Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo Việt Nam


Việt Nam là quốc gia có nền nông nghiệp lâu đời. Lúa gạo không chỉ đảm bảo cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, mà còn là thế mạnh xuất khẩu, đóng góp lớn vào GDP của quốc gia. Bài viết nghiên cứu về tình hình xuất khẩu gạo thời gian qua, những cơ hội và thách thức trong thời gian tới, đưa ra một số giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

Tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam

Sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo giai đoạn 2019-2021

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan và của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), xét theo kim ngạch xuất khẩu, kể từ năm 2001, Việt Nam là 1 trong số 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Trong năm 2020, sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam chiếm 12,75% thị phần xuất khẩu gạo thế giới, đứng sau Ấn Độ (35,61%) và Thái Lan (15,1%).

Giai đoạn 2020-2021, hoạt động xuất khẩu nói chung và xuất khẩu gạo nói riêng gặp không ít khó khăn thách thức do tác động phức tạp của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, các số liệu thống kê cho thấy, sản lượng xuất khẩu gạo các năm biến động không nhiều so với trước đó, trong khi giá trị xuất khẩu tăng rõ rệt.

Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo Việt Nam - Ảnh 1

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, giá gạo xuất khẩu năm 2020 tăng mạnh, nên mặc dù sản lượng xuất khẩu giảm 0,121 triệu tấn (giảm xấp xỉ 1,9% so với năm 2019) nhưng giá trị xuất khẩu vẫn tăng 0,366 tỷ USD (tương đương với tỷ lệ tăng 13,3% so với năm 2019).
Thị trường xuất khẩu

Việt Nam xuất khẩu gạo sang 79 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Châu Á và châu Phi là 2 khu vực xuất khẩu gạo chính, lần lượt chiếm 67,68% và 21,59% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2019. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong suốt giai đoạn 2012-2018. Tuy nhiên, giai đoạn 2019-2021, Philippines đứng thứ nhất về thị phần xuất khẩu gạo của Việt Nam (chiếm xấp xỉ 33,9% thị phần xuất khẩu).

Các thị trường xuất khẩu gạo truyền thống khác của Việt Nam bao gồm Bờ Biển Ngà, Malaysia, Ghana, có thị phần dao động trong khoảng 8,74-10,38% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam. Những năm gần đây, Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường châu Âu, tuy nhiên thị phần này chỉ chiếm khoảng 1% tổng sản lượng xuất khẩu.

Chủng loại gạo xuất khẩu

Định hướng về xuất khẩu gạo Việt Nam là giảm dần những hợp đồng xuất khẩu với khối lượng lớn nhưng giá trị thấp, tăng dần những hợp đồng thương mại với lượng nhỏ nhưng giá trị cao. Mục đích là để ngành sản xuất lúa gạo giảm dần sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Malaysia và phát triển mạnh sang thị trường khó tính có giá trị cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Mỹ, Singapore.

Chính vì thế, những năm gần đây, Việt Nam đang cơ cấu lại chủng loại gạo xuất khẩu, theo hướng nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu. Kể từ năm 2018 đến nay, loại gạo trắng đã giảm còn 51% tổng giá trị gạo xuất khẩu, gạo Jasmine và gạo thơm các loại đã tăng lên 32%, gạo dẻo các loại chiếm 12% và gạo hạt tròn (Japonica) chiếm khoảng 5%. Đặc biệt, các loại gạo chất lượng thấp chỉ chiếm 2%.

Đến năm 2020, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 45,1% tổng kim ngạch, đạt 2,76 triệu tấn; gạo jasmine và gạo thơm chiếm 26,8%, đạt 1,64 triệu tấn; gạo tấm: chiếm 13,65%, đạt 834,4 nghìn tấn; gạo nếp chiếm 8,9% đạt 547,9 nghìn tấn; gạo japonica và gạo giống Nhật chiếm 4,2%.

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam hướng mục tiêu đến năm 2030, 50% lượng gạo xuất khẩu sang châu Á, 25% xuất sang châu Phi, 10% đến châu Mỹ... Trong đó, gạo trắng chỉ chiếm 25%, các loại gạo thơm và đặc sản chiếm đến 40%, gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo có hàm lượng dinh dưỡng cao chiếm trên 10%.

Cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam

Cơ hội

Việt Nam có nhiều cơ hội tốt để đẩy mạnh xuất khẩu gạo:

Một là, lúa gạo là lương thực thiết yếu, thị trường xuất khẩu thuận lợi hơn sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, Việt Nam có thế mạnh là nước nông nghiệp.

Đại dịch COVID-19 và gần đây là những bất ổn trên toàn cầu do cuộc xung đột vũ trang giữa Nga – Ukraine đã khiến nhu cầu dự trữ đối với những mặt hàng thiết yếu như lúa gạo tăng cao. Sản xuất lúa gạo phụ thuộc vào đặc điểm địa hình và khí hậu của mỗi quốc gia, Việt Nam là quốc gia có nền nông nghiệp lâu đời, các nhà nghiên cứu, người dân với kinh nghiệm trồng lúa lâu năm đã nghiên cứu ra nhiều giống lúa có chất lượng cao. Thị trường xuất khẩu gạo được dự báo là sẽ thuận lợi hơn trong năm 2022. Nguyên nhân là do nhiều thị trường đang hồi phục sau đại dịch COVID-19, nhiều chuỗi cung ứng vốn từng bị đứt gãy do đại dịch, cũng đang được kết nối lại giúp cho sức mua bán tăng lên.

Hai là, việc ký kết các hiệp định thương mại giúp quảng bá thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Việt Nam đã mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thông qua các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được ký gần đây đã và đang giúp gạo Việt Nam được biết đến nhiều hơn, thị trường xuất khẩu gạo dần mở rộng sang các thị trường tiêu dùng gạo cao cấp, gạo đặc sản, góp phần gia tăng giá trị cho gạo Việt Nam.

Thách thức

Bên cạnh những cơ hội thì hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn:
- Yêu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao, thị trường cạnh tranh gay gắt: Công nghệ khoa học phát triển, các quốc gia đã áp dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa gạo nhằm nâng cao năng suất và chất lượng gạo. Điều này khiến thị trường lúa gạo bị cạnh tranh rất gay gắt, đặc biệt là trên các thị trường khó tính như châu Âu.

- Chất lượng gạo xuất khẩu thấp, giá cả chưa cạnh tranh: Chất lượng gạo xuất khẩu còn thấp, tỷ lệ gạo trên 15% tấm còn chiếm tới 36%. Theo số liệu thống kê, đa phần người dân vẫn tự để giống lúa cho vụ sau, ở Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có khoảng 35-40% số hộ dân sử dụng giống lúa có xác nhận hoặc có chất lượng tương đương. Ngoài ra, thương lái thu mua vẫn trộn lẫn các loại gạo với nhau, khiến chất lượng gạo không đồng nhất, ảnh hưởng đến giá cả và gây khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu gạo.

- Hạn chế về liên kết tiêu thụ: Doanh nghiệp tham gia vào các hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ít về số lượng, quy mô nhỏ, năng lực hạn chế, do đó các hợp đồng liên kết hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng.

- Thiếu công nghệ chế biến sâu các sản phẩm từ hạt gạo: Cơ sở hạ tầng, công nghệ phục vụ bảo quản, chế biến nông sản thiếu, làm tăng tổn thất và giảm chất lượng trong quá trình bảo quản. Công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ gạo chưa phát triển đồng đều, nhất là các sản phẩm phụ chưa được chế biến để nâng cao giá trị gia tăng.

Giải pháp tăng cường hiệu quả xuất khẩu gạo của Việt Nam

Để nâng cao khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu gạo, đặc biệt là phát huy tiềm năng, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng gạo, xây dựng thương hiệu gạo đặc trưng trên thị trường thế giới. Cụ thể:

Thứ nhất, nghiên cứu giống lúa mới có phẩm chất tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu, hoàn thiện quy trình sản xuất lúa gạo đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Nhà nước, các doanh nghiệp cần có chính sách hỗ trợ cho các nhà khoa học, các trung tâm thực nghiệm để nghiên cứu ra các giống lúa mới có chất lượng. Việc chọn tạo giống mới hướng tới nhu cầu của thị trường; các doanh nghiệp xuất khẩu cần căn cứ vào thị trường của mình để đặt hàng trực tiếp các đơn vị nghiên cứu, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp xuất khẩu và các viện nghiên cứu, để các giống lúa sản xuất ra đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Ngoài ra, việc nghiên cứu các giống lúa cũng cần chú trọng tới các tác động của biến đổi khí hậu, ví dụ như ở Thái Lan, tình trạng hạn hán kéo dài đã làm giảm năng suất sản xuất lúa đáng kể.

Bên cạnh đó, cần xây dựng quy trình sản xuất lúa gạo hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế (SRP), để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các quốc gia phát triển. Đây là bộ tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững có tiêu chí nhấn mạnh các yếu tố kinh tế - xã hội, môi trường và 8 vấn đề bảo đảm sản xuất lúa gạo bền vững như: Quản lý tốt đồng ruộng, sử dụng nguồn tài nguyên nước hợp lý, quản lý sâu bệnh, quản lý dinh dưỡng, giảm thất thoát sau thu hoạch, bộ tiêu chuẩn coi trọng an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn sức khỏe cho người lao động, người tiêu dùng.

Thứ hai, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Các chuyên gia, kỹ sư nông nghiệp cần hỗ trợ cho người nông dân để thay đổi tập quán sản xuất truyền thống, sử dụng hạt giống do hệ thống chính thống cung cấp, tuân thủ theo quy trình sản xuất khoa học từ khâu làm đất, chọn giống, gieo hạt, chăm sóc đến thu hoạch và chế biến, bảo quản để có thể cung ứng cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo những sản phẩm có chất lượng, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Việc xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, hình thành từng vùng nguyên liệu và mỗi vùng chỉ sản xuất chuyên biệt một loại giống, việc trồng lúa mang tính chất thống nhất đồng bộ cần có sự tham mưu, hướng dẫn cho người dân từ các kỹ sư nông nghiệp.

Bên cạnh đó, cần phối hợp giữa các cơ quan chức năng để kiểm tra chất lượng gạo xuất khẩu, mỗi lô gạo xuất khẩu cần có tên giống cụ thể, đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế đặc biệt là các chỉ số an toàn cho người tiêu dùng.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng gạo, Việt Nam cũng cần chú ý phát triển thị trường theo hướng duy trì thị trường truyền thống và đồng thời phát triển thị trường mới, đặc biệt, khi nhiều nước nhập khẩu châu Á và châu Phi có xu hướng phát triển đảm bảo tự túc lương thực. Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế điều hành xuất khẩu và quản lý hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo, tạo thuận lợi cho thương nhân tham gia xuất khẩu gạo. Cùng đàm phán mở cửa và phát triển thị trường thông qua các hiệp định thương mại tự do với các nước và khu vực trên thế giới, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hiểu những quy định trong các hiệp định đó để có thể tận dụng được tối đa các ưu đãi theo hiệp định; nghiên cứu thị trường nhập khẩu để nắm rõ yêu cầu của nước nhập khẩu đối với sản phẩm gạo.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần tích cực trong các hoạt động xúc tiến thương mại thông qua việc tuyên truyền, quảng cáo sản phẩm trên website của doanh nghiệp, tham gia các hội chợ, triển lãm, thành lập văn phòng đại diện ở nước ngoài, tham gia các sàn giao dịch nông sản… để người tiêu dùng nước ngoài có nhiều cơ hội biết đến gạo Việt Nam hơn, đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu thế giới, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

Tài liệu tham khảo:

  1. Hải quan Việt Nam: https://www.customs.gov.vn/.
  2. Tổng cục thống kê: http://www.gso.gov.vn.
  3. USDA: https://www.fas.usda.gov/data/grain-world-markets-and-trade.

 

* Lê Thị Thu - Trường Đại học Hà Tĩnh

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 6/2022