Việt Nam đang có lợi thế giành ngôi vị á quân về xuất khẩu gạo

Theo Vũ Long/laodong.vn

Sau Ấn Độ, vị trí á quân về xuất khẩu gạo đang ở thế giằng co giữa Việt Nam và Thái Lan. Tuy nhiên, gạo Việt đang có nhiều lợi thế hơn.

Dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam lạc quan trong cả năm 2022. Ảnh: T.Long
Dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam lạc quan trong cả năm 2022. Ảnh: T.Long

Vị trí á quân đang nghiêng về gạo Việt

Với lợi thế chuyên xuất khẩu gạo phẩm cấp thấp và trung bình, hiện nay xuất khẩu gạo của Ấn Độ vẫn đang giữ vị trí quán quân. Vị trí á quân đang giằng co giữa gạo Việt Nam và Thái Lan. Tuy nhiên, các thương nhân xuất khẩu gạo cho rằng, gạo Việt có chất lượng ổn định, giá cao hơn đang khẳng định giá trị và thương hiệu gạo Việt Nam đã “chuyển mình” sau nỗ lực tái cơ cấu mạnh mẽ của ngành lúa gạo. Do vậy, lợi thế về vị trí xuất khẩu gạo thứ 2 đang có xu hướng nghiêng về gạo Việt Nam.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và Pakistan đang có nhiều phiên giảm sâu và trong tuần này đã tụt xuống khỏi ngưỡng 400 USD/tấn đối với cả 3 loại gạo 5%, 25% và 100% tấm, trong khi giá gạo của Việt Nam ổn định và đang ở mức cao nhất trong nhóm 4 nước xuất khẩu gạo truyền thống là Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan.

Chất lượng gạo Việt đang chinh phục thị trường thế giới. Ảnh: V.Long
Chất lượng gạo Việt đang chinh phục thị trường thế giới. Ảnh: V.Long

Ngày 25/7/2022, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam ở mức 418 USD/tấn, cao hơn gạo Thái Lan 21 USD/tấn, giá gạo 25% tấm của Việt Nam cao hơn gạo Thái Lan 4 USD/tấn, gạo 100% tấm của Việt Nam cao hơn gạo Thái Lan 9 USD/tấn.

Số liệu thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt mức 3,5 triệu tấn, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh các thị trường cao cấp như Mỹ, Châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, thì Philippines vẫn là thị trường tiềm năng nhất của gạo Việt. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Philippines tiếp tục là thị trường dẫn đầu, chiếm 49,89% tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước. Sở dĩ xuất khẩu gạo sang Philippines giữ được ngôi vị quán quân bởi trong tháng 5/2022, Bộ Nông nghiệp Philippines chính thức cấp lại giấy phép kiểm dịch thực vật SPS-IC cho các thương nhân nhập khẩu gạo.

Bên cạnh thị trường Philippines, các thị trường Trung Quốc, Châu Phi và Cuba cũng rất ổn định đã góp phần thúc đẩy xuất khẩu gạo trong quý 2 và 6 tháng đầu năm 2022 rất lạc quan. 

Triển vọng xuất khẩu gạo lạc quan

Về triển vọng xuất khẩu gạo trong thời gian tới, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, khi nhu cầu gạo từ Philippines ngày càng tăng, cùng với nhu cầu nhập khẩu trở lại từ Trung Quốc. Hơn nữa, giá phân bón đang có xu hướng giảm sẽ là “điểm cộng” để tăng lợi thế cạnh tranh cho gạo Việt khi giá thành sản xuất giảm xuống.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, từ đầu năm 2022, cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đã diễn ra do hậu quả của đại dịch COVID-19, căng thẳng giữa Nga - Ukraine và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, hơn nữa, sự gia tăng mạnh mẽ của giá lúa mì trong giai đoạn tháng 6/2020 và tháng 5/2022 đã dẫn đến xu hướng sử dụng một số thực phẩm bằng gạo có giá thành rẻ hơn để thay thế lúa mì. Do đó, nhu cầu gạo toàn cầu đã tăng mạnh trong nửa đầu năm 2022.

Đây chính là lợi thế để dư địa xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể tăng mạnh hơn tại nhiều thị trường, kể cả những thị trường ít có thói quen sử dụng gạo như EU.

VDSC kỳ vọng sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm dựa trên ba nguyên nhân chính:

Thứ nhất, nhu cầu nhập khẩu từ Philippines - nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng do giá lúa mì tăng cao.

Bên cạnh đó, sản lượng gạo sản xuất của Philippines được dự báo đi ngang (tăng 2% so với cùng kỳ theo dự báo của USDA) đã thúc đẩy hoạt động nhập khẩu. Do đó, với tỉ lệ chiếm hơn 80% tổng thị phần xuất khẩu gạo vào Philippines trong giai đoạn 2021-2022, gạo Việt Nam sẽ được hưởng lợi.

Thứ hai, Trung Quốc - nhà nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam dự kiến sẽ quay trở lại nhập khẩu gạo nhiều hơn trong nửa cuối năm 2022 sau một thời gian bị kìm hãm bởi chính sách “Zero COVID”, nguồn gạo của các doanh nghiệp nhập khẩu về dự trữ đang vơi dần. Hơn nữa, do các hạn chế nghiêm ngặt đối với việc di chuyển trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã gây ra gián đoạn hoạt động sản xuất nông nghiệp khiến nhu cầu nhập khẩu tăng lên.

Thứ ba, xuất khẩu gạo sang châu Âu dự kiến sẽ tăng mạnh nhờ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Theo cam kết trong EVFTA, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch xuất khẩu 80.000 tấn gạo/năm.