Giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam

PV.

Việc nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ giúp gia tăng nguồn cung vốn cho nền kinh tế, thúc đẩy thị trường phát triển mạnh mẽ hơn, đồng thời góp phần giúp nâng cao vị thế thị trường tài chính Việt Nam. Để đáp ứng các yêu cầu của các tổ chức xếp hạng quốc tế cho việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, thời gian tới, Việt Nam cần triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển nâng hạng thị trường chứng khoán, bền vững và hiệu quả.

Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ giúp gia tăng nguồn cung vốn cho nền kinh tế.
Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ giúp gia tăng nguồn cung vốn cho nền kinh tế.

Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), phần lớn quyết định phân bổ vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán của nhà đầu tư quốc tế chịu ảnh hưởng từ việc xếp hạng và phân loại chỉ số tham chiếu cho thị trường chứng khoán.

Vì vậy, việc xếp hạng thị trường chứng khoán có ảnh hưởng lớn đến sự lưu chuyển của luồng vốn đầu tư toàn cầu. Hiện nay, trên thế giới có một số tổ chức uy tín, độc lập tiến hành xếp hạng thị trường chứng khoán, xây dựng các bộ chỉ số chứng khoán nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư đánh giá cơ hội đầu tư trên toàn cầu như: S&P Dow Jones, FTSE Russell, MSCI… trong đó đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, FTSE Russell và MSCI là tổ chức xếp hạng thị trường, cung cấp chỉ số lớn nhất.

Khi thị trường chứng khoán được nâng hạng, luồng vốn đầu tư toàn cầu sẽ được phân bổ nhiều hơn cho thị trường đó cũng như mang lại nhiều lợi ích khác như cải thiện thanh khoản, chất lượng thị trường… Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế nếu được nâng hạng thì bên cạnh việc thu hút thêm dòng vốn ngoại gián tiếp ròng (khoảng 7,2 tỷ USD theo ước tính của Ngân hàng Thế giới tháng 12/2020), cải thiện tích cực thanh khoản và chất lượng thị trường còn góp phần nâng cao hệ số tín nhiệm quốc gia; hội nhập quốc tế sâu rộng hơn; cải thiện khả năng định giá cổ phiếu; gia tăng số lượng nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư có quy mô lớn trên thị trường; tiếp cận tốt hơn các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế trong hoạt động của doanh nghiệp, quản trị công ty; hỗ trợ công tác cổ phần hóa...

Hiện nay, FTSE Russel đang xếp hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong nhóm thị trường cận biên, được đánh giá có tiềm năng nâng hạng và bổ sung vào danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging) (theo báo cáo thường niên năm 2023 và bán niên năm 2024 của FTSE Russell).

Về lộ trình nâng hạng, theo đánh giá của FTSE Russel, Việt Nam đã đáp ứng được 7/9 tiêu chí để nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp, 2 tiêu chí còn lại cần tiếp tục cải thiện gồm: (i) Chu kỳ thanh toán DVP (Settlement Cycle DVP) và (ii) Chi phí phát sinh do mất khả năng thanh toán thanh toán giao dịch chứng khoán (Settlement - costs associated with failed trades).

Trong đó, tiêu chí về chu kỳ thanh toán DVP đặt ra yêu cầu Việt Nam phải bỏ quy định nhà đầu tư phải ký quỹ đủ tiền trên tài khoản trước khi đặt lệnh giao dịch (prefunding), thay vào đó, nhà đầu tư có tiền tại ngày thanh toán. Tiêu chí về chi phí phát sinh do mất khả năng thanh toán thanh toán giao dịch chứng khoán chưa đánh giá do quy định hiện hành yêu cầu nhà đầu tư có đủ tiền, chứng khoán trên tài khoản trước khi giao dịch nên về nguyên tắc sẽ không có trường hợp mất khả năng thanh toán.

Đối với quy định về ký quỹ trước khi giao dịch, trong thời gian qua, cơ quan quản lý đã tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế, thành viên thị trường, đơn vị có liên quan để làm rõ thêm yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài, nghiên cứu đưa ra giải pháp tháo gỡ với một số điểm chính như sau:

Thứ nhất, nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức được phép giao dịch mua cổ phiếu khi không có đủ tiền trên tài khoản theo thỏa thuận với công ty chứng khoán nơi đặt lệnh, công ty chứng khoán thực hiện đánh giá rủi ro thanh toán của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức để xác định mức tiền phải có khi đặt lệnh mua cổ phiếu (nếu có) theo thỏa thuận giữa công ty chứng khoán và nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức.

Thứ hai, công ty chứng khoán nhận lệnh giao dịch mua cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức, không yêu cầu đủ tiền khi đặt lệnh mua cổ phiếu phải tuân thủ hạn mức nhận lệnh giao dịch theo quy định và không được nhận lệnh mua cổ phiếu công ty mẹ của công ty chứng khoán và của chính công ty chứng khoán.

Thứ ba, trường hợp nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức không có đủ tiền trên tài khoản trước khi thành viên lưu ký phải chuyển tiền vào tài khoản của thành viên lưu ký tại ngân hàng thanh toán để thực hiện thanh toán giao dịch chứng khoán, công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức đặt lệnh giao dịch có trách nhiệm thanh toán giao dịch mua thiếu tiền của nhà đầu tư thông qua tài khoản tự doanh của mình.

Thứ tư, công ty chứng khoán có thể bán chứng khoán đã nhận về tài khoản tự doanh của mình cho nhà đầu tư nước ngoài nếu nhà đầu tư có đủ tiền để thanh toán vào ngày giao dịch liền kề sau ngày thanh toán giao dịch mua thiếu tiền thông qua phương thức giao dịch thỏa thuận trên hệ thống giao dịch chứng khoán hoặc chuyển quyền sở hữu ngoài hệ thống giao dịch nếu giá chuyển nhượng cổ phiếu nằm ngoài biên độ giá hoặc khối lượng cổ phiếu không đáp ứng khối lượng giao dịch tối thiểu của Sở giao dịch chứng khoán tại ngày thực hiện chuyển quyền sở hữu.

Thứ năm, trường hợp nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức không thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo quy định pháp luật hoặc theo thỏa thuận với công ty chứng khoán, công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức thực hiện đặt lệnh giao dịch phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, đồng thời công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của công ty chứng khoán về giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức trong thời hạn 24 giờ, kể từ thời điểm không thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo quy định.

Những giải pháp này đã được cơ quan quản lý cụ thể hóa tại dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung các Thông tư về hoạt động giao dịch, đăng ký, lưu ký và bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán, công bố thông tin, hoạt động của công ty chứng khoán đang lấy ý kiến nhà đầu tư, thành viên thị trường. Sau khi Thông tư được ban hành, các nội dung hướng dẫn nghiệp vụ mang tính kỹ thuật, chi tiết thi hành sẽ được thành viên thị trường, các bên liên quan triển khai thực hiện nhằm có thể mang lại trải nghiệm tốt nhất cho nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức, hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 8/2024