Giải pháp để đầu tư phát triển ngành Điện hiệu quả
(Taichinh) - Những năm qua, tốc độ tiêu thụ điện của Việt Nam ngày càng tăng cao và có xu hướng gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP. Do đó, cần có một cái nhìn tổng quan về đầu tư phát triển ngành Điện Việt Nam để tìm ra các giải pháp đầu tư hiệu quả, khắc phục những khó khăn, hạn chế nhằm phát triển ngành Điện lực Việt Nam đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế trong tình hình mới.
Thực tế đầu tư phát triển hệ thống điện ở Việt Nam
Trong những năm qua, với nhiệm vụ quan trọng là cung cấp năng lượng điện cho mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngành Điện đã có những bước phát triển nhanh và đã đạt được những thành tích khá ấn tượng. Cụ thể, số vốn đầu tư cho ngành Điện để phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội tăng mạnh qua các năm. Năm 2011, số vốn đầu tư cho ngành Điện là 43.146 tỷ đồng, năm 2012 là 54.404 tỷ đồng, năm 2013 là 75.973 tỷ đồng. Theo quy hoạch phát triển hệ thống điện Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, đầu tư thuần trong ngành Điện giai đoạn 2011 – 2015 là 244.390 tỷ đồng, trong đó tổng nhu cầu đầu tư của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là 192.826 tỷ đồng, đầu tư ngoài EVN là 51.565 tỷ đồng. Dự kiến, tổng số vốn đầu tư thuần trong giai đoạn 2016 – 2020 là 305.331 tỷ đồng, trong đó riêng EVN có số vốn đầu tư là 255.822 tỷ đồng; đầu tư ngoài EVN là 49.809 tỷ đồng.
Thực tế trên cho thấy, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển ngành Điện để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhờ có số vốn đầu tư này mà tổng điện năng sản xuất thời gian qua đã có bước tăng trưởng vượt bậc, trung bình tốc độ tăng đạt khoảng 14%/năm.
Trong thời gian tới, cơ cấu nguồn điện Việt Nam vẫn tiếp tục có thay đổi và nghiêng hẳn về nhiệt điện và tua bin khí, với hàng loạt các dự án lớn như nhiệt điện Quảng Ninh (1.200 MW), Hải Phòng (1.200 MW), Vũng Áng (600 MW), Ô Môn (600 MW), Cà Mau hoàn chỉnh (1.400 MW), Nhơn Trạch (450 MW), Nghi Sơn (1.200 MW), Mông Dương (2.200 MW), Than miền Nam (hơn 3.000 MW), tuốc bin khí hỗn hợp Bình Thuận (1.500 MW), tuốc bin khí hỗn hợp miền Nam (1.500 MW)… được đưa vào hoạt động.
Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia và xây dựng, vận hành các nhà máy điện lớn. Các nhà máy điện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, do đó tất cả các công trình này Nhà nước đều giao cho EVN đầu tư, quản lý và vận hành khai thác. Trong những năm qua, EVN đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng các nhà máy điện và hệ thống lưới điện trên khắp cả nước, vì mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất và truyền tải điện năng. Do các công trình điện được đầu tư mở rộng kịp thời, điện năng được phân phối rộng khắp và giảm đáng kể số giờ cao điểm phải cắt điện nên đã phục vụ ngày càng tốt hơn đời sống người dân và vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bên cạnh những thành quả nói trên, hoạt động đầu tư phát triển ngành Điện gặp phải một số khó khăn, hạn chế sau:
Một là, chưa đáp ứng đủ vốn cho hoạt động đầu tư phát triển
Nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển ngành Điện lực ở Việt Nam là rất lớn, trong khi khả năng đáp ứng nhu cầu này còn hạn chế. Trong giai đoạn 2000 - 2014, theo tính toán sơ bộ của EVN, số vốn thực tế mà Tập đoàn này đã huy động được cho hoạt động đầu tư là 463.894 tỷ đồng, đạt khoảng 74% nhu cầu. Do huy động không đủ số vốn đầu tư cho dự án, nên nhiều dự án đầu tư do Tập đoàn tham gia bị chậm tiến độ phải giãn, hoãn tiến độ.
Hai là, cơ cấu vốn đầu tư cho nguồn và lưới điện chưa hợp lý
Cơ cấu vốn đầu tư của ngành Điện bao gồm vốn đầu tư cho nguồn điện, lưới điện và cho các công trình khác. Đầu tư cho nguồn điện nhìn chung đã được chú trọng (thể hiện qua số vốn đầu tư cho nguồn điện luôn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng vốn đầu tư). Trong cơ cấu nguồn điện thì đầu tư cho nhiệt điện vẫn được chú trọng, trong khi nguồn than trong nước ngày càng cạn kiệt. Tuy nhiên, đầu tư cho thuỷ điện (nhất là thuỷ điện vừa và nhỏ) cũng có những hạn chế, đó là hủy hoại môi trường, phá rừng, tiềm ẩn nguy cơ xả lũ gây ngập lụt (như trường hợp thuỷ điện A Vương Quảng Nam năm 2009). Đặc biệt, vốn đầu tư cho lưới điện vẫn chưa đáp ứng được so với nhu cầu dẫn đến tình trạng bị quá tải ở nhiều khu vực.
Ba là, quá trình xây dựng các công trình lưới điện còn nhiều bất cập
Một số dự án lưới điện 220 - 110 kV do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới tiến độ và vận hành bị chậm, ảnh hưởng đến việc cung cấp điện cho phụ tải, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tại một số khu vực có công nghiệp phát triển quá nóng có khá nhiều đường dây và trạm biến áp 110 kV bị quá tải, phải tiết giảm phụ tải nhất là vào giờ cao điểm.
Bốn là, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn của dự án còn chậm
Mặc dù các chủ đầu tư luôn báo cáo thiếu vốn nhưng có một thực tế là công tác giải ngân của các dự án vẫn còn chậm và các dự án thường giải ngân nhiều vào cuối quý III hoặc quý IV hàng năm. Có một số dự án không sử dụng hết vốn phải bỏ vốn hoặc xin kéo dài thanh toán sang năm sau gây khó khăn cho công tác quản lý vốn đầu tư.
Năm là, công tác quyết toán vốn dự án còn chậm
Có nhiều trường hợp công trình, dự án điện đã hoàn thành đưa vào sử dụng trong nhiều năm, thậm chí có trường hợp đã có hỏng hóc và phải cải tạo sửa chữa rồi nhưng vẫn chưa làm xong thủ tục quyết toán công trình. Ví dụ như công trình đường dây 110KV Sơn La - Tuần Giáo - Điện Biên đóng điện gần 2 năm, đã bàn giao cho đơn vị quản lý vận hành nhưng vẫn chưa quyết toán được do chưa đủ thủ tục pháp lý.
Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp
Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngành Điện cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường huy động vốn đầu tư cho phát triển ngành Điện
Từng bước tăng khả năng huy động tài chính nội bộ trong các DN ngành Điện thông qua việc nâng cao hiệu quả, hiệu suất hoạt động, đảm bảo có tích luỹ, đảm bảo tỷ lệ vốn tự có cho đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, các tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong ngành Điện có tín nhiệm tài chính cao phải giảm chi phí huy động vốn cho các dự án điện, tự huy động vốn không cần hỗ trợ bảo lãnh Chính phủ. Đồng thời, tăng cường huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính phủ trong và ngoài nước để đầu tư vào các công trình điện.
Ngoài ra, các DN nhà nước cần tăng vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng ngành Điện; Thúc đẩy hoạt động liên doanh trong nước và nước ngoài nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư; Tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức, vốn vay thương mại nước ngoài, tín dụng người cấp hàng... để phát triển ngành Điện.
Thứ hai, đầu tư đồng bộ nguồn và lưới điện
Ngành Điện cần tập trung đầu tư phát triển đồng bộ nguồn và lưới điện theo hướng hiện đại. Phát triển thuỷ điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí, điện hạt nhân kết hợp trao đổi, liên kết lưới điện với các nước trong khu vực. EVN chỉ đầu tư những công trình phát điện có công suất từ 100MW trở lên, tạo điều kiện cho các DN ngoài EVN đầu tư vào các công trình có công suất nhỏ hơn. Phát triển nhanh, đồng bộ, hiện đại hệ thống truyền tải, phân phối nhằm nâng cao độ tin cậy, an toàn cung cấp điện và giảm tổn thất điện năng.
Thứ ba, tích cực đầu tư phát triển các nguồn năng lượng mới để sản xuất điện
Với điều kiện thiên nhiên và thổ nhưỡng, Việt Nam được đánh giá là quốc gia không chỉ phong phú về nguồn năng lượng hoá thạch mà còn có tiềm năng lớn đối với nguồn năng lượng tái tạo. Theo báo cáo của Bộ Công thương, hiện nay Việt Nam có đến 7 dạng năng lượng tái tạo có tiềm năng khai thác: (i) Năng lượng gió: tiềm năng 8,6% diện tích toàn lãnh thổ, đã đo xác định 18.000 MW, hiện khai thác 9,5 MW; (ii) Năng lượng mặt trời: tiềm năng 4-5kWh/m2/ngày, hiện khai thác 1,2 KW; (iii) Thuỷ điện nhỏ: hiện khai thác 300 MW/4000MW tiềm năng; (iv) Năng lượng sinh khối: hiện khai thác 150 MW/800MW tiềm năng; (v) Rác thải: hiện khai thác 2,4MW/350MW tiềm năng; (vi) Khí sinh học: hiện khai thác 2MW/150MW tiềm năng; (vii) Năng lượng địa nhiệt: hiện khai thác 0 MW/340MW tiềm năng.
Từ thực tế này có thể thấy, năng lượng gió và năng lượng mặt trời là hai nguồn năng lượng tái tạo có tiềm năng lớn nhất. Tuy nhiên, đây lại là 2 nguồn năng lượng tái tạo được khai thác ít nhất cả về công suất và hiệu quả. Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân về mặt kinh tế (chi phí đầu tư ban đầu quá cao, quy mô đầu tư lớn, giá thành sản phẩm không cạnh tranh) và các chính sách hỗ trợ Nhà nước đang là rào cản lớn đối với việc phát triển nguồn năng lượng này...
Thứ tư, chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực
Việt Nam đã và đang tập trung các công tác chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên và đến năm 2020 sẽ đưa vào sử dụng tổ máy đầu tiên với công suất 1.000 MW, sau đó sẽ lần lượt đưa vào sử dụng các tổ máy tiếp theo. Kinh phí đào tạo nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân chiếm khoảng từ 2-5% tổng kinh phí của một dự án điện hạt nhân. Việc đầu tư kinh phí cho đào tạo nhân lực kỹ thuật hạt nhân, đặc biệt hoạt động đào tạo cơ bản là rất quan trọng.
Kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực của ngành Điện giai đoạn 2010-2015, dự kiến đến năm 2020 cần được tiếp tục triển khai thực hiện với mục tiêu, đối tượng và các chương trình đào tạo cụ thể phù hợp với mô hình tổ chức của Ngành, đảm bảo mục tiêu năng suất lao động hàng năm của ngành tăng 20%. Để đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, ngành Điện cần tăng cường phối hợp với Tổng cục Dạy nghề và các trường trực thuộc tổ chức xây dựng, thẩm định các chương trình khung đào tạo nghề trình độ Đại học, Cao đẳng, trung cấp với các nghề: hệ thống điện; thí nghiệm điện; đo lường điện; kỹ thuật lò hơi; kỹ thuật tuabin hơi... Tham gia xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho chương trình phát triển điện hạt nhân do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì. Các trường thuộc ngành Điện cần được định hướng tự chủ về tài chính, nghiên cứu phương án thí điểm cổ phần hoá và triển khai mạnh mẽ việc đào tạo theo nhu cầu của ngành điện và xã hội.
Ngành Điện cần tiếp tục tổ chức và điều phối các chương trình đào tạo dài hạn, ngắn hạn thuộc các dự án lớn, đào tạo về công nghệ mới và các chức danh do Ngành quản lý. Các đơn vị được chủ động thực hiện kế hoạch đào tạo hàng năm với kinh phí định hướng chiếm từ 1,5 - 5% quỹ lương. Bên cạnh đó, cần triển khai các hạng mục dự án đào tạo sử dụng vốn vay từ Ngân hàng Thế giới bao gồm: Chương trình đào tạo tiếng Anh cho cán bộ quản lý; chương trình phát triển nguồn nhân lực nhằm mục đích xây dựng và phát triển nguồn nhân lực của ngành Điện theo hướng hiện đại, chuyên môn hoá...