Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc:
Ngành Thuế phải đặt quyết tâm cao, thực hiện quyết liệt, hiệu quả giải pháp quản lý thuế năm 2023
Chiều ngày 15/12/2022, tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả toàn ngành Thuế đã đạt được trong năm 2022.
Nhiều dấu ấn nổi bật của ngành Thuế năm 2022
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vui mừng thông báo, năm 2022, ngành Tài chính có đóng góp to lớn cho việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của Đất nước. Cơ cấu thu ngân sách có những chuyển biến tích cực, ước tính đến 12/12/2022, ngành Tài chính đã thu đạt 1.681 nghìn tỷ đồng, vượt dự toán khoảng 19%. Trong đó, số thu của ngành Thuế quản lý ước đạt 1.460 nghìn tỷ đồng.
"Đây là một trong những thành công rất lớn của ngành Thuế trong năm qua. Nhất là trong bối cảnh Quốc hội, Chính phủ áp dụng các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, ước thực hiện hỗ trợ miễn giảm thuế, phí trong năm 2022 là 233 nghìn tỷ đồng", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, có được kết quả trên là nhờ sự điều hành linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự ủng hộ, tham gia chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Bộ Tài chính, của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ cơ quan thuế các cấp triển khai hiệu quả các chính sách tài khóa tiền tệ, công tác xử lý nợ, quản lý chống thất thu ngân sách...
Bên cạnh đó, ngành Thuế đã triển khai đồng bộ, nhiều giải pháp thực hiện chuyển đổi số góp phần thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia theo chủ trương của Đảng, Chính phủ.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc ghi nhận một số kết quả nội bật mà ngành Thuế đã đạt được trong năm qua. Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh đến số thu nội địa tăng cao; số thu từ nhà đất tăng 41% so với cùng kỳ năm 2021; Thực hiện thành công hóa đơn điện tử, Chương trình Hóa đơn may mắn; đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế vào ngân sách Việt Nam...
Đặc biệt, tại Hội nghị hôm nay, ngành Thuế đã chính thức kích hoạt vận hành Cổng thông tin điện tử kết nối dữ liệu với Sàn thương mại điện tử; triển khai Hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trên toàn quốc.
Qua đó, cơ quan thuế xây dựng cơ sở dữ liệu để nâng cao hơn nữa công tác quản lý thuế đối với các sàn thương mại điện tử, các tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh qua sàn; đồng thời Cổng cũng có chức năng hỗ trợ các hộ, cá nhân này thực hiện kê khai, nộp thuế trực tiếp vào ngân sách nhà nước.
Hệ thống hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền trên toàn quốc là loại hình hóa đơn áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh, mua bán hàng hóa trực tiếp đến tay người tiêu dùng như: siêu thị, nhà hàng ăn uống, cửa hàng tiện ích…
Tiếp tục tập trung thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế
Năm 2023, dự báo kinh tế thế giới tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn khi mà các rủi ro, bất ổn toàn cầu gia tăng, đặc biệt là rủi ro về tài chính, tiền tệ; Thách thức, áp lực từ sức ép lạm phát tăng cao; Xung đột địa chính trị leo thang làm gián đoạn, đứt gãy nguồn cung... Những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường khiến kinh tế nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Trong bối cảnh đó, ngành Thuế tiếp tục đối mặt với những áp lực lớn trong việc hoàn thành vượt mức dự toán thu năm 2023 khi phải tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế trong Chương trình hồi phục, phát triển kinh tế - xã hội...
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ công tác thuế năm 2023, đặc biệt là nhiệm vụ thu ngân sách được Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính giao, toàn ngành Thuế phải đặt quyết tâm cao, thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ nhiều giải pháp quản lý thuế.
Cơ bản thống nhất với các nhóm nhiệm vụ và giải pháp Tổng cục Thuế đã đề ra, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu toàn ngành Thuế cần tập trung triển khai ngay các công việc ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2023, nhằm hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN được giao; quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thu, thu hồi nợ thuế, thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra cần chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện phân tích dữ liệu, đánh giá rủi ro, xác định sai phạm trọng yếu nâng cao hơn nữa hiệu quả thanh tra, kiểm tra; tăng cường đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, bố trí cán bộ năng lực tốt, tính chuyên nghiệp cao thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra.
Tiếp tục triển khai điện tử hóa, số hóa các khâu nghiệp vụ quản lý thuế, trọng tâm là hóa đơn điện tử. Trong đó, tập trung xây dựng trung tâm dữ liệu lớn về hóa đơn điện tử; sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích, đối soát dữ liệu hóa đơn điện tử, quản lý hóa đơn, quản lý rủi ro; đặc biệt là phòng chống gian lận về hóa đơn điện tử.
Tại Hội nghị Bộ trưởng cũng yêu cầu ngành Thuế tập trung hoàn thành Cổng thông tin nộp thuế điện tử bất động sản; Tiếp tục triển khai hiệu quả, thành công Cổng thông tin kết nối dữ liệu với các sàn thương mại điện tử; Nghiên cứu, tăng cường hơn nữa việc kết nối liên thông dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước; Tiếp tục chú trọng tuyên truyền sâu rộng chính sách thuế, nâng cao nhận thức pháp luật cho người nộp thuế...
Phát biểu đáp lời Bộ trưởng Bộ Tài chính, thay mặt ban lãnh đạo Tổng cục Thuế, Phó Tổng cục trưởng Phi Vân Tuấn trân trọng cảm ơn và tiếp thu triệt để những ý kiến chỉ đạo, quán triệt của đồng chí Bộ trưởng; nhất là những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý thuế và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung triển khai thực hiện trong năm 2023.
Phó Tổng cục trưởng Phi Vân Tuấn khẳng định, để hoàn thành thắng lợi, toàn diện nhiệm vụ công tác thuế năm 2023, Tổng cục Thuế đã đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm và 22 nhóm giải pháp để triển khai thực hiện.
Ngay sau Hội nghị này, Tổng cục Thuế sẽ cụ thể hoá thành các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện xuyên suốt, thống nhất, đồng bộ trong toàn hệ thống thuế, trong đó tập trung các giải pháp trọng tâm để hoàn thành các nhiệm vụ mà đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài chính đã giao. Trong đó, tập trung phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính giao năm 2023. Tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, thu hồi nợ thuế, thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách.
Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả các gói chính sách, giải pháp về thuế để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, nhanh chóng phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo tiền đề tăng thu cho NSNN; Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhóm giải pháp về hóa đơn điện tử; Tập trung xây dựng trung tâm dữ liệu lớn về hóa đơn điện tử, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích, đối soát dữ liệu...
Triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và Chương trình hành động triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và kế hoạch 5 năm đã được Bộ Tài chính phê duyệt; Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử; Tiếp tục vận hành hiệu quả Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, tạo nguồn tăng thu cho ngân sách Nhà nước.
"Toàn ngành Thuế sẽ tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương nội ngành, nâng cao tinh thần trách nhiệm, văn hóa công sở của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ theo đúng tinh thần Bộ trưởng đã quán triệt", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Văn Tuấn nhấn mạnh.