Hạ tầng khai thông, người mua nhà vùng ven hưởng lợi
Trong bối cảnh quỹ đất ở khu trung tâm TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) ngày càng cạn kiệt và giá nhà ngày càng tăng cao, cơ hội mua nhà của người thu nhập trung bình ngày càng ít đi. Nhiều người không còn cách nào khác phải tìm về các khu vực vùng ven. Chìa khóa cho xu hướng này chính là khai mở các nút giao thông thuộc khu vực cửa ngõ của thành phố
Khai thông cữa ngõ
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, trong tháng 9 này sẽ trình Sở Giao thông Vận tải (GTVT) phê duyệt thiết kế hai dự án. Đó là hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) và dự án xây cầu vượt trước bến xe Miền Đông mới, nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng thường xuyên xảy ra tại khu vực này.
Dự án nút giao Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ có tổng vốn đầu tư khoảng 830 tỉ đồng, vừa được UBND Thành phố duyệt phương án cấp vốn. Dự án sẽ xây đảo tròn trung tâm (đường kính 60 m) và hai hầm chui, cùng các nhánh trên đường Nguyễn Văn Linh.
Hai hầm chui trên đường Nguyễn Văn Linh sẽ đi ngầm qua khu vực nút giao thông Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ dài khoảng 480 m (bao gồm đường dẫn hai đầu hầm và hầm kín). Trong đó, hầm kín chui dưới giao lộ đường Nguyễn Văn Linh với đường Nguyễn Hữu Thọ dài khoảng 80 m; hầm hở phía khu chế xuất Tân Thuận dài khoảng 200 m, phía quốc lộ 1A dài khoảng 200 m.
Đối với dự án cầu vượt trước bến xe Miền Đông mới, hiện đã được UBND TP.HCM cấp vốn.
Theo đó, dự án bao gồm xây cầu vượt số 3 gồm ba làn xe để tổ chức cho các dòng xe từ hướng Đồng Nai vào bến xe Miền Đông; xây cầu vượt số 4 gồm ba làn xe để tổ chức cho các dòng xe từ bến xe Miền Đông mới rẽ trái quay đầu về hướng trung tâm TP.HCM và về Bình Dương.
Ngoài ra, xây dựng hai đường chui, một đường trên phần đường song hành phải quốc lộ 1 rộng 8m, dài 670m cho xe hai bánh đi thẳng về hướng Đồng Nai và 1 đường trên phần đường song hành trái quốc lộ 1 rộng 8m, dài 350m cho xe 2 bánh đi thẳng về hướng TP.HCM.
Đồng thời, một cây cầu bộ hành rộng 4m vượt qua xa lộ Hà Nội tại gần vị trí ga metro bến xe miền Đông cũng sẽ được hình thành nhằm đảm bảo an toàn, tạo điều kiện tốt nhất kết nối hành khách từ ga metro đi vào khu vực bến xe. Dự án có tổng mức đầu tư 437,1 tỉ đồng, dự kiến khởi công vào tháng 11/2019.
Ngoài hai dự án trên, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.HCM còn cho biết, sắp tới sẽ xây dựng phương án xây dựng các đầu mối giao thông cữa ngõ khác của thành phố như là mở rộng Quốc lộ 1, 13, 22, 50 và nút giao thông An Phú.
Mới đây, Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cũng đã đồng ý cho nghiên cứu thực hiện hai dự án giao thông gồm công trình mở rộng đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ nút giao Mỹ Thủy đến phà Cát Lái dài gần 2 km); đường mới nối cảng Cát Lái - Phú Hữu và mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ Vành đai 2 đến đường ra vào cảng Phú Hữu).
Không chỉ nâng cấp, xây dựng mới các tuyến giao thông nội thành TP.HCM, nhiều dự án hạ tầng liên khu vực nối TP.HCM với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai cũng được lên kế hoạch triển khai.
Chẳng hạn đề xuất kéo dài tuyến metro số 1 xuống đến TP. Biên Hòa (Đồng Nai) hay thị xã Dĩ An (Bình Dương). Đặc biệt là dự án xây dựng cầu Cát Lái nối quận 2, TP.HCM với Nhơn Trạch, Đồng Nai với tổng vốn đầu tư hơn 7.200 tỉ đồng. Dự án này hiện đã được Chính phủ đồng ý giao tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư xây dựng.
Cơ hội cho người mua nhà
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), dẫn số liệu thống kê cho biết, dân số TP.HCM hiện có khoảng 13 triệu người, trong đó có gần 3 triệu người nhập cư và hơn 400.000 sinh viên. Mỗi năm, TPHCM có thêm khoảng 50.000 cặp kết hôn mới. Do đó, nhu cầu nhà ở trong khoảng 10 năm tới của thành phố có thể lên đến một triệu căn.
Tuy nhiên, giá nhà hiện nay đang quá cao so với tầm với của phần lớn người dân thành phố. Trung bình gấp từ 20 – 25 lần so với thu nhập bình quân, trong khi đó nhiều nước trên thế giới chỉ từ 5 – 7 lần. Do đó, xu hướng dẫn ra các khu vực vùng ven để tìm những căn hộ giá rẻ là tất yếu.
Sau một thời gian tìm kiếm, anh Huy hiện đang trọ ở quận Thủ Đức đã mua được một căn hộ tại một dự án đang xây dựng trên đường Nguyễn Xiển, quận 9. Khu vực này, cách đây khoảng 5 năm được coi như “vùng sâu, vùng xa” của thành phố vì nằm giáp với Đồng Nai, giao thông cũng khó khăn.
Tuy nhiên, hiện nay sự xuất hiện của nhiều dự án nhà ở đã khiến cho khu vực này dần thay đổi. Giá đất, nhà phố, căn hộ cũng tăng cao nhiều hơn so với trước. Anh Huy cho biết căn hộ anh mua hiện có giá khoảng 25 triệu/m2, tương đương giá bán của nhiều dự án ở trung tâm cách đây vài năm.
Anh Huy cho biết để chọn được căn hộ phù hợp với túi tiền, những người thu nhập trung bình như anh buộc phải về các khu vực vùng ven, chấp nhận đi xa hơn để mua nhà. Điều anh trông chờ lúc này là các dự án hạ tầng giao thông đã và đang được xây dựng.
“Hiện ở khu vực này vẫn còn khó khăn di chuyển. Hy vọng vài năm nữa khi có metro và các tuyến đường vành đai cộng với việc xa lộ Hà Nội mở rộng hoàn thiện, việc đi vào khu trung tâm sẽ dễ dàng hơn”, anh Huy kỳ vọng.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, cho biết để cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư ra các khu vực ngoại ô hoặc các khu đô thị vệ tinh thì Nhà nước cần đầu tư về hạ tầng giao thông. Vì người mua nhà hiện nay không quan tâm chuyện xa hay gần nữa mà là thời gian di chuyển mất bao lâu. Nếu hạ tầng giao thông thuận lợi thì các nhà đầu tư sẽ mạnh dạn hơn trong việc tiến ra vùng ven.