Giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua biên giới
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua biên giới dự báo sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Đối tượng của hoạt động buôn lậu đa dạng, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi xảo quyệt, lực lượng tham gia tăng, phạm vi hoạt động rộng. Thực tế này đòi hỏi việc thực thi các chính sách chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả qua biên giới thời gian tới cần hướng tới những giải pháp bền vững.
Thực trạng phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua biên giới
Sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, nền kinh tế đã từng bước phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày được nâng cao; Hợp tác giao thương giữa Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là các nước láng giềng theo đó cũng ngày càng rộng mở và đi vào chiều sâu.
Quá trình mở cửa một mặt đem lại cho Việt Nam nhiều cơ hội lớn cho xuất nhập khẩu hàng hóa, phát triển kinh tế; mặt khác, cũng đặt ra không ít thách thức, khi hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả ngày càng diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi, quy mô trên trải rộng khắp địa bàn biên giới, ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế - xã hội, gây thất thu ngân sách nhà nước, thất thoát tài nguyên khoáng sản quốc gia.
Để kịp thời ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả qua biên giới, Chính phủ và các bộ ngành đã có nhiều chính sách phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Các lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả cũng đã đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, để tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban Chỉ đạo quốc gia 389). Ngày 9/6/2015, Chính phủ ban hành Nghị quyết 41/NQ-CP về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.
Triển khai chủ trương trên, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực thi nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua biên giới.
Trong đó, tại các tỉnh, thành phố, các lực lượng chức năng đã tổ chức xây dựng kế hoạch, phương án thực thi nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Phân công bố trí lực lượng cán bộ, chiến sỹ thực thi nhiệm vụ; Thực hiện tuyên truyền vận động doanh nghiệp và người dân tham gia thực hiện chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; Tổ chức đấu tranh ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, trong đó đặc biệt quan tâm hàng hóa cấm nhập khẩu, cấm xuất khẩu, ma túy, pháo các loại.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng tạm nhập tái xuất, hàng xuất khẩu được hoàn thuế giá trị gia tăng, hàng nhập lậu là gia cầm và sản phẩm gia cầm, phân bón, nguyên liệu thuốc lá, khoáng sản; Thực hiện tốt công tác phối kết hợp giữa các lực lượng liên quan (Ban chỉ đạo 389 địa phương, biên phòng, hải quan, công an, quản lý thị trường) nhằm cung cấp, trao đổi thông tin lẫn nhau trong thực hiện nhiệm vụ.
Kết quả 6 tháng đầu năm 2017, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 88.564 vụ việc vi phạm (bằng 93,71% so cùng kỳ năm 2016), thu nộp ngân sách nhà nước từ tiền phạt, bán hàng tịch thu và công tác, kiểm tra, truy thu thuế đạt 7.949 tỷ 667 triệu đồng (tăng 40,44% so cùng kỳ năm 2016), khởi tố 1.189 vụ đối với 1.372 đối tượng.
Riêng đối với lực lượng hải quan, tính đến 15/9/2017, toàn Ngành đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 11.429 vụ việc vi phạm; trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 424,3 tỷ đồng; thu ngân sách đạt 225,7 tỷ đồng; khởi tố 33 vụ; chuyển cơ quan khác khởi tố 49 vụ...
Tuy nhiên, kết quả công tác còn chưa tương xứng với tình hình thực tế hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đang diễn ra hết sức phức tạp. Thị trường trong nước hiện vẫn còn nhiều hàng hóa nhập lậu bày bán, chào bán trên mạng, nhất là các mặt hàng thuốc chữa bệnh; Thực phẩm chức năng; thuốc bảo vệ thực vật; Hàng giả xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, giả thương hiệu nổi tiếng; Hàng tiêu dùng giả nhãn mác, kém chất lượng, không chứng từ nhập khẩu…
Trong xu thế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua biên giới dự báo còn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Đối tượng của hoạt động buôn lậu đa dạng, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi xảo quyệt, lực lượng tham gia tăng, phạm vi hoạt động rộng.
Nghiên cứu thực tế cho thấy, hiện nay các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách lợi dụng kẽ hở của cơ chế chính sách để thực hiện các hành vi, thủ đoạn tinh vi hơn, thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác phát hiện, bắt giữ, điều tra và xử lý.
Trên đường biên giới và các cửa khẩu, lối mở các đối tượng buôn lậu tập trung vận chuyển các mặt hàng nhạy cảm, có lợi nhuận lớn như thuốc lá, nguyên liệu thuốc lá, rượu, đồ điện tử dân dụng, vải, mỹ phẩm, dược liệu, thuốc bảo vệ thực phẩm, thuốc thú y, động vật hoang dã quý hiếm...
Trên đường không, việc lợi dụng hành lý mang theo để nhập lậu thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng hiệu… cũng diễn biến phức tạp. Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy dạng heroin, ma túy tổng hợp từ nước ngoài vào Việt Nam cũng có chiều hướng gia tăng.
Gian lận thương mại thông qua các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá tập trung lợi dụng sự thông thoáng trong quy trình thủ tục hải quan và các kẽ hở của chế độ chính sách. Trong đó, tình trạng doanh nghiệp lợi dụng việc được phân vào luồng xanh, được miễn kiểm tra để khai báo sai về trị giá, số lượng, chất lượng hàng hoá gia tăng.
Đặc biệt, còn có tình trạng làm giả hồ sơ chứng từ, thông đồng với đối tác nước ngoài, lập hoá đơn hạ thấp giá trị thực để trốn thuế; Thông đồng nhập khẩu hàng cấm, hàng kém chất lượng nhưng khi bị phát hiện thì lấy lý do là nhầm lẫn trong việc gửi hàng có xác nhận của người gửi để trốn tránh trách nhiệm. Hàng tạm nhập tái xuất vẫn có nguy cơ thẩm lậu vào thị trường nội địa chủ yếu là những mặt hàng cấm, có thuế suất cao…
Thực tế này đỏi hỏi việc thực thi chính sách chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả qua biên giới thời gian tới cần hướng tới những giải pháp bền vững.
Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp, vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài, bởi vì muốn chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả qua biên giới hiệu quả thì phải tổ chức xây dựng kế hoạch, phương án thực hiện mang tính khoa học, đồng bộ bám sát các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước với quyết tâm là đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả qua biên giới và tạo sự chuyển biến rõ nét trong lĩnh vực này.
Quá trình thực hiện cần phải phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân vào công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Nâng cao hiệu quả thực thi chính sách chống buôn lậu, gian lận thương mại qua biên giới
Để tạo được chuyển biến căn bản trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn cộng đồng và chống thất thu ngân sách nhà nước, thời gian tới các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt các nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó cần tập trung làm tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, tiến hành sắp xếp, tổ chức lại lực lượng kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả theo hướng chuyên sâu. Bởi vì, một trong những hạn chế của công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả qua biên giới trong thời gian qua chính là đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả chưa thực sự chuyên sâu, chuyên nghiệp, còn yếu về chuyên môn nghiệp vụ trinh sát bí mật, thu thập thông tin và đấu tranh chuyên án.
Do vậy, thời gian tới cần tiến hành sắp xếp, tổ chức lại lực lượng kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả theo hướng chuyên sâu. Trong đó, mục tiêu là phải xây dựng được đội ngũ nòng cốt, gồm những cán bộ, công chức giỏi nghiệp vụ, có tinh thần trách nhiệm và gắn bó với hoạt động kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Thứ hai, tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Nhiệm vụ phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả qua biên giới là nhiệm vụ chung của các cấp, các ngành, trong đó, cơ quan hải quan nắm vai trò chủ trì trong địa bàn hoạt động hải quan.
Tuy nhiên, quyền hạn của cơ quan hải quan trong việc tiến hành các hoạt động kiểm tra, khám xét, bắt giữ và xử lý các vụ vi phạm liên quan đến buôn lậu theo quy định của pháp luật hiện còn hạn chế, do địa bàn hoạt động của lực lượng hải quan chủ yếu là khu vực cửa khẩu. Vì vậy, việc tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng chính là sự bổ sung hợp lý và cần thiết để hỗ trợ cho lực lượng hải quan nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Thứ ba, cần có chính sách quan tâm thúc đẩy phát triển nền sản xuất trong nước, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị, máy móc, công nghệ hiện đại, ứng dụng thành tựu công nghệ mới vào trong sản xuất, giảm thiểu các chi phí để tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, đa dạng về mẫu mã với giá thành hợp lý để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường và dần dần thay thế hàng ngoại nhập.
Đặc biệt, cần có cơ chế khuyến khích ưu đãi đặc thù cho các doanh nghiệp đầu tư tới các vùng sâu, vùng xa, nhất là khu vực biên giới nhằm tạo công ăn việc làm ổn định cho đồng bào cư dân biên giới, góp phần hạn chế tình trạng tham gia vận chuyển hoặc tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu.
Thứ tư, tăng cường kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường, đảm bảo hàng hóa bày bán có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; Xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng hóa không có giấy tờ nguồn gốc; Xây dựng ý thức của người dân trong tiêu dùng, mua sắm có hóa đơn chứng từ giúp kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường…
Thứ năm, đẩy mạnh cung cấp thông tin liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến các mặt nguy hại của nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả rộng rãi trong nhân dân, tầng lớp cán bộ.
Thứ sáu, Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chủ trì, đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng bộ tiêu chí đánh giá kết quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các bộ, ngành, đoàn công tác liên ngành của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia…
Thứ bảy, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, nhất là trong các khâu bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật... Có quy định cụ thể để điều chuyển, thay thế, kỷ luật những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại…
Tài liệu tham khảo
1. Nghị quyết 41/NQ-CP về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới;
2. Quyết định 19/2016/QĐ-TTg ngày 6/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lâu, gian lận thương mại và hàng giả;
3. Kế hoạch 358/KH-BCĐ389 ngày 17/11/2016 về cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau tết Nguyên Đán Đinh Dậu 2017;
4. Quyết định số 1059/QĐ-BCT ngày 28/3/2017 phê duyệt Đề án Phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm đến năm 2020.