Giải pháp cho doanh nghiệp Việt tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu

Theo Laodong.vn

Một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt song số lượng doanh nghiệp trở thành nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp Nhật Bản vẫn hạn chế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Số doanh nghiệp trở thành nhà cung cấp cho Nhật Bản vẫn hạn chế

Những năm qua, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã và đang cải thiện năng lực sản xuất và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động, chiếm 8% lao động toàn ngành chế biến, chế tạo.

Một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại những lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa-cao su kỹ thuật; săm lốp các loại. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp Nhật Bản vẫn hạn chế.

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương - nhấn mạnh như trên tại hội nghị Giao thương trực tuyến sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam-Nhật Bản 2022 do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phối hợp cùng Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản và Trung tâm ASEAN-Nhật Bản (AJC) tổ chức mới đây.

Ông Vũ Bá Phú cho biết, ngành công nghiệp hỗ trợ đã tạo được công ăn việc làm cho người lao động và đóng góp doanh thu đáng kể vào cho ngành công nghiệp chế biến chế tạo Việt Nam. Cùng với đó, quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng phát triển theo hướng tích cực.

Đặc biệt, nhiều linh kiện sản phẩm, thành phẩm và bán thành phẩm của Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu nhiều quốc gia trên thế giới; trong đó có Nhật Bản.

Đáng lưu ý, kể từ khi dịch COVID-19 khởi phát đến nay, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản và Trung tâm ASEAN-Nhật Bản tạo điều kiện thiết thực cho các doanh nghiệp 2 nước trao đổi kinh nghiệm và kỹ thuật sản xuất để tìm kiếm cơ hội hợp tác sản xuất phát triển kinh doanh.

Những điểm yếu

Về việc số lượng doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp Nhật Bản vẫn hạn chế, ông Akutsu Michio - Chuyên gia Hiệp hội Cố vấn thương mại Nhật Bản - chỉ ra mấy nguyên nhân.

Đầu tiên, năng suất lao động của lao động địa phương tại Việt Nam còn thấp. Theo báo cáo của Jetro, tỉ lệ chất lượng lao động chỉ đạt 14,4%. Ông Akutsu Michio cho rằng, đây là điều đáng quan ngại. Mặt khác, nhân tài có trình độ kỹ thuật cao của Việt Nam đã bị thu hút bởi doanh nghiệp FDI và ra nước ngoài làm việc dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực tốt.

Tiếp đó, năng lực tài chính của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, việc tiếp cận nguồn vốn cũng gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp cũng gặp khó trong việc tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu giá thành cạnh tranh và thiếu thông tin từ các nhà cung cấp nước ngoài.

Bà Trương Thị Chí Bình - Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) - cũng bày tỏ: Việt Nam hiện có 6 ngành được ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó có ngành điện, điện tử và cơ khí.

Với ngành công nghiệp cơ khí, điển hình là công nghiệp sản xuất xe máy, sản lượng tuy có giảm trong năm vừa qua, đạt 2,5 triệu xe/năm. Dù vậy, đây là ngành có sản lượng tốt nhất, tỉ lệ nội địa hoá cũng như sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam đã ở tất cả các lớp cung ứng, các lớp sản phẩm như điện, điện tử, caosu, nhựa.

Ngành thứ 2, công nghiệp ôtô nổi bật với thương hiệu Toyota. Sản lượng của ngành này thấp hơn rất nhiều so với công nghiệp sản xuất xe máy, Toyota đạt 426.000 xe/năm, trong đó 60% được lắp ráp trong nước với model khác nhau. Đây cũng chính là lý do khiến ngành công nghiệp ôtô có tỉ lệ nội địa thấp và hiếm hoi có sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam cũng chỉ có thể cung cấp linh kiện nhựa cho các hãng ôtô, nguyên do đây là loại linh kiện cồng kềnh, chi phí logistics lớn buộc phải nội địa hoá.

Ngành công nghiệp điện tử có sản lượng lớn nhất, riêng điện thoại di dộng chiếm gần 20% tỉ trọng xuất khẩu của các ngành, tuy vậy phần tham gia của doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn là nhựa và cao su. Linh kiện điện tử phần lớn được cung cấp bởi các doanh nghiệp FDI.

Một điểm yếu nữa, theo bà Bình, doanh nghiệp Việt Nam hiện mới chỉ sản xuất được linh kiện đơn chiếc, chứ chưa sản xuất được cụm linh kiện ngoài một số máy móc thuộc ngành công nghiệp xây dựng.

Giải pháp

Lãnh đạo VASI cũng cho hay: 5 năm gần đây, luồng chuyển dịch nhà máy sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ về Việt Nam khá rõ. Để hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội đã tập trung tìm kiếm giải pháp tiến lên trong chuỗi cung ứng bằng cách hình thành nhóm doanh nghiệp và nhóm lĩnh vực để tập trung gia tăng số lượng và chất lượng sản xuất. “Sự chuyển dịch chuỗi cung ứng không chỉ theo chiều sâu mà theo cả số lượng, đơn hàng từ Trung Quốc chuyển sang hiện lớn hơn rất nhiều số lượng sản phẩm doanh nghiệp trong nước đang sản xuất” - bà Bình nói.

Hiệp hội cũng bắt đầu hình thành nhóm doanh nghiệp để có thể sản xuất cụm linh kiện, tuy chưa đi vào thực hiện nhưng hy vọng sẽ tạo ra được điển hình đầu tiên và có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Nhật Bản và toàn cầu.

Giải pháp khắc phục điểm yếu của nhà cung cấp Việt Nam, ông Akutsu Michio đề xuất: Doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng các công ty thương mại. Những doanh nghiệp này có thể cung cấp nguyên liệu với giá cạnh tranh, hỗ trợ thực hiện thủ tục hải quan, đề xuất phương thức sản xuất mới, cơ giới hoá và tự động hoá cho doanh nghiệp sản xuất lắp ráp.

“Nếu có sự cố xảy ra, họ phối hợp nhà cung cấp và nhà máy lắp ráp để đề xuất giải pháp. Hơn nữa, họ có thể cung cấp thông tin không công khai trên Internet như đầu tư vốn, chương trình phát triển sản phẩm mới” - ông Akutsu Michio nhấn mạnh.

Ông Kunihiko Hirabayashi - Tổng thư ký AJC tại Tokyo - thì cho hay, AJC luôn mong muốn là cầu nối để đưa ngành công nghiệp hỗ trợ Nhật Bản đến với các nước ASEAN; trong đó có Việt Nam có thể phát triển và tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, trong tình hình thế giới đầy biến động như hiện nay, việc các nền công nghiệp hỗ trợ của các quốc gia phát triển và tham gia như thế nào vào chuỗi phát triển toàn cầu và vấn đề nan giải và ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam cũng đang gặp rất nhiều thách thức. Do vậy, cần có sự hợp tác giữa doanh nghiệp các quốc gia để tạo nên những sự phát triển về chất lượng nguồn nhân lực cũng như chất lượng sản phẩm để đáp ứng được nhu cầu của thị trường.