Giải pháp chính sách - Tháo gỡ nút thắt và tạo động lực tăng trưởng
Ngày 24/10, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức Diễn đàn “Giải pháp chính sách tháo bỏ nút thắt và tạo động lực mới thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng”.
TS. Nguyễn Đình Cung chia sẻ tại Diễn đàn. |
Tại Diễn đàn, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã chia sẻ nhiều nội dung về thực trạng tăng trưởng kinh tế Việt Nam cũng như đưa ra nhiều giải pháp nhằm tháo bỏ nút thắt, tạo động lực tăng trưởng trong thời gian tới.
Đánh giá về tốc độ tăng trưởng nền kinh tế thời gian qua, TS. Nguyễn Đình Cung nhận đinh, tăng trưởng kinh tế có xu hướng phục hồi, sản lượng tiềm năng có xu hướng liên tục cải thiện. Cụ thể, GDP trong nước 9 tháng đầu năm 2017 tăng 6,41% so với năm trước, trong đó, quý I tăng 5,15%, quý II tăng 6,28%. Bức tranh kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu với nhiều tín hiệu khởi sắc, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng thực hiện.
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Đình Cung cũng đã phân tích những hạn chế, tồn tại của thực trạng tăng trưởng kinh tế Việt Nam đó là sự đóng góp đáng kể từ khối các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) đang chiếm ưu thế lớn trong cân bằng cán cân thương mại. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng tổng thu nhập (GNI) đang ngày càng thấp xa hơn so với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Toàn cảnh Diễn đàn. |
Trong khi đó, chỉ số lạm phát tính theo tháng giảm thấp và có xu hướng ổn định so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tính theo năm lại liên tục giảm và mức ổn định rất thấp. Chính vì thế, có thể sẽ phải cần xem xét giảm lãi suất huy động để giảm lãi cho vay cũng như thiết lập mắt bằng lãi suất mới cho phù hợp hơn. Nhất là khi việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém hiện nay chưa thực sự tạo nên sự khác biệt.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, để tạo động lực mới thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng năm 2018 và các năm tiếp theo, nền kinh tế Việt Nam cần nhiều giải pháp đồng bộ để tháo bỏ nút thắt về giải ngân đầu tư vốn, cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí cho doanh nghiệp…
TS. Nguyễn Đình Cung kiến nghị, cần tháo bỏ ngay các vướng mắc, đẩy nhanh giải vốn đầu tư nhà nước ngay từ đầu năm, không thể để tiếp tục chậm trễ như 2 năm gần đây. Tăng hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước và tư nhân trong nước.
Đối với các giải pháp cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, TS. Nguyễn Đình Cung nêu rõ, Chính phủ cần tạo áp lực và trách nhiệm đối với các bộ chuyên ngành để cắt bớt ít nhất 1/3 đến 1/3 số điều kiện kinh doanh, loại bỏ ít nhất 1/2 số hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành xuất, nhập khẩu và thay đổi cơ bản cách thức quản lý nhà nước.
Tiếp tục nỗ lực giảm chi phí cho doanh nghiệp bằng các biện pháp như giảm lãi suất cho vay, giảm chi phí hậu cần, giảm các chi phí công đoàn, bảo hiểm xã hội, chi phí trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp thôi việc… Không tăng lương theo mệnh lệnh hành chính, nếu tăng không quá tốc độ tăng năng suất lao động theo thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động.
Cũng theo TS. Nguyễn Đình Cung, cần cải cách mạnh mẽ về hồ sơ, trình tự, thủ tục, rút ngắn tối đa thời hạn, giảm phí chuyển nhượng quyền sử dụg đất nông nghiệp; miễn thuế hoặc thực hiện ưu đãi thuế đối với chuyển nhượng đất nông nghiệp.
Cùng với đó, cần thay đổi cách thức, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch. Chính thức tối đa thương mại tiểu ngạch qua biên giới, nhất là biên giới Việt – Trung. Đồng thời có kế hoạch và giải pháp đồng bộ để khai thác tối đa các cơ hội từ thị trường Trung Quốc, EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, Nga…nhất là hàng nông sản và thực phẩm.