Giải ngân vốn đầu tư công là “then chốt” để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Chiều 28/10/2022, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, thảo luận tại hội trường, giải trình về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định đây là nội dung quan trọng, then chốt để thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi, phát triển kinh tế.
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành rất nhiều nghị quyết, công điện, văn bản để đôn đốc, chỉ đạo, triển khai, tổ chức 3 hội trực tuyến, 6 tổ công tác. Kết quả tuy có thấp hơn khoảng 1 điểm phần trăm nhưng về giá trị tuyệt đối thì đã thực hiện cao hơn 40.000 tỷ đồng, tức là tăng 16%.
Báo cáo trước Quốc hội về nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt như mong muốn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, 76,5% vốn ngân sách nhà nước là do địa phương quản lý và tổ chức thực hiện, do đó, Bộ trưởng đề nghị nâng cao vai trò của Hội đồng nhân dân và các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát từ khâu lựa chọn dự án, chuẩn bị đầu tư đến giải phóng mặt bằng và tổ chức thi công.
Cũng đề cập đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công trong phiên thảo luận sáng ngày 28/10/2022 tại hội trường, hầu hết các đại biểu đều đề nghị phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Chỉ rõ hạn chế trong chậm giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Đỗ Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do việc ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện còn chậm, chưa đồng bộ, công tác phân bổ vốn giao vốn còn chậm dẫn đến độ trễ của chính sách quá dài. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ có giải pháp để khắc phục, đẩy nhanh tiến độ, chất lượng ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu, rút ngắn thời gian phân bổ vốn giao vốn.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cho rằng, tiến độ giải ngân các chương trình, dự án cho thấy rõ, đây là điểm nghẽn mới trong tăng trưởng, khi một trong các kênh phục hồi kinh tế quan trọng, là kích cầu đầu tư, chưa phát huy được hiệu quả tích cực của nó như đã được thiết kế và kỳ vọng. Theo đại biểu, nguyên nhân giải ngân chậm có yếu tố chủ quan của con người, bộ máy.
Đại biểu Đoàn ĐBQH Điện Biên cũng đề nghị Chính phủ cần siết chặt hơn nữa kỷ luật hành chính, kỷ cương công vụ, đánh giá cán bộ theo kết quả công việc cụ thể. Nếu cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thực hiện không hiệu quả thì cần xem xét lại việc bố trí cán bộ, thuyên chuyển, bố trí công việc khác phù hợp hơn với năng lực sở trường.
Trăn trở về vấn đề này, tại buổi thảo luận tại tổ ngày 23/10/2022, ĐBQH Nguyễn Thành Trung – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái chia sẻ, giải ngân vốn đầu tư công chậm là vấn đề hết sức đáng quan ngại và cũng là căn bệnh trầm kha của Việt Nam lâu nay. Có nhiều nguyên nhân khác nhau như chậm, việc lập kế hoạch đầu tư công còn hạn chế công tác chuẩn bị đầu tư, xác định danh mục dự án đầu tư còn hạn chế, việc chậm giải phóng mặt bằng...
“Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu cần phải được Chính phủ lưu ý tìm ra nguyên nhân, hạn chế. Từ đó, đưa ra các giải pháp đẩy nhanh vốn đầu tư công” - đại biểu Nguyễn Thành Trung lưu ý.
Trong khi đó, theo ĐBQH Trần Văn Khải – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam, trong 9 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt tỉ lệ 46,7%. Đại biểu đặt câu hỏi, còn 3 tháng cuối năm liệu các bộ ngành, địa phương có đạt được mục tiêu đề ra không? Dù thực hiện hết các biện pháp nhưng các công trình trọng điểm quốc gia vẫn không đúng tiến độ. Điều này cho thấy vẫn chưa đánh giá hết được tình hình, làm rõ hết những vướng mắc về cơ chế, thể chế chính sách.
“Có thể nói tiền có rồi, cơ chế chính sách Quốc hội đã mở hết rồi, nhưng tại sao vẫn chậm. Vốn giải ngân ODA rất thấp. Chúng ta vay về chịu lãi, mà vẫn không chịu giải ngân thì rất lãng phí”, đại biểu Trần Văn Khải quan ngại.