.
Thiếu kết nối
KĐT Linh Đàm (quận Hoàng Mai) là một dự án có mật độ cư dân thuộc hàng nhất nhì Hà Nội, nhưng hạ tầng giao thông lại không được đầu tư đúng mức, dẫn tới cửa ngõ ra vào KĐT này thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng.
Tại KĐT Đoàn Ngoại giao, có thời điểm hàng nghìn người dân nơi đây chỉ có duy nhất lối đi lại qua đường Phạm Văn Đồng. Trong khi đó, ở dự án bên cạnh, chủ đầu tư Tây Hồ Tây sau khi đã hoàn thiện con đường nối khu này với tuyến đường Võ Chí Công lại chặn và không cho cư dân Đoàn Ngoại giao sử dụng. Chỉ sau khi có sự can thiệp của chính quyền, tuyến đường này mới được mở để kết nối với hạ tầng giao thông của khu vực.
Trên đây chỉ là hai ví dụ trong hàng chục câu chuyện thực tế đang diễn ra, khi hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội đều quá tải, dẫn đến tắc đường, thiếu trường học, thiếu các thiết chế xã hội khác.
Để giải quyết bài toàn kết nối hạ tầng, những năm gần đây, Hà Nội chủ trương giao trách nhiệm xây dựng hạ tầng cho các chủ đầu tư. Sau khi hoàn thiện hạ tầng được giao, chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao lại cho chính quyền vận hành và quản lý để sử dụng chung cho cả khu vực chứ không phải chỉ để phục vụ riêng cho cư dân sinh sống tại KĐT đó.
Mặc dù chủ trương là vậy, nhưng thực tế vẫn còn tồn tại những bất cập về hạ tầng như các trường hợp nêu trên vì nhiều lý do. Trong đó, lý do đầu tiên phần lớn đến từ các chủ đầu tư không thực hiện đúng trách nhiệm và cam kết của mình trong việc xây dựng hạ tầng, mà chỉ quan tâm đến xây và bán nhà.
Đặc biệt, theo các chuyên gia, đã đến lúc phải nghiêm túc nhìn nhận việc quy hoạch ngay từ ban đầu đã thiếu cái nhìn bao quát, khiến cho bức tranh tổng thể về hạ tầng trở nên chắp vá, manh mún.
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đánh giá từ khi thị trường BĐS phát triển, có lẽ chưa bao giờ các nhà đầu tư có tiếng nói chung về kết nối giữa đô thị này với đô thị khác, mà chỉ quan tâm vấn đề lợi nhuận. Đương nhiên, doanh nghiệp đã đầu tư thì đề cao lợi nhuận và không thể đòi hỏi hay trách doanh nghiệp được.
Cần sự chung sức
Nhiệm vụ kết nối là do cơ quan quản lý, từ chính quyền địa phương đến Nhà nước phải là trọng tài. “Với quyền quyết định của cơ quan quản lý trong câu chuyện quy hoạch, chỉ một nét vạch là giao thông, giáo dục, bệnh viện được kết nối. Lúc này, lập tức các KĐT sẽ thành một cộng đồng lớn, không thể trở thành ốc đảo cô độc, sự phát triển đô thị sẽ tốt hơn”, ông Tùng nói.
Ví dụ như theo quy hoạch, 5 đô thị vệ tinh ngoài nội thành đang phải gánh trách nhiệm hút dân số, chia sẻ gánh nặng dân số với trung tâm. Tuy nhiên, khi quy hoạch đô thị không làm được hệ thống kết nối hạ tầng, không thu hút được con người về sinh sống, mà di dân kiểu “cưỡng bức”, thì đô thị đó không tồn tại, không ai hưởng ứng về sinh sống.
Ở đây có bất cập rất lớn là các KĐT không tạo ra việc làm, mà chỉ là nơi cư trú ngủ nghỉ, người dân phải vào khu trung tâm làm việc nên tạo ra sự va đập giao thông trong lối sống. Do vậy, điều mà nhiều người đang hướng đến là kiến trúc xanh, dự án tốt, nhưng đòi hỏi các nhà quy hoạch phải có tầm nhìn. Các KĐT không thể trở thành ốc đảo mà phải tạo sự kết nối, hỗ trợ nhau.
Liên quan đến vấn đề này, theo Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Thục, Viện Nghiên cứu Định cư và Năng lượng bền vững, thực tế hiện nay, tại các KĐT cứ mở đường đến đâu thì hai bên đường xuất hiện KĐT. Các dự án này được cấp phép riêng lẻ, không đấu nối được với các hạ tầng xung quanh đô thị.
“Hiện nay, chúng ta đang để thành phố như bị “bệnh”. Tuy nhiên, đừng để cấy thêm vào cơ thể “bệnh” đó thêm các công trình cao tầng nữa, vì điều này đang dẫn đến quá tải, quá sức chịu đựng của hạ tầng xã hội và dân cư”, bà Thục nói.
Như vậy, bài toán về đồng bộ hạ tầng trong công tác quy hoạch đô thị cần phải có sự chung sức của cả chủ đầu tư và chính quyền. Riêng đối với các chủ đầu tư, việc chủ động và trách nhiệm trong hoạt động kết nối hạ tầng chính là tạo một đòn bẩy, một lợi thế cạnh tranh trên thị trường và thu hút các khách hàng mua sản phẩm của mình, đồng thời góp phần vào sự phát triển bền vững của đô thị.