Khủng hoảng nhà ở tại Australia:

Giải pháp "bơm tiền" từ ngân sách liên bang có hiệu quả?


Chính phủ Australia mới đây đã công bố các biện pháp hỗ trợ nhà ở nằm trong Ngân sách Liên bang giai đoạn 2024 - 2025 có giá trị lên tới hàng tỷ USD, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở đang ngày càng trở nên trầm trọng tại quốc gia này. Các chuyên gia nhận định rằng, mặc dù các sáng kiến được đánh giá mang tính bước ngoặt nhưng vẫn chưa đủ để giải quyết được cuộc khủng hoảng một cách toàn diện.

Ảnh: ABC News
Ảnh: ABC News

Cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng

Trong một báo cáo mới đây của Tập đoàn Tài chính Savvy có tiêu đề “Thực tế khắc nghiệt về cuộc khủng hoảng nhà ở tại Australia cho thấy, 2/3 người dân nước này đang trong tình trạng căng thẳng về nhà ở. Cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn khi tốc độ xây dựng nhà dự kiến giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ vào năm 2024 bởi chi phí vật liệu, đất đai và tài chính tăng cao, khiến các nhà đầu tư và phát triển bất động sản không có động lực với công việc này.

Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng nhà ở là do Australia đã xóa bỏ nhiều hệ thống nhà ở chính phủ trong gần nửa thế kỷ qua, trong khi số lượng người di cư vào quốc gia ngày càng tăng mạnh. Nguồn cung không đủ cầu đã đẩy giá bất động sản “phi mã” làm nhiều người bị “mắc kẹt” trong thị trường cho thuê nhà. Giám đốc nghiên cứu và kinh tế tại Tập đoàn Nghiên cứu bất động sản Domain của Australia Nicola Powell cho biết, tỷ lệ nhà trống cho thuê ở những thành phố lớn như Perth và Adelaide chỉ còn ở mức 0,3%. Trong khi đó, theo số liệu của các cơ quan thống kê, đơn xin phê duyệt xây nhà trong tháng 1/2024 đã giảm 11,1% so với mức giảm 10,1% trong tháng 12/2023. Chính vì vậy, các công ty xây dựng không muốn đầu tư vào dự án nhà ở trong thời điểm này vì không thể kiếm được lợi nhuận.

Nhà kinh tế cấp cao của Ngân hàng ANZ Adelaide Timbrell dự đoán, giá thuê tiếp tục tăng vô thời hạn vì việc thiếu nguồn cung trên thị trường sẽ làm trầm trọng thêm khả năng chi trả nhà ở. Hiện nay, trung bình một người phải chi tới hơn 30% thu nhập vào nhà ở, bao gồm các khoản như tiền thuê nhà, trả nợ tín dụng, thuế, bảo hiểm, sửa chữa, bảo trì và các chi phí khác... Đặc biệt, ở khu vực Durack của bang Queensland, mức giá thuê nhà đã tăng 15% trong 12 tháng qua, nghĩa là 40% thu nhập hộ gia đình dùng chi trả cho tiền thuê nhà và trên thực tế không còn chỗ trống nào để cho thuê. Các nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất là sinh viên, những người nhận phúc lợi, người có thu nhập trung bình hoặc không có công việc ổn định.

Hơn nữa, cuộc khủng hoảng nhà ở khiến số người vô gia cư tại Australia ngày càng tăng. Thống kê do Viện Y tế và Phúc lợi Australia mới đây cho thấy, trong năm tài chính 2022 - 2023, hơn 270.000 người cần được hỗ trợ bởi các dịch vụ chuyên biệt dành cho người vô gia cư. Nhưng đáng lo ngại hơn là, có tới 108.000 yêu cầu trợ giúp không thể được đáp ứng. Đáng nói, có đến 11.000 người trong số người vô gia cư là thanh, thiếu niên và 19.100 trẻ em.

Các sáng kiến liệu có hiệu quả?

Trước tình trạng này, Bộ trưởng Tài chính Jim Chalmers khẳng định việc hỗ trợ đời sống người dân Australia là ưu tiên hàng đầu của chính phủ. Theo đó, ngày 15/5, Chính phủ liên bang Australia đã đưa ra những biện pháp để hỗ trợ người dân được trích từ ngân sách liên bang tài khóa 2024 - 2025, với tổng giá trị hàng tỷ USD.

Ông Jim Chalmers cho biết, một trong những trọng tâm của các sáng kiến là Quỹ Tương lai Nhà ở Australia trị giá 10 tỷ USD. Quỹ này nhằm mục đích xây dựng 30.000 ngôi nhà xã hội mới, với giá cả phải chăng trong vòng 5 năm. Mặc dù đây là một khoản đầu tư đáng kể nhưng chính phủ sẽ chỉ có thể xây được 6.000 ngôi nhà mỗi năm, con số này vẫn quá nhỏ khi Australia đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt khoảng 100.000 ngôi nhà hàng năm. Do đó, các chuyên gia nhận định rằng, với gần 1,6 triệu hộ gia đình đang gặp khó khăn trong việc thuê nhà và nguồn cung nhà ở tại Australia dự kiến sẽ thiếu ít nhất 175.000 căn vào năm 2027, thì chính phủ cần phải có hành động và mục tiêu thiết thực hơn nữa mới có thể bù được số lượng nhà ở đang thiếu hụt hiện nay.

Tiếp đến, chính phủ sẽ chi 350 triệu USD trong 5 năm để hỗ trợ Thỏa thuận Nhà ở Quốc gia (được ký kết giữa Chính phủ Liên bang và các tiểu bang, vùng lãnh thổ, chính quyền địa phương, các nhà đầu tư tổ chức và lĩnh vực xây dựng, đặt mục tiêu xây dựng thêm 1,2 triệu ngôi nhà mới trong vòng 5 năm kể từ giữa năm 2024). Tuy nhiên, con số tối thiểu là 70 USD/ ngôi nhà mỗi năm đã đặt ra câu hỏi về tính khả thi của mục tiêu này. Các chuyên gia cho rằng, thành công của sáng kiến này sẽ  phụ thuộc rất nhiều vào đầu tư của khu vực tư nhân và sự hợp tác của chính quyền tiểu bang. Nếu không có nguồn tài trợ bổ sung đáng kể, mục tiêu xây dựng 1 triệu ngôi nhà dường như quá tham vọng.

Để hỗ trợ những người mua nhà lần đầu, chính phủ sẽ phân bổ 1,6 tỷ USD trong 4 năm để mở rộng Chương trình Bảo lãnh mua nhà lần đầu. Mục tiêu của chương trình là giúp người mua bảo đảm một phần tiền cọc cho các khoản vay mua nhà của họ. Song, với mức 400 triệu USD mỗi năm, khoản này vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề cơ bản là hạn chế về nguồn cung trên thị trường nhà ở. Hơn nữa, lãi suất cao và giá bất động sản chưa có dấu hiệu hạ nhiệt vẫn sẽ gây ra những rào cản đáng kể cho những người mua nhà lần đầu.

Đối với Kế hoạch Hỗ trợ tiền thuê nhà, chính phủ đã điều chỉnh mức tăng 15% tiền hỗ trợ thuê nhà tối đa, trị giá 2,7 tỷ USD trong 4 năm, tương đương với 675 triệu USD mỗi năm. Mức tăng này giúp cung cấp khả năng cứu trợ ngay lập tức cho những người thuê nhà có thu nhập thấp, nhưng đối mặt với tình trạng giá thuê nhà tăng nhanh chóng và nguồn cung bất động sản cho thuê phải chăng ngày càng hạn chế, thì số tiền chính phủ đưa ra dường như vẫn chưa đủ.

Về Sáng kiến Nhà ở cấp vùng, chính phủ sẽ phân bổ 200 triệu USD trong 2 năm để hỗ trợ phát triển nhà ở cho các địa phương. Các chuyên gia cho rằng, sáng kiến này được đánh giá là một bước đi tích cực, nhưng các địa phương sẽ phải đối mặt với những thách thức đặc biệt về nhà ở, bao gồm cả nguồn lao động và vật liệu xây dựng. Hơn nữa, nguồn tài trợ này khó có thể giải quyết toàn bộ nhu cầu nhà ở của địa phương. Do đó, việc thực hiện và phối hợp với chính quyền địa phương là một yếu tố rất quan trọng để sáng kiến này có thể thành công.

Theo nhà kinh tế cấp cao của PropTrack Market Insight Paul Ryan, mặc dù những sáng kiến này được đánh giá là một bước tiến lớn trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng nhà ở của chính phủ, nhưng cũng kéo theo hệ quả làm tăng thêm nhu cầu về nguồn cung nhà vốn đã bị hạn chế nghiêm trọng. 

Trong khi đó, báo cáo mới đây của Hội đồng Cung cấp Nhà ở giá rẻ chỉ ra rằng, mặc dù tổng kinh phí cho các sáng kiến về nhà ở rất lớn, nhưng vẫn có thể bị thiếu hụt trong quá trình dàn trải cho các nhu cầu đã được xác định. Do đó, Chính phủ Australia khó có thể đạt được các mục tiêu mới về nhà ở đầy tham vọng và thậm chí tình hình có thể trở nên xấu đi trong 6 năm tới.

Một số chuyên gia bất động sản và nhà ở cho biết, để giải quyết cấp bách tình trạng thiếu nhà ở, chính phủ nên xem xét các giải pháp sáng tạo như xây dựng khu nhà ở di động có thể được hoàn thành nhanh chóng trong 6 - 8 tuần. Về dài hạn, chính phủ cần một cách tiếp cận hoàn toàn mới đối với vấn đề nhà ở để xây dựng một chiến lược thực sự hiệu quả; đồng thời cần các chiến lược bền vững hơn, bao gồm các nỗ lực phối hợp với chính quyền tiểu bang và đầu tư của khu vực tư nhân. 

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn