Giải mã cơn sốt “bán tháo” cổ phiếu quỹ

Theo Diễm Ngọc/enternews.vn

Việc các doanh nghiệp ồ ạt bán cổ phiếu quỹ ít nhiều sẽ tác động đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường, đồng thời khiến các công ty chứng khoán sẽ thận trọng hơn trong việc cho vay margin.

Nhà đầu tư tăng cường quan sát thị trường khi một lượng lớn cổ phiếu quỹ được bán ra
Nhà đầu tư tăng cường quan sát thị trường khi một lượng lớn cổ phiếu quỹ được bán ra

Doanh nghiệp “xả” mạnh cổ phiếu quỹ

Làn sóng bán cổ phiếu quỹ hiện đang tăng mạnh trên thị trường chứng khoán. Rất nhiều cái tên có thể đến đã đăng ký bán cổ phiếu như Chứng khoán VnDirect, Tài chính Hoàng Huy, Cao su Đồng Phú...Gần nhất, Sacombank đăng ký dự kiến bán hơn 81 triệu cổ phiếu quỹ là một khối lượng khủng...

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc nghiên cứu phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, về những công ty ồ ạt bán cổ phiếu quỹ thời gian vừa qua, đó là do tâm lý thị trường dẫn dắt.

Có thể thấy, tháng 3/2020 là thời điểm xảy ra đỉnh điểm dịch COVID-19, khiến thị trường lao dốc rất mạnh, nhiều doanh nghiệp đã phải thực hiện việc mua cổ phiếu quỹ để đỡ giá cổ phiếu cho doanh nghiệp mình.

Khi đó, tâm lý nhà đầu tư phản ứng tiêu cực và bán tháo ồ ạt, khiến nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, chưa kể hiện tượng call margin xảy ra ở các công ty chứng khoán. Điều này dẫn đến thiếu thanh khoản và những công ty làm ăn tốt, họ sẽ bỏ tiền ra đỡ giá bằng cách mua cổ phiếu quỹ. Mặt khác, cũng do giá cổ phiếu giảm sâu, nên nhiều doanh nghiệp tận dụng cơ hội này để mua vào với giá rẻ.

“Cho đến nay, giá cổ phiếu đã tăng cao, các doanh nghiệp bắt đầu chốt lời sau ít nhất từ 6-12 tháng đầu tư.  Đây cũng được coi là một khoản đầu tư tài chính, tạo ra lợi nhuận tương đối cho các doanh nghiệp. Lợi nhuận không hẳn là lớn, nhưng ít nhất tạo ra một nguồn thu nhập bất thường cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc hiện thực hóa khoản đầu tư vào năm ngoái là có cơ sở. Đồng thời, đây cũng là giai đoạn chi trả cổ tức của các doanh nghiệp, việc thu hồi tiền về giúp các doanh nghiệp có thêm lượng tiền để chi trả cổ tức cho nhà đầu tư”, ông Minh phân tích.

Tác động sao đến thị trường?

Theo ông Minh, việc ồ ạt bán tháo cổ phiếu quỹ ít nhiều có sự tác động tới thị trường chứng khoán như:

Thứ nhất, trong ngắn hạn sẽ khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng vì lượng cung bắt đầu dồi dào hơn, trong khi thị trường đang ở một vùng giá rất cao, tuy chưa phải là vùng bong bóng của thị trường, cùng với lượng margin đòn bẩy đang khá lớn. Nhiều người sẽ có tâm lý hoang mang nếu thấy cổ phiếu bán ra ào ạt.

Thứ hai, các công ty chứng khoán cũng trở nên thận trọng hơn trong việc cho vay margin với cổ phiếu ở các doanh nghiệp có xu hướng bán ra cổ phiếu quỹ. Song, đây cũng là một điểm sáng, khi các công ty chứng khoán sẽ không có xu hướng mở rộng lượng margin của mình, vì đến thời điểm này đã cạn vốn, nhiều công ty đã cạn room cho vay theo quy định của Luật chứng khoán.

Về mặt tiêu cực, hoạt động này được hiểu là sự tác động cung cầu. Giá các cổ phiếu đang lên cao như hiện nay, các doanh nghiệp bán ra có thể đơn thuần là do đến thời điểm thích hợp để chốt lời.

Về mặt tích cực, khi bán cổ phiếu quỹ ra sẽ tạo một lượng cổ phiếu lớn lưu hành trên thị trường. Như vậy, những doanh nghiệp đang có tỷ lệ free-float (tỷ lệ chuyển nhượng tự do) thấp thì rất có khả năng trong thời điểm này, thị trường sẽ tăng độ hấp thụ, cùng thanh khoản tốt giúp đẩy mạnh tỷ lệ free-float, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vào quỹ ETF thuận lợi hơn. Mà trước đó, nhiều doanh nghiệp bị rào cản không vào được ETF vì tỷ lệ Free-float thấp.  

Một điều đáng chú ý nữa đó là, trước kia, khi nghe đến phát hành thêm cổ phiếu hoặc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, thì đều mang đến thông tin tiêu cực cho thị trường vì gây ra sự pha loãng. Nhưng với cổ phiếu quỹ, đó không phải là sự pha loãng, mà chỉ là trước đó doanh nghiệp mua lại cổ phiếu và bây giờ bán ra. Về nguyên tắc, các doanh nghiệp không được sử dụng đòn bẩy để mua cổ phiếu quỹ. Tuy nhiên,  thể nhiều doanh nghiệp sẽ “lách” luật, sử dụng thêm các tài khoản khác để vay margin mua cổ phiếu quỹ.

Ví dụ, một doanh nghiệp muốn mua cổ phiếu quỹ, nhưng vào thời điểm giá cổ phiếu thấp, công ty không có tiền mà cần phải trợ giá cổ phiếu, dẫn đến việc buộc phải có đòn bẩy. Lúc này, doanh nghiệp phải thông qua bên thứ ba, có thể là chính chủ tịch công ty đứng ra vay, hoặc thực hiện giao dịch hạch toán nào đó giúp gia tăng dòng tiền cho doanh nghiệp để đủ khả năng mua lại cổ phiếu quỹ, rồi thỏa thuận lại cho doanh nghiệp. Không loại trừ khả năng áp lực về margin, đến lúc phải trả nợ nên nhiều doanh nghiệp bán ra, thu tiền về trang trải nợ. Tránh tình trạng các công ty chứng khoán call margin trong bối cảnh thị trường đang treo lơ lửng ở mức cao như hiện nay.