Giải pháp cho doanh nghiệp trước cú “sốc” thuế Mỹ
Việc Mỹ áp mức thuế nhập khẩu 46% lên hàng hóa Việt Nam là một cú “sốc” lớn đối với kinh tế Việt Nam nói chung và thương mại nói riêng. Việt Nam sẽ phải điều chỉnh cơ bản chiến lược và chính sách phát triển nhằm ứng phó với những tác động tiêu cực trong ngắn và trung hạn, thậm chí có thể cả dài hạn.
Ngày 8/4, Báo Tiền Phong tổ chức Tọa đàm “Ứng phó thuế đối ứng của Mỹ” với sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế cùng đại diện các doanh nghiệp.
Tọa đàm thảo luận về những tác động của chính sách thuế đối ứng của Mỹ đối với các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam. Từ đó tìm ra các giải pháp ứng phó nhằm giảm thiểu tác động, thiệt hại trước mắt. Đồng thời, đưa ra chiến lược phát triển tự chủ, bền vững trước bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động.
Nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề
Chiều 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách mới sẽ áp thuế cơ bản 10% đối với tất cả hàng hóa của các nước từ ngày 5/4 và áp thuế đối ứng với 60 nước kể từ ngày 9/4, trong đó Việt Nam ở mức 46% - thuộc nhóm các nước có mức thuế cao.
Chính sách thuế của Mỹ dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến 5 nhóm ngành chính đang chiếm 64,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ năm 2024 như điện tử, dệt may, da giầy, gỗ và sản phẩm từ gỗ, nông - thủy - hải sản, thép và nhôm.
Đối với ngành công nghiệp gỗ và nội thất phụ thuộc rất lớn vào thị trường Mỹ, mức thuế cao gần 50% khiến đồ gỗ, nội thất Việt Nam gần như mất lợi thế giá tại thị trường.
Theo ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ, lâm sản Việt Nam, Việt Nam trong những năm gần đây là quốc gia hàng đầu về chế biến, xuất khẩu gỗ, chỉ đứng sau trung Quốc. Tại Mỹ, xuất khẩu 38 - 40% tổng kim ngạch gỗ lên tới 9,4 tỷ USD, chiếm tỷ trọng cao. Việc Mỹ áp thuế 46% với mặt hàng nhập của Việt Nam là “đòn” đánh rất mạnh vào công nghiệp gỗ.

Cũng theo ông Ngô Sỹ Hoài, Việt Nam hiện xuất khẩu gỗ tới 161 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau với 5 thị trường lớn nhất gồm: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2024, Mỹ là thị trường tiêu thụ 56,4% toàn bộ xuất khẩu gỗ, vì vậy để tìm kiếm thị trường thay thế là rất khó.
Trong khi đó, ông Hoàng Mạnh Cầm - Phó Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, Dệt may là một trong những mặt hàng chịu tác động mạnh nhất từ mức thuế này.
Bởi, Dệt may là một mặt hàng chủ lực của Việt Nam, với kim ngạch hơn 16 tỷ USD, chiếm 35-40% thị phần xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Việt Nam xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ tăng đều đặn, từ năm 2015 đến nay xấp xỉ đạt 6%. Với mức thuế 46% sẽ khiến giá hàng may mặc Việt Nam tại Mỹ tăng vọt, làm mất lợi thế cạnh tranh về giá so với đối thủ.
“Hiệp hội dệt may có khoảng 7.000 - 10.000 doanh nghiệp, với số lượng trên 2,5 triệu lao động trực tiếp trong ngành, không tính các ngành phụ trợ liên quan.
Trước bối cảnh mức thuế tăng cao, các công ty may mặc lớn sẽ rất chật vật do giá thành tăng cao buộc đối tác Mỹ cắt giảm đơn hàng, dẫn tới doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, thậm chí cắt giảm lao động’- ông Hoàng Mạnh Cầm chia sẻ.
Ngành thủy sản cũng đang trong tình trạng “căng như dây đàn” do mức thuế cao. Theo bà Lê Hằng - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), các mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ không chỉ chịu riêng mức thuế 46% mà còn phải chịu nhiều loại thuế khác như thuế trợ cấp, thuế chống phá giá... nâng tổng thuế phải chịu tối đa lên đến 75%.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam thường sử dụng phương thức giao hàng CIF (chịu toàn bộ chi phí vận tải, bảo hiểm và thuế trước khi giao hàng cho đối tác). Như vậy, mức thuế mới của Mỹ gây tác động nặng nề lên các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Việc Mỹ công bố áp thuế đối ứng 46% đối với hàng Việt Nam không chỉ ảnh hưởng tới xuất khẩu mà còn tác động tới lĩnh vực tài chính, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thị trường bất động sản, vàng… Trong những ngày tới, nếu Mỹ không thay đổi, có thể đây là cú sốc chưa từng có từ bên ngoài với Việt Nam.
Giải pháp nào giúp xoay chuyển tình thế?
Chia sẻ về hành động của ngành thuế trước động thái thuế quan của Mỹ áp lên hàng hóa Việt Nam, ông Mai Sơn - Phó cục trưởng Cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, ngay khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, cơ quan thuế và ngành Tài chính đã có sự chủ động từ đầu năm. Theo đó, ngành Thuế đã lường trước được Mỹ có thể tác động đến thị trường xuất khẩu nên có sự ứng phó nhanh chóng.

Cũng với đó, Nghị định 73/2025/NĐ-CP của Chính phủ đã giảm thuế suất nhập khẩu nhiều mặt hàng của đối tác thương mại lớn, trong đó có Mỹ với nhiều dòng thuế về 0%. Có 16 nhóm mặt hàng nhập về Việt Nam được giảm thuế như ô tô, sản phẩm nông nghiệp, than, gỗ… “Đây là bước thiện chí lớn ngay từ đầu của chính phủ Việt Nam nhằm nỗ lực cân bằng cán cân thương mại hai nước, giúp người tiêu dùng Việt Nam tăng cường sử dụng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ”- ông Mai Sơn nhận định.
Để ứng phó với quyết định từ phía Mỹ, ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi (NTU), cho rằng việc trước mắt cần làm là phải thích nghi với hoàn cảnh, sau đó dẫn dắt đến sự thay đổi. “Việt Nam hiện là một trong hơn 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới, do vậy trong bối cảnh bây giờ chúng ta phải ứng xử như một nước lớn”- ông Nguyễn Quang Huy nhấn mạnh.

Về các giải pháp ứng phó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Huy cho rằng, việc đầu tiên cần là tăng cường đối thoại cấp cao với Mỹ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh đàm phán, ngoại giao nhân dân cũng như vận động các doanh nghiệp, liên quan đến lợi ích của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ để chúng ta có tiếng nói trong quá trình đàm phán.
Tiếp đến là liên quan đến năng lực nội tại về pháp lý và pháp luật trong việc xử lý các vụ kiện và phòng bị thương mại. Cuối cùng là hỗ trợ các doanh nghiệp tái cấu trúc chuỗi cung ứng, đầu tư công nghệ và đa dạng hóa thị trường, đối với các doanh nghiệp cũng cần chú ý đến quản trị chuỗi cung ứng và kỷ luật, tăng cường các kịch bản ứng phó phù hợp.
Với các doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Huy đề nghị có 4 trụ cột cần thay đổi. Thứ nhất, chuẩn hóa và nâng cao năng lực cung ứng. Thứ hai, nâng cao năng lực pháp lý và ứng phó về phòng vệ thương mại. Thứ ba, chuyển từ gia công giá rẻ sang sáng tạo, giá trị cao (phát triển mẫu mã, thương hiệu, nội địa hóa chuỗi giá trị). Thứ tư, đa dạng hóa thị trường, tránh lệ thuộc và thích ứng với chủ nghĩa bảo hộ mới.
“Mặc dù việc thay đổi sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng đây cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước đổi mới sáng tạo và vươn lên thành công. Các doanh nghiệp cần có vốn chủ đủ mạnh và khả năng thích ứng với sự thay đổi để có thể thành công trong quá trình chuyển đổi”- ông Huy nhận định./.