Giải ngân vốn đầu tư công phải có sự thay đổi và quyết tâm cao hơn
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 22/9/2022, giải ngân vốn đầu tư công tỉnh Đồng Tháp là 2.614,505 tỷ đồng/5.906,852 tỷ đồng, đạt 44,26%, cao hơn 19,51% so với cùng kỳ. Trong đó, cấp tỉnh đa phần các sở đều giải ngân dưới mức trung bình của tỉnh (có 7 đơn vị giải ngân còn thấp dưới 25%); cấp huyện cơ bản triển khai tương đối tốt và tỷ lệ giải ngân đạt cao (chỉ có 3 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của tỉnh).
Đồng Tháp được Chính phủ đánh giá là một trong những tỉnh có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước, đứng thứ 22 cả nước về giải ngân vốn đầu tư công. Đây là một điểm tích cực để tỉnh Đồng Tháp tiếp tục phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra.
Mặc dù vậy, tỉnh Đồng Tháp cũng giải ngân chưa đạt tới 50% kế hoạch vốn của năm. Theo Chủ tịch UBND tỉnh, từ nay đến cuối năm, nhiệm vụ còn rất nặng nề, các cấp, các ngành phải có sự quyết tâm cao hơn trong công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, mục tiêu vẫn không thay đổi là phải đạt 100% kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, Tỉnh cũng đã cho cơ chế mở về việc điều hoà nguồn vốn. Do đó, các ngành, các cấp phải chủ động có kế hoạch rà soát, bố trí điều hoà nguồn vốn năm 2022, bổ sung nguồn vốn năm 2023 phù hợp; chủ động xây dựng kế hoạch công trình trung, dài hạn để làm khâu đột phá.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị các chủ đầu tư, địa phương phải có kế hoạch rà soát, đánh giá lại từng công trình, có phân công cụ thể để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Đối với các công trình trọng điểm rà soát, xác định thuận lợi, khó khăn để có những đề xuất giải pháp tháo gỡ, đảm bảo với tinh thần quyết tâm cao từ nay đến cuối năm phải đạt 100% kế hoạch đề ra.
Để nắm sát tình hình giải ngân, định kỳ 2 tuần, tỉnh sẽ tổ chức cuộc họp trực tuyến để đánh giá tiến độ giải ngân, riêng các chủ đầu tư hàng tuần phải có báo cáo gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư về tiến độ thực hiện.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 22/9/2022, giải ngân vốn đầu tư công cả tỉnh là 2.614,505 tỷ đồng/5.906,852 tỷ đồng, đạt 44,26%, cao hơn 19,51% so với cùng kỳ. Trong đó, cấp tỉnh đa phần các sở đều giải ngân dưới mức trung bình của tỉnh (có 7 đơn vị giải ngân còn thấp dưới 25%); cấp huyện cơ bản triển khai tương đối tốt và tỷ lệ giải ngân đạt cao (chỉ có 3 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của tỉnh).
Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác giải ngân, trong đó chủ yếu do vướng công tác giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, khâu tổ chức thực hiện của một số chủ đầu tư còn thiếu quyết liệt; khan hiếm cát san lấp và đất đắp đê làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai của dự án; biến động của giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào lớn, dẫn đến nhà thầu trúng thầu, ký hợp đồng trọn gói thi công cầm chừng, chờ chính sách điều chỉnh giá hợp đồng và giá vật liệu xây dựng; do đặc thù giải ngân những tháng đầu năm thấp nhưng tăng mạnh trong những tháng cuối năm, trong khi để thi công, tích luỹ khối lượng để nghiệm thu phải cần thời gian và phụ thuộc vào tiến độ hợp đồng và tạm ứng...