Giải pháp chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn
Những năm gần đây, hoạt động kinh doanh nhà hàng, khách sạn đã phát triển nhanh chóng. Bên cạnh những đóng góp tích cực, sự phát triển của hoạt động kinh doanh nhà hàng, khách sạn cũng đặt ra không ít thách thức đối với vấn đề quản lý thuế.
Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả tổng hợp, khái quát những đặc trưng cơ bản của lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn; Thực trạng chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh này, đồng thời, đưa ra quan điểm và đề xuất các giải pháp về chống thất thu thuế lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn trong thời gian tới.
Đặt vấn đề
Việt Nam có bờ biển dài 3.260 km với nhiều bãi biển, vịnh đẹp mà hiếm có nơi nào trên thế giới có được. Việt Nam được World Travel Awards bình chọn là điểm đến hàng đầu châu Á vào các năm 2018, 2019, 2021 với nhiều điểm đến nổi bật, đã khẳng định thương hiệu trên thế giới như Quảng Bình xếp thứ 8/52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới (New York Times 2014); Vịnh Hạ Long - điểm đến tham quan hàng đầu châu Á, Hội An - Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á, Vườn quốc gia Cúc Phương - Công viên quốc gia hàng đầu châu Á (World Travel Awards 2021); hệ thống các cơ sở lưu trú du lịch hiện đại và đạt nhiều giải thưởng uy tín trên thế giới.
Với tiềm năng và lợi thế này, du lịch Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng, thu hút được sự quan tâm của khách du lịch quốc tế với tốc độ tăng trưởng cao. Theo thống kê của ngành Du lịch, mỗi năm, Việt Nam đón hàng trăm triệu lượt khách. Tỷ lệ khách du lịch qua mỗi năm đều tăng trưởng cao hơn các năm trước, đi cùng với đó là nhu cầu sử dụng các dịch vụ tại địa phương cũng tăng lên như việc sử dụng các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng trên địa bàn.
Nguồn thu đóng góp cho ngân sách trong lĩnh vực này chiếm tỷ tương đối trọng rất nhỏ so với tổng số thuế, phí thu được hàng năm. Nguồn thu thuế từ lĩnh vực kinh doanh khách sạn, nhà hàng chưa tương xứng với quy mô nguồn lực đã đầu tư. Do vậy, việc nghiên cứu tình trạng thất thu thuế từ lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn và giải pháp chống thất thu thuế từ lĩnh vực này là rất cần thiết.
Thực trạng chống thất thu thuế từ lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống tại thời điểm 31/12 hàng năm đều tăng, cụ thể: Năm 2018 (27.553 doanh nghiệp), năm 2019 (29.780 doanh nghiệp, tăng 8,08%), năm 2020 (30.445 doanh nghiệp, tăng 2,23%). Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới gia nhập ngành vào năm 2018 (6.852 doanh nghiệp, tăng 8%), năm 2019 (6.709 doanh nghiệp, tăng 0,29%), năm 2020 (5.230 doanh nghiệp, giảm 22% do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19). Tỷ lệ khách du lịch qua mỗi năm đều đạt con số tăng trưởng cao hơn các năm trước. Tính chung cả năm 2019 đạt 18.008.591 lượt khách, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2018 (Tổng cục Thống kê).
Thực tế cho thấy, việc chống thất thu thuế nói chung và thất thu trong lĩnh vực trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn nói riêng rất khó khăn, phức tạp. Chủ trương “bán hàng phải cấp hoá đơn, mua hàng phải nhận hoá đơn” không được người bán và người mua hàng thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt ở lĩnh vực nhà hàng ăn uống, các dịch vụ vui chơi giải trí có nhiều phương thức tinh vi về kê khai giá phòng, khai báo thuế… Trong khi đó, tâm lý chung của người nộp thuế luôn muốn tối ưu hoá lợi nhuận, với họ càng đóng ít thuế càng tốt, vì vậy, việc chống thất thu thuế lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn qua quản lý hóa đơn và chống thất thu thuế lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn qua thanh tra, kiểm tra thuế quan trọng và phức tạp.
Một số tồn tại và hạn chế trong công tác chống thất thu khiến công tác này chưa thực sự hiệu quả cụ thể như sau:
Thứ nhất, lợi dụng giao dịch thông qua các trang thương mại điện tử như mạng xã hội Facebook, YouTube, Google..., các giao dịch thương mại điện tử diễn ra trên không gian mạng, ở mọi lúc, mọi nơi, vào tất cả các ngày trong tuần nên khó xác định đối tượng chịu thuế, đối tượng nộp thuế và giá trị để tính thuế; Các giao dịch mua bán thường không sử dụng hóa đơn, thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt hoặc qua hệ thống thanh toán quốc tế. Thương mại điện tử cho phép bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào có khả năng tiến hành hoạt động kinh doanh thường xuyên ở nước ngoài thông qua các trang website, máy chủ và nhà cung cấp dịch vụ internet mà không cần mở các chi nhánh kinh doanh. Từ đó, người nộp thuế kê khai không đúng số lượng khách, số lượng phòng đã được khách thuê; kê khai giá thuê phòng thấp hơn giá trị thực tế… Các vi phạm pháp luật về thuế của doanh nghiệp kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn chủ yếu tập trung vào đối tượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Đặc biệt, là vào mùa du lịch, các dịp lễ hội, giá phòng nghỉ đều được các cơ sở này thu tăng gấp nhiều lần, không đúng giá niêm yết, thế nhưng trong các hoá đơn thanh toán hoặc trong hạch toán kinh doanh nộp lại cho cơ quan thuế, doanh nghiệp vẫn kê khai với mức giá rất thấp. Tất cả các vi phạm này đều rất khó phát hiện và xử lý nếu lực lượng chức năng không bắt quả tang.
Thứ hai, trong lĩnh vực du lịch, do cơ chế chính sách nhà nước về việc nộp thuế theo đơn vị chủ quản nên nhiều đơn vị lữ hành dù đón khách và hoạt động du lịch trên tỉnh thành này nhưng lại nộp thuế ở tỉnh thành khác khiến ngân sách thành phố phần nào bị thất thu. Còn tại các cơ sở kinh doanh nhà hàng hiện nay, cơ quan Thuế khó điều tra cụ thể doanh thu thực tế chênh với doanh thu cơ sở kê khai bao nhiêu. Ngoài ra, tình trạng du khách không lấy hoá đơn, đặc biệt là những khách hàng đi theo hình thức hộ gia đình, cá nhân đã vô tình tiếp tay cho tình trạng trốn thuế, gây thất thu thuế…
Thứ ba, công tác phối hợp của cơ quan thuế với một số ngành chưa thực sự chặt chẽ, các ngành chưa chủ động cung cấp cho cơ quan thuế thông tin liên quan về quản lý thuế và chống thất thu thuế. Để xác định chính xác nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp, từ nhiều năm nay các Cơ quan Thuế đã thực hiện các chuyên đề chống thất thu thuế trong lĩnh vực này. Tổng cục Thuế cũng đã xây dựng Kế hoạch chi tiết triển khai công tác chống thất thu ngân sách nhà nước, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan rà soát, nắm chắc danh sách các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại trên địa bàn do các Cục Thuế quản lý. Tuy nhiên, tính hiệu quả còn thấp.
Thứ tư, việc quản lý thu thuế nhà thầu đối với các giao dịch thương mại xuyên biên giới như: mô hình cung cấp dịch vụ đặt phòng trực tuyến, mô hình du lịch, khách sạn trực tuyến cũng còn gặp nhiều khó khăn, do đây là giao dịch mới xuất hiện tại Việt Nam. Việc kiểm soát dòng tiền cũng không dễ dàng, cùng với sự phát triển của nền kinh tế số, thì những phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng rất đa dạng như: thanh toán qua ngân hàng, thanh toán điện tử, thanh toán ngang hàng (P2P), tiền điện tử, … và hệ thống thanh toán theo hình thức COD (trả tiền mặt khi giao hàng) cũng được áp dụng phổ biến.
Thứ năm, công tác tuyên truyền, hỗ trợ của cơ quan Thuế vẫn còn nhiều khó khăn như: lực lượng ít so với số lượng người nộp thuế cần tuyên truyền hướng dẫn nên chưa chủ động trong việc xây dựng nội dung tuyên truyền, giải pháp triển khai những chính sách thuế mới có thay đổi, bổ sung.
Thứ sáu, công tác thanh, kiểm tra thuế lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra chưa được xây dựng và thực hiện tốt, chưa nhận diện được những hành vi vi phạm nghiêm trọng. Công tác thanh tra, kiểm tra thuế lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn chưa tập trung lực lượng vào những đối tượng lĩnh vực hay xảy ra gian lận, tỷ lệ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh được thanh tra, kiểm tra còn thấp.
Giải pháp chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn
Từ các phân tích nêu trên, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp chống thất thu thuế từ lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn, giai đoạn hiện nay gồm:
Hoàn thiện chính sách quản lý thuế về thương mại điện tử đối với lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn
Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 từ cuối năm 2019 trở thành cơ hội “vàng” cho các sàn giao dịch thương mại điện tử như mạng xã hội Facebook, YouTube, Google... khi con người buộc phải giới hạn tiếp cận các giao dịch trao tay trực tiếp, thay đổi thói quen từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm trực tuyến. Theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ (quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế), ngân hàng thương mại và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam. Tuy nhiên, cần hoàn thiện chính sách quản lý thuế về thương mại điện tử đối với lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn cụ thể như sau:
Thứ nhất, bổ sung thêm quy định pháp luật đối với trách nhiệm của ngân hàng và trung gian thanh toán trong việc tính toán không đúng số thuế phải khấu trừ và nộp thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài chưa thực hiện đăng ký thuế tại Việt Nam.
Thứ hai, cần quy định pháp luật đối với tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử phải có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của cá nhân thông qua sàn theo yêu cầu của cơ quan Thuế như: Họ tên; số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu; mã số thuế; địa chỉ; email; số điện thoại liên lạc; hàng hoá, dịch vụ cung cấp; doanh thu kinh doanh; tài khoản ngân hàng của người bán; thông tin khác liên quan.
Thứ ba, quy định các ngân hàng thương mại và các tổ chức dịch vụ trung gian thanh toán phải chủ động cung cấp danh sách hồ sơ mở tài khoản, bảng sao kê tài khoản của các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, có giao dịch đáng ngờ, có phương thức thanh toán qua ngân hàng hoặc các tổ chức không phải là ngân hàng nhưng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho cơ quan thuế theo định kỳ.
Thứ tư, bổ sung các quy định nhằm minh bạch hóa thông tin trên các website thương mại điện tử, tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu các sàn giao dịch thương mại điện tử trong quản lý hoạt động thương mại điện tử trên sàn; quy định cụ thể về hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội và bổ sung nội dung về quản lý hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài.
Nâng cao năng lực quản lý thuế đối với việc chống thất thu thuế từ lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn
Cơ quan thuế thành lập Đội quản lý thuế chuyên trách về quản lý hoạt động thương mại điện tử, đặt phòng trực tuyến… bao gồm các chuyên gia công nghệ thông tin, các cán bộ thanh tra, kiểm tra có kinh nghiệm lâu năm. Nhiệm vụ chính của bộ phận này là phân tích xu hướng của các ngành nghề liên quan đến thương mại điện tử và các nghi vấn về trốn thuế; thu thập thông tin từ các nguồn khác nhau, các thông tin thu thập trực tiếp từ các trang web bán hàng của doanh nghiệp. Đồng thời, thường xuyên tổ chức tập huấn cho công chức kiểm tra ngành Thuế nắm vững các kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng phần mềm thương mại, nắm bắt tổng quan về hệ thống thông tin và kiến thức cơ bản về mạng, kỹ năng thanh kiểm tra trong lĩnh vực nhà hàng khách sạn.
Xây dựng kho dữ liệu của cơ quan thuế trên cơ sở kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành chức năng, tích hợp thông tin từ các trang mạng xã hội, các website bán hàng, các sàn giao dịch trực tuyến để đảm bảo có đầy đủ thông tin cần thiết phục vụ cho công tác quản lý.
Cơ quan thuế phối hợp với ngân hàng thương mại để truy xuất dòng tiền, thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định đảm bảo việc thu đúng và đủ đối với hoạt động kinh doanh này. Yêu cầu các ngân hàng cung cấp số tài khoản được sử dụng để thanh toán các giao dịch thương mại điện tử trong đó có đặt phòng trực tuyến, nhằm nhận diện các nhà cung cấp dịch vụ (tên, địa chỉ, thông tin cá nhân, giao dịch phát sinh doanh thu…).
Nâng cao nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của luật thuế đối với lĩnh vực nhà hàng, khách sạn
Thứ nhất, cần tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho cho đội ngũ cán bộ công chức chuyên trách, nâng cao năng lực quản lý trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn. Nâng cao công tác khai thác dữ liệu ứng dụng để thu thập, đối chiếu các thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó xác định các trường hợp còn thất thu thuế để thực hiện các biện pháp quản lý phù hợp. Từ đó, phân tích tỷ lệ lợi nhuận/Vốn chủ sở hữu so bình quân theo địa bàn, qui mô số phòng, chất lượng phòng, công suất phòng qua quan sát, nắm thông tin so doanh thu khai thuế đã gửi cơ quan Thuế.
Thứ hai, khi có đủ tài liệu chứng minh cơ sở kinh doanh kê khai chưa đúng doanh thu và số thuế phải nộp, còn thất thu thuế, tùy theo mức độ thất thu thuế sẽ tiến hành yêu cầu giám sát hồ sơ thuế tại cơ quan thuế và yêu cầu cơ sở kinh doanh giải trình kê khai bổ sung số thuế kê khai còn chưa đúng hoặc chuyển sang đưa vào kế hoạch kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế trường hợp phát hiện kê khai chưa đúng.
Thứ ba, thường xuyên thu thập các kênh thông tin từ bên ngoài và bên trong để xác định tình hình thực tế kinh doanh của từng cơ sở, làm căn cứ hỗ trợ cho công tác giám sát kê khai thuế. Thực hiện thống kê về kết quả kê khai thuế của cơ sở kinh doanh, phân tích nội dung kê khai về doanh số mua vào, bán ra, số thuế GTGT phải nộp, so sánh quy mô kinh doanh kết hợp với các thông tin đã thu thập chỉ ra những điểm còn bất hợp lý. Dựa trên cơ sở thông tin thu thập điều tra được chứng minh người nộp thuế chưa kê khai đúng doanh thu, mức thuế phải nộp, còn thất thu thuế để yêu cầu kê khai bổ sung thêm doanh thu, số thuế phải nộp phù hợp với quy mô sản xuất kinh doanh.
Nâng cao tính tuân thủ thuế của người nộp thuế
Chú trọng công tác tuyên truyền chính sách pháp luật trên các phương tiện thông tin về chính sách pháp luật thuế, chế độ hóa đơn chứng từ để nâng cao nhận thức và ý thức tự giác của các tổ chức, cá nhân trong việc kê khai, nộp thuế, tránh thất thu cho ngân sách nhà nước. Bảo đảm tất cả người nộp thuế hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số, các sàn giao dịch thương mại điện tử, các doanh nghiệp hoạt động trung gian đều được tiếp cận, nắm rõ chính sách, pháp luật thuế có liên quan để tự nguyện thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế đúng thời hạn quy định.
Tổ chức đối thoại, hướng dẫn, đề nghị các cơ sở kinh doanh dịch vụ dịch vụ lưu trú ký cam kết thực hiện đúng các quy định về chế độ hóa đơn chứng từ khi bán hàng phải xuất hóa đơn, ghi chép hóa đơn, sổ sách rõ ràng kịp thời. Hướng dẫn thêm xuất hóa đơn ghi thêm số/mã phòng (ghi thêm sau đơn giá) và thuê từ ngày nào đến ngày nào (ghi thêm sau số lượng) vào nội dung hóa đơn.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh lĩnh vực nhà hàng, khách sạn; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình không thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định. Đối với các trường hợp gian lận, trốn thuế, tùy theo mức độ vi phạm, cơ quan thuế sẽ thực hiện chuyển hồ sơ qua cơ quan cảnh sát điều tra để thực hiện điều tra xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể tham gia chống thất thu thuế
Thứ nhất, cơ quan thuế phối hợp với ban ngành để kiểm tra liên ngành đối với cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp giữa cơ quan Thuế với các ngân hàng, các cơ quan quản lý chuyên ngành và các tổ chức quốc tế trong việc trao đổi các thông tin về quản lý thuế, nhằm kiểm soát chặt chẽ việc kê khai, nộp thuế của tổ chức, cá nhân kinh doanh nhà hàng, khách sạn khi phát sinh thu nhập từ các giao dịch điện tử.
Thứ hai, ngành Thuế cũng đề nghị Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường các tỉnh phối hợp, trao đổi và cung cấp thông tin về các tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử nhưng chưa kê khai nộp thuế được phát hiện trong quá trình theo dõi, quản lý của Ngành.
Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn cung cấp thông tin cho ngành thuế liên quan đến giao dịch ngân hàng của các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử …
Tài liệu tham khảo:
1. Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) (4/2020), “Trốn và tránh thuế ở Việt Nam trường hợp Thuế Thu nhập doanh nghiệp”;
2. Lê Thị Diệu Huyền (tháng 9/2020), “Các yếu tố ảnh hưởng đến việc tuân thủ thuế điện tử của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam”, Tạp chí Kinh tế và Kinh doanh châu Á;
3. Tô Văn Tuấn năm (2020), Giải pháp chống thất thu thuế Thu nhập doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hải Phòng;
4. Nguyễn Ngọc Hùng (2015), “Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp khắc phục thất thu thuế ở Việt Nam”, tham luận tại hội thảo bộ môn thuế trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh;
5. Nguyễn Thị Loan và cộng sự (2020), “Các yếu tố ảnh hưởng đến việc không tuân thủ thuế thu nhập doanh nghiệp: Một nghiên cứu điển hình ở Việt Nam,” Tạp chí Tài chính, Kinh tế và Kinh doanh châu Á.