Giải pháp nâng cao khả năng thu hút đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh Trà Vinh

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 11/2020

Bằng phương pháp thu thập dữ liệu thứ cấp từ Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế và dữ liệu sơ cấp từ 17 cán bộ làm công tác thu hút vốn đầu tư, 39 doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào Khu kinh tế, Khu công nghiệp tỉnh Trà Vinh, 35 doanh nghiệp dự định đầu tư; bằng phương pháp đánh giá, so sánh, tổng hợp... nghiên cứu này đã tìm ra được các yếu tố tác động đến thu hút vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo đó, những thuận lợi, khó khăn trong thu hút vốn đầu tư trong thời gian qua. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất 8 nhóm giải pháp nâng cao khả năng thu hút đầu tư vào Khu kinh tế, Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Giới thiệu

Kinh tế của tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2013-2018 liên tục đạt mức tăng trưởng khá, cụ thể tốc độ tăng trưởng (GRDP) bình quân đạt 9,64%. Riêng năm 2018, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng GRDP của Tỉnh vẫn đạt ở mức 11,05%. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế của tỉnh qua các năm chưa thật sự vững chắc: GDP bình quân đầu người còn thấp so với bình quân chung cả nước, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững. Việc huy động vốn trong dân và các thành phần kinh tế trong Tỉnh chiếm tỷ trọng thấp trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Xét về tổng thể, Trà Vinh còn rất nhiều tiềm năng tự nhiên chưa được khai thác hết. Do những điều kiện khách quan và chủ quan, kết quả thu hút đầu tư vào địa bàn trong các năm qua vẫn còn khá khiêm tốn so với thực tế và thế mạnh vốn có của tỉnh.

Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu kinh tế (KKT) và khu công nghiệp (KCN) của Tỉnh đang trên đà phát triển: Tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2019 (giá so sánh 2010) ước đạt: 15.644,48 tỷ đồng, tăng 32,44% so với cùng kỳ; Toàn Tỉnh có 348 dự án còn hiệu lực, trong đó có 41 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 3,1 tỷ USD (dự án nhiệt điện 2 chiếm 2,41 tỷ USD) và 307 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 105.968,23 tỷ đồng (Trong KKT và KCN có 81 dự án, trong đó có 16 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 2,87 tỷ USD và 65 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 99.799,62 tỷ đồng. Ngoài KKT và KCN có 267 dự án, trong đó có 25 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 0,23 tỷ USD và 242 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 6.168,61 tỷ đồng).

Từ kết quả khảo sát thực tiễn và tham khảo ý kiến của các nhà đầu tư, các chính sách đã và đang áp dụng của một số tỉnh thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, vấn đề nghiên cứu thu hút đầu tư tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội là rất cần thiết đối với Trà Vinh nhằm huy động tối đa các nguồn lực cho sự phát triển của Tỉnh.

Thực trạng thu hút đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh Trà Vinh

Thời gian qua, tình hình đầu tư và phát triển KKT, KCN trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh, với những lĩnh vực trọng yếu như: Điện gió, điện mặt trời, hạ tầng KCN, xăng dầu, cơ khí, may mặc, du lịch, nông nghiệp công nghệ, dịch vụ logistics, kho ngoại quan...

Đến nay, tại KKT, KCN thu hút được 85 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư là: 157.978,58 tỷ đồng, trong đó KKT Định An thu hút đầu tư được 51 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đầu tư là 154.877,92 tỷ đồng, KCN Long Đức đã thu hút đầu tư được 34 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đầu tư là 3.100,66 tỷ đồng.

Hoạt động đầu tư và phát triển KKT và KCN trên địa bàn tỉnh Trà Vinh không những đem lại hiệu quả về kinh tế, giá trị cho ngành công nghiệp, dịch vụ và thương mại, mà còn góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, nhất là tạo việc làm mới, giải quyết việc làm cho người lao động trong Tỉnh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể:

- Tổng doanh thu 9 tháng đầu năm 2020 đạt: 23.196,76 tỷ đồng, đạt 66,28% kế hoạch năm 2020 (cụ thể: KCN Long Đức đạt 4.372,12 tỷ đồng; KKT Định An đạt 18.824,64 tỷ đồng).

- Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt: 178,77 triệu USD, giảm 21,31% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 51,08% kế hoạch năm 2020.

- Giá trị nhập khẩu đạt: 433,56 triệu USD, tăng 25,96% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó (KCN Long Đức đạt 130,57 triệu USD, KKT Định An đạt 302,99 triệu USD, chủ yếu là Công ty Nhiệt điện Duyên Hải nhập khẩu nguyên liệu than đá từ Indonesia và Australia).

- Nộp ngân sách ước đạt: 1.309,46 tỷ đồng, tăng 12,87% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 87,30% kế hoạch năm 2020, trong đó (KCN Long Đức nộp: 143,34 tỷ đồng, và KKT Định An nộp: 1.166,12 tỷ đồng).

- Tổng số lao động làm việc tại KKT, KCN lũy kế đến nay thu hút 18.250 người, trong đó lao động Việt Nam: 17.200 người và lao động nước ngoài: 1.050 người.

Thu hút đầu tư và triển khai dự án trong KKT Định An - đóng vai trò quan trọng, bàn đạp kinh tế của tỉnh, nhất là kinh tế biển, giúp tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh Trà Vinh bình quân đạt 12,04%/năm trong giai đoạn 2016-2020, riêng năm 2019 tăng trưởng GRDP đạt 14,85%; quy mô nền kinh tế của tỉnh đạt 59.636 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người 59,09 triệu đồng/người/năm; hàng năm tổng giá trị sản xuất các ngành nghề ven biển đóng góp 59,75% tổng giá trị sản xuất của Tỉnh; tăng trưởng ngành thủy sản bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước tăng 5,83% (cùng kỳ là 2,21%); bình quân 2 năm (2018 - 2019) tăng 12,43%; sản lượng nuôi trồng và đánh bắt bình quân hàng năm đạt 190.000 tấn; diện tích nuôi trồng được mở rộng, từ 42.600 ha năm 2015 lên 50.754 ha vào năm 2019.

Giai đoạn 2016 - 2020, riêng các huyện ven biển thu hút 109 dự án đầu tư, số vốn 13.157,25 tỷ đồng và 377,92 triệu USD. Trong đó, thu hút đầu tư vào KKT 17 dự án đầu tư. Huy động nguồn lực, bố trí nguồn vốn ngân sách trong 03 năm (2018 - 2020) là 2.540,216 tỷ đồng cho các huyện ven biển. Văn hóa - xã hội có bước tiến bộ; an ninh chính trị khu vực ven biển được bảo đảm.

Những tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động thu hút đầu tư vào KKT, KCN tại tỉnh Trà Vinh thời gian qua cũng gặp một số khó khăn, thách thức gồm:

- Do ảnh hưởng tình hình dịch Covid-19 trên toàn cầu nên công tác xúc tiến đầu tư chưa được triển khai theo kế hoạch.

- Nguồn thu ngân sách của Tỉnh còn thấp chưa bảo đảm để đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch giao cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án; nhà đầu tư tiềm năng còn quan ngại trong việc triển khai đầu tư, do các yếu tố ảnh hưởng như: Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và san lấp mặt bằng khá cao so với các tỉnh trong khu vực; hạ tầng giao thông KKT, KCN và giao thông kết nối chưa đồng bộ; công tác đào tạo nghề chưa tương xứng với nhu cầu phát triển, cũng như nhu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

- Việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện một số chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước chưa được thể chế hoá kịp thời, đôi lúc còn hạn chế, định hướng phát triển ngành công nghiệp trong KKT, KCN còn chậm.

- Công tác cải cách hành chính và phối hợp thực hiện nhiệm vụ ở một số sở, ngành, địa phương còn chậm, kéo dài thời gian (như lấy ý kiến thẩm định dự án đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng, lấn chiếm đất công, công tác bảo đảm an ninh, trật tự và vệ sinh môi trường… chưa giải quyết dứt điểm) gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

- Chính sách thu hút đầu tư và phát triển còn phân tán đến nhiều đối tượng, chưa gắn với các lĩnh vực ưu tiên phát triển của Tỉnh; chưa đề ra chính sách đặc thù tạo cơ chế huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư kết cấu hạ tầng; các dự án kêu gọi đầu tư triển khai chưa đồng bộ và chậm tiến độ, số lượng dự án sản xuất công nghiệp chế biến, sử dụng công nghệ cao còn ít... doanh nghiệp phát triển còn hạn chế, cơ cấu ngành nghề chưa thật sự hợp lý, năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp yếu, năng lực cạnh tranh thấp, thị trường hoạt động còn hạn chế.

- Điều kiện cơ sở hạ tầng KKT Định An, KCN Cổ Chiên, Cầu Quan hiện tại chưa tương xứng với quy mô phát triển theo quy hoạch, chưa phát huy hết vai trò phát triển theo định hướng quy hoạch được phê duyệt; công tác giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất tại KKT Định An còn nhiều hạn chế do khu vực đất quy hoạch đất còn của người dân, chưa có nguồn kinh phí tạo quỹ đất sạch, để đầu tư cở sở hạ tầng và thu hút các nhà đầu tư.

Giải pháp nâng cao khả năng thu hút đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh Trà Vinh

Để nâng cao khả năng thu hút đầu tư vào KKT, KCN tỉnh Trà Vinh thời gian tới, các giải pháp cần tập trung thực hiện gồm:

Về công tác quy hoạch

- Cập nhật, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Định An phù hợp với thực tế và yêu cầu thu hút các dự án đầu tư trong giai đoạn tới, trong đó có tính đến tác động của dự án Trung tâm Điện lực Duyên Hải, Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu và việc nâng cấp thị xã Duyên Hải trong những năm tới.

- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và quy hoạch chi tiết các khu chức năng, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng trong KKT, KCN; Đẩy nhanh tiến độ hoàn chỉnh quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật chuyên ngành làm cơ sở cho xây dựng dự án, triển khai đầu tư và thu hút đầu tư; Lựa chọn phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng một số khu chức năng trong KKT như: Khu phi thuế quan, các KCN, khu đô thị - dịch vụ - công nghiệp và khu dân cư... để thu hút đầu tư.

Về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật

- Đẩy mạnh phát triển KKT, KCN của tỉnh theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế thu hút đầu tư, nhất là thu hút các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); Đẩy nhanh triển khai các dự án trọng điểm, các dự án liên vùng và khu vực...; Lựa chọn một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng có khả năng thu hồi vốn (nhà ở xã hội, cấp nước, cấp điện, hạ tầng khu chức năng) để thu hút các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài theo hình thức hợp đồng đối tác công tư (PPP), ưu tiên đối với dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng KKT, KCN.

- Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Tranh thủ nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, vốn vay ODA và các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước, thông tin, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ phát triển công nghiệp; phát huy các nguồn lực kinh tế tư nhân đầu tư kết cấu hạ tầng KKT, KCN bằng hình thức đầu tư trọn gói, đầu tư hạ tầng gắn với tạo quỹ đất sạch để thu hút các dự án đầu tư...

Về xúc tiến và quản lý đầu tư

- Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư;Tổ chức hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư, đúng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm để thu hút nguồn vốn trong dân, doanh nghiệp trong nước, nước ngoài; Tăng cường thu hút đầu tư theo hướng ưu tiên dự án quy mô lớn, dự án tiềm năng, công nghệ tiên tiến tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Chọn lọc các dự án có tính liên kết vùng, các dự án có tỷ lệ nội địa cao và chiếm tỷ trọng lớn về xuất khẩu; Ưu tiên thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông - thủy sản, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo hiệu quả về năng suất, chất lượng; các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, vùng kinh tế khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển KKT, KCN trên địa bàn Tỉnh.

- Cập nhật và cung cấp thông tin cơ bản thường xuyên cho các nhà đầu tư về tiềm năng, cơ hội, môi trường, các thủ tục đầu tư tại Tỉnh.

Về cải cách hành chính

- Tiếp tục đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bảo đảm công khai, minh bạch cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho nhà đầu tư và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính Nhà nước; Thực hiện tốt các quy định về điều kiện kinh doanh, về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu, phù hợp với thông lệ quốc tế.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan trong Tỉnh thực hiện cơ chế “một cửa”, giảm tối đa thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính; Hỗ trợ, giúp đỡ các nhà đầu tư kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Xây dựng cơ chế chính sách

- Xác định khung giá đất trong phạm vi KKT, KCN, để thực hiện tốt việc giao đất, cho thuê đất, thuê mặt nước phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư; trong thu hồi đất bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhân dân, Nhà nước và nhà đầu tư; Phấn đấu giảm ít nhất 30% thời gian lập thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với nhà đầu tư.

- Đối với những dự án lớn, dự án động lực, dự án có khả năng nộp ngân sách lớn, dự án có hàm lượng công nghệ cao, dự án có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, nhà đầu tư thực sự có tiềm lực và được cấp có thẩm quyền đồng ý thì cho nhà đầu tư thực hiện cơ chế vừa triển khai đầu tư xây dựng dự án, vừa lập và hoàn chỉnh thủ tục đầu tư, đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ công tác đặc biệt để chỉ đạo điều hành.

Đào tạo nguồn nhân lực hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư

- Xây dựng phương thức đào tạo nghề kết hợp “Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp” để gắn kết công tác đào tạo nghề với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp trong KKT, KCN; Phối hợp với các nhà đầu tư, các cơ sở đào tạo nghề xây dựng phương án đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án khi đi vào hoạt động.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn định hướng nghề nghiệp cho thanh niên, học sinh; có cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động địa phương và đào tạo tay nghề kỹ thuật cho người lao động đáp ứng nhu cầu trong quá trình phát triển sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư.

Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường

- Quản lý chặt chẽ công tác khai thác tài nguyên; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020; Triển khai có hiệu quả chiến lược bảo vệ môi trường đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025; Tập trung xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm chủ động phòng, chống, hạn chế tác hại môi trường; Chú trọng công tác bảo vệ môi trường ngay từ khi quyết định lựa chọn dự án đầu tư.

Tăng cường công tác phối hợp quản lý nhà nước đối KKT, KCN

- Tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả phối hợp quản lý nhà nước trong KKT, KCN, nhất là quản lý Nhà nước về xúc tiến đầu tư, cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng (thẩm định, thẩm tra các dự án đầu tư, dự án kết cấu hạ tầng...); quản lý đất đai, môi trường, lao động, an ninh trật tự, an toàn xã hội; Nâng cao vai trò, chức năng quản lý Nhà nước của Ban Quản lý KKT.

- Phân công trách nhiệm phối hợp giữa Ban Quản lý KKT với các sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương trong quản lý Nhà nước tại KKT, KCN; việc phối hợp quản lý nhà nước phải theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nhà nước, nhằm bảo đảm sự thống nhất và nâng cao trách nhiệm tham gia quản lý của các cơ quan có liên quan, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Tỉnh ủy Trà Vinh (2017), Nghị quyết số 14-NQ/TU về phát triển KKT, KCN tỉnh Trà Vinh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025;

2. Tỉnh ủy Trà Vinh (2019), Báo cáo đánh giá công tác lãnh đạo của Tỉnh ủy trong phát triển kinh tế địa phương giai đoạn 2013 – 2018, tr 2- 3;

3. Tỉnh ủy Trà Vinh (2020), Kế hoạch số 170-KH/TU về tập trung phát huy các nguồn lực, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế thu hút mạnh đầu tư vào KKT, các khu, cụm công nghiệp, quyết tâm đưa tỉnh Trà Vinh trở thành trung tâm kinh tế biển của vùng;

4. Tỉnh ủy Trà Vinh (2020), Báo cáo số 702 sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 29/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển KKT, KCN tỉnh Trà Vinh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025;

5. Ban Quản lý KKT Trà Vinh (2019), Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KKT, KCN năm 2018 và kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2019, tr. 2-4;

6. Ban quản lý KKTTrà Vinh(2020), Báo cáo Ban quản lý KKT về tình hình nhiệm vụ quản lý phát triển KKT, KCN 9 tháng đầu năm 2020 và ước cả năm 2020;

7. Cục thống kê Trà Vinh (2015-2019), Niêm giám thống kê tỉnh Trà Vinh, NXB Thống kê;

8. Nguyễn Hoàng Đệ (2017), “Nghiên cứu nâng cao khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Trà Vinh”, Kinh tế và Dự báo, (1), tr.69-71;

9. Hà Nam Khánh Giao và các cộng sự (2015), “Các yếu tố tác động đến thu hút vốn đầu tư vào tỉnh Cà Mau”, Tạp chí khoa học Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh 5(44), tr. 35-38;

10. Lê Thị Ngọc Thuy (2020), Giải pháp thu hút đầu tư vào KKT, KCN trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.