Giải bài toán nhà ở xã hội

Theo daibieunhandan.vn

Để giải bài toán nhà ở cho người thu nhập thấp, đặc biệt là nhóm lao động nhập cư, nhiều ý kiến cho rằng, cùng vhính sách ưu đãi, TP. Hồ Chí Minh cần sớm gỡ bỏ các “nút thắt” về vốn, quỹ đất để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

An cư lập nghiệp... chuyện xa vời

Là đô thị lớn nhất cả nước, cả về diện tích, dân số và quy mô kinh tế, TP. Hồ Chí Minh hiện có khoảng 280.000 doanh nghiệp và 460.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động, sử dụng hơn 4,7 triệu lao động. Để hỗ trợ người lao động an cư, thành phố đã triển khai chính sách nhà ở xã hội, song đến nay vẫn còn rất nhiều người thu nhập thấp không có khả năng tiếp cận nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố.

Chị Trần Thị Minh (29 tuổi), công nhân Công ty TNHH Freetrend Việt Nam (Khu chế xuất Linh Trung I, TP. Thủ Đức) hiện đang thuê phòng trọ chưa đến 10m2 trong con hẻm nhỏ trên đường số 9, phường Linh Xuân chia sẻ, sau gần chục năm rời miền Tây lên thành phố lập nghiệp, tổng thu nhập mỗi tháng của vợ chồng chị khoảng 13 triệu đồng chỉ đủ cho gia đình duy trì sinh hoạt từ tiền ăn, tiền nhà, tiền học cho con, tiền xe… Gia đình chị không thể tích lũy dành khi ốm đau, có công việc phát sinh.

Trong khi đó, với thu nhập hơn 8 triệu đồng/tháng, để tiết kiệm, chị Ngọc Tú (công nhân Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam) thuê phòng ở chung với đồng nghiệp trên đường Bờ Sông, phường Tân Tạo A (quận Bình Tân) rộng hơn 5m2 . Khu trọ có khoảng 80 phòng, gần 200 người sinh sống.

Không chỉ chị Minh, chị Tú, mà có hơn 1 triệu lao động ngoại tỉnh đến TP. Hồ Chí Minh làm việc trong các nhà máy đang sống trong các phòng trọ có diện tích khoảng 3m2 /người. Theo kết quả khảo sát trực tuyến về nhu cầu nhà ở với gần 41.000 cử tri nữ công nhân, viên chức, lao động do Ban Đô thị HĐND TP. Hồ Chí Minh phối hợp Liên đoàn Lao động thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố thực hiện mới đây, có 41% hiện đang ở nhà thuê, 36% ở chung với gia đình, chỉ có 17% có nhà ở tại thành phố; 64% người tham gia khảo sát có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Song, tại Hội nghị tiếp xúc của HĐND TP. Hồ Chí Minh với hơn 400 lao động nữ về chủ đề Chính sách an sinh xã hội - nhà ở cho công nhân, viên chức, người lao động vào cuối tháng 4, một số công nhân cũng chia sẻ, họ rất khó mua được nhà để ở tại TP. Hồ Chí Minh. Bởi, giá mỗi m2 căn hộ nhà ở xã hội hiện ở mức trên 20 triệu đồng/m2 đến dưới 25 triệu đồng/m2 , tương đương 1 - 1,6 tỷ đồng mỗi căn hộ, trong đó mỗi người được vay tối đa 900 triệu đồng, không quá 70% giá trị căn hộ, thời gian trả 15 năm. Với thu nhập trung bình 7 - 10 triệu đồng/tháng, việc tích lũy để mua nhà là điều rất khó.

Sớm tháo gỡ “nút thắt”

Tuy các khảo sát chỉ được thực hiện ở một phần trong tổng số công nhân, người lao động tại TP. Hồ Chí Minh, nhưng đã phần nào phản ánh được bức tranh về thực trạng và nhu cầu nhà ở của người lao động. Tuy nhiên, việc phát triển phân khúc nhà ở này hiện vẫn đang gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc.

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Khiết, về mặt pháp lý, tồn tại nghịch lýlà nhà ở xã hội nhưng thực hiện chính sách pháp lý tương tự như nhà ở thương mại. Do đó, các dự án này kéo dài và có thủ tục pháp lý phức tạp hơn dẫn đến không thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt nguồn vốn vay hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện những dự án nhà ở xã hội này chưa triển khai được.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng,vướng mắc đầu tiên khi phát triển loại hình nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là nguồn vốn; một trở ngại khác là tình trạng thiếu quỹ đất. Để giải bài toán nhà ở cho người thu nhập thấp, đặc biệt là nhóm lao động nhập cư, giải pháp cấp thiết là sớm gỡ bỏ các “nút thắt” để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần có các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư xây nhà cho thuê, với các tiêu chí không thể chuyển đổi mục đích sử dụng. Đơn cử, tại các khu công nghiệp, tiêu chí phải có ký túc xá, nhà ở cho thuê bảo đảm tiêu chuẩn cũng phải được xác lập là một phần hạ tầng bắt buộc theo quy mô sử dụng lao động…

Ngoài ra, để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội nhằm giaỉ quyêt́ đươc̣ những bât́ câp̣ , haṇ chế thời gian qua. Nghị định đã quy định cụ thể, chi tiết hơn về quy mô dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội. Đồng thời hướng dẫn chi tiếtviệc lựa chọn chủ đầu tư các dự án, bảo đảm dễ dàng, rút ngắn thủ tục hành chính nhưng cũng bảo đảm sự chính xác, công bằng.