Giải pháp phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh Quảng Ninh

Theo Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 4/2019

Quảng Ninh là tỉnh có nhiều tiềm năng và thế mạnh phát triển kinh tế. Các địa phương trong Tỉnh đều có nhiều sản phẩm đặc trưng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thời gian qua, mặc dù Quảng Ninh đã đẩy mạnh và thực hiện tốt Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm, tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chủ trương phát triển các sản phẩm chủ lực của Tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định cần sớm được khắc phục.

Chương trình phát triển các sản phẩm chủ lực của Quảng Ninh

Sản phẩm chủ lực là khái niệm đã xuất hiện trong một số văn bản quản lý của Nhà nước vào những năm đầu tiên của thế kỷ XXI. Ban đầu, đây chỉ là thuật ngữ dùng để chỉ những sản phẩm có khả năng xuất khẩu mạnh, chiếm tỷ trọng kim ngạch cao hoặc có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế của đất nước. Gần đây, khái niệm này được sử dụng khá phổ biến và trở thành thuật ngữ kinh tế quen thuộc. Tựu chung, sản phẩm chủ lực là sản phẩm hàng hóa hoặc dịch vụ chủ yếu, có khả năng sản xuất và cung ứng với khối lượng lớn và năng lực cạnh tranh cao; là trung tâm lan tỏa, lôi kéo các ngành nghề khách cùng phát triển; đồng thời nó còn có thể là sản phẩm thể hiện tính đặc thù riêng, mang ý nghĩa văn hóa của quốc gia, địa phương hay vùng lãnh thổ.

Với vị trí địa lý đa dạng, có vùng núi, biển và vùng đồng bằng, nhiều hình thái khí hậu khác nhau, là vùng đất giao thoa văn hóa của nhiều dân tộc anh em, Quảng Ninh có nhiều tiềm năng để phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy hải sản, với nhiều sản phẩm đặc sản đặc trưng như: Trà hoa vàng, nếp cái hoa vàng Đông Triều, lợn Móng Cái, gà Tiên Yên, Sá sùng Vân Đồn, mực ống Cô Tô, chả mực Hạ Long, Hầu, ghẹ Trà Cổ, miến dong Bình Liêu…

Với đặc điểm phát triển nhiều ngành kinh tế, có kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và rất nhiều di tích cấp Quốc gia, nhiều địa điểm du lịch đẹp, thu hút nhiều khách du lịch, Quảng Ninh có thị trường tiêu thụ nông sản rộng lớn. Hàng năm, toàn Tỉnh có nhu cầu lớn về lương thực, thực phẩm phục vụ cho khoảng hơn 8 triệu khách du lịch, trong đó có khoảng trên 3,5 triệu khách quốc tế; hơn 200 nghìn lao động trong ngành công nghiệp và gần 1,3 triệu người dân của Tỉnh.

Từ năm 2013, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt và triển khai Chương trình “Tỉnh Quảng Ninh - Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP), đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh đầu tiên của cả nước triển khai thực hiện chương trình này một cách bài bản, có hệ thống, từ việc bố trí bộ máy chỉ đạo, tổ chức thực hiện, ban hành các cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực từ nội lực cộng đồng, đến hướng dẫn quy trình triển khai, xúc tiến thương mại... Kết quả sau khi thực hiện chương trình OCOP được nhận định hướng đi đúng, sáng tạo của tỉnh Quảng Ninh trong phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, gắn các tổ chức sản xuất với sản phẩm, phát huy những lợi thế của địa phương, đưa nông dân chủ động hội nhập và tiếp cận kinh tế thị trường, góp phần nâng cao chất lượng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Tỉnh.

Danh mục chuỗi sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh của Quảng Ninh có 12 sản phẩm gồm: Du lịch làng quê Yên Đức và các sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa làng quê; Gốm sứ mỹ nghệ; Nước khoáng thiên nhiên Quang Hanh và các sản phẩm từ nước khoáng Quang Hanh; Mực và các sản phẩm từ mực; Ba kích và các sản phẩm từ Ba kích; Chè Đường Hoa và các sản phẩm từ chè; Hàu và các sản phẩm từ hàu; Miến dong Bình Liêu; Ngọc trai Hạ Long và các sản phẩm chế tác từ ngọc trai; Trà hoa vàng và các sản phẩm từ trà hoa vàng...

Với việc tích cực thực hiện Chương trình OCOP, đến cuối năm 2018, toàn tỉnh Quảng Ninh đã phát triển được 362 sản phẩm (nhóm thực phẩm: 179, đồ uống: 60, thảo dược: 46, thủ công mỹ nghệ: 7, dịch vụ: 2); trong đó, 131 sản phẩm đã đạt sao (7 sản phẩm đạt 5 sao, 56 sản phẩm đạt 4 sao, 68 sản phẩm đạt 3 sao). Theo thống kê, Quảng Ninh cũng đã có 145 tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tham gia OCOP; trong đó, có 44 doanh nghiệp, 64 hợp tác xã (HTX), 56 hộ sản xuất. Các sản phẩm OCOP Quảng Ninh ngày càng được nâng cao về chất lượng, đa dạng về chủng loại, mẫu mã bao bì được cải thiện và ngày càng được người tiêu dùng tin cậy.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” ở Quảng Ninh đã thu được những kết quả bước đầu quan trọng; đặc biệt là đã tạo nền tảng, kinh nghiệm để các huyện, thành phố, thị xã khai thác tốt các tiềm năng lợi thế, phát triển kinh tế vùng nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân. Thống kê sơ bộ, doanh thu từ sản phẩm OCOP tại Quảng Ninh liên tục tăng qua các năm. Đặc biệt, trong năm 2018, doanh thu từ sản phẩm OCOP toàn Tỉnh ước đạt khoảng trên 500 tỷ đồng, tăng gần 10% so với năm 2017. Các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tham gia OCOP đã trực tiếp tạo việc làm cho gần 4.000 lao động với mức thu nhập bình quân từ 5 - 9 triệu đồng/người/tháng.

Một số tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, thực tiễn tại Quảng Ninh, kinh tế khu vực nông thôn phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có. Trong nhiều năm, thu nhập và đời sống người dân nông thôn còn thấp, sản xuất theo quy mô hộ gia đình là chủ yếu, năng suất lao động, giá trị canh tác trên đơn vị diện tích còn thấp; Các sản phẩm của địa phương chủ yếu vẫn là sơ chế, chưa được chế biến sâu, bao bì mẫu mã sản phẩm còn đơn giản chưa có thương hiệu; Thị trường tiêu thụ chủ yếu tại địa phương; Số doanh nghiệp và hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn ít, chưa đạt điều kiện nhà sản xuất.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện Chương trình OCOP của Tỉnh cũng xuất hiện không ít những hạn chế khiến cho các tổ chức kinh tế tham gia gặp khó khăn trong quá trình triển khai. Cụ thể:

Một là, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự chú trọng tập trung chỉ đạo triển khai Chương trình. Sự vào cuộc của một số thành viên Ban chỉ đạo Chương trình OCOP từ Tỉnh đến cơ sở còn thiếu chủ động, công tác lập kế hoạch triển khai thực hiện chu trình OCOP hàng năm chưa được quan tâm đúng mức; Việc tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX lập các dự án sản xuất còn chưa nhiều. Bộ máy quản lý và triển khai thực hiện Chương trình OCOP ở cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm…

Hai là, việc vận dụng cơ chế chính sách chưa đạt hiệu quả cao. Trong quá trình triển khai một số cơ chế chính sách còn vướng mắc về thủ tục hành chính, do đó quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương còn chưa tích cực đăng ký đề xuất các dự án để triển khai thực hiện theo Chương trình OCOP.

Ba là, một số sản phẩm OCOP có sản lượng chưa đáp ứng nhu cầu thị trường. Việc hình thành chuỗi từ sản xuất, chế biến, bảo quản, đến tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn còn ít. Số lượng và chất lượng sản phẩm OCOP của một số địa phương chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế; chất lượng sản phẩm còn ở tầm địa phương, tính cạnh tranh yếu, sản lượng tiêu thụ ít, nhỏ lẻ.

Bốn là, hầu hết các tổ chức kinh tế tham gia OCOP còn thiếu kinh nghiệm kinh doanh; quy mô sản xuất còn nhỏ, vốn ít, chưa mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất; thiếu kiến thức về quản lý điều hành hoạt động tổ chức sản xuất; năng lực lập dự án, phương án sản xuất kinh doanh còn hạn chế.

Năm là, nhiều đơn vị sản xuất chưa có địa điểm tổ chức sản xuất tập trung, đặc biệt là các cơ sở chế biến, nhiều đơn vị kết hợp giữa nơi sản xuất và nhà ở, điều kiện tiêu chuẩn về nhà xưởng còn hạn chế. Việc áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến chậm được triển khai, dẫn đến một số đơn vị sản xuất không đáp ứng được các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Sáu là, việc triển khai quy hoạch các trung tâm, điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP ở cấp Tỉnh và các địa phương còn chậm; chưa có quy chế quy định về quản lý các điểm bán sản phẩm OCOP, nên một số trung tâm chưa đảm bảo được các điều kiện hoạt động. Hoạt động của trung tâm OCOP cấp huyện được hỗ trợ đầu tư, song chưa phát huy được tác dụng trong trưng bày, quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của Huyện.

Bảy là, việc triển khai lập dự án đề án phát triển sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh và định hướng quốc gia còn chậm.

Giải pháp phát triển các sản phẩm chủ lực tỉnh Quảng Ninh

Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, khắc phục hạn chế về quy mô sản xuất hàng hóa, dịch vụ ở khu vực nông thôn còn nhỏ lẻ, chính vì vậy, để có thể phát triển hiệu quả các sản phẩm chủ lực, thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, làm tốt công tác truyền thông thông tin, làm thay đổi nhận thức cho người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa tốt đẹp của Chương trình OCOP, từ đó kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương.

Thứ hai, phát triển sản phẩm hàng hóa, dịch vụ phải đa dạng. Từng bước nâng cao chất lượng, quy chuẩn, sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn ở các thị trường khác nhau. Việc phát triển sản phẩm, dịch vụ phải đi liền với phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp.

Thứ ba, triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới bằng những đề tài, mô hình đóng góp thiết thực cho Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư; Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, cũng như các chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững, đề án phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước đã được đề ra. Cùng với đó, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp mới, nhất là các giải pháp tăng cường năng lực tiếp cận của nông nghiệp với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhận diện rõ “nông nghiệp 4.0”, “nông nghiệp bền vững, công nghệ cao”, “nông nghiệp hữu cơ” và bước đi, giải pháp khoa học thực hiện trong bối cảnh mới.

Thứ tư, các tổ chức tài chính, tín dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cần nghiên cứu để sớm có chương trình tín dụng hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình OCOP. Các tập đoàn, công ty lữ hành lớn, hãng hàng không, các cơ quan báo chí, truyền thông... tăng cường thông tin tuyên truyền về các sản phẩm đặc sản các vùng, miền vào chương trình quảng bá du lịch, không chỉ trong nước mà cả quốc tế nhằm tăng cường hơn nữa liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thực hiện công tác marketing tổng thể.

Thứ năm, coi phát triển các sản phẩm chủ lực của Tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp ở địa phương; Giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành chuyên môn để xây dựng, thực hiện đề án, kế hoạch triển khai Chương trình OCOP.

Thứ sáu, các thủ tục hành chính hỗ trợ người sản xuất phải thực hiện nhanh gọn, đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước cần nhiệt tình, tâm huyết và có hiểu biết để chỉ đạo thúc đẩy đề xuất, sáng kiến về sản phẩm từ dưới lên (từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất).

Thứ bảy, cần tập trung phát triển các dự án mang tính trọng điểm, dự án liên kết vùng huyện, xã. Thường xuyên tổ chức các sự kiện vinh danh về sản phẩm, về dịch vụ du lịch (hội chợ, festival)... Tùy thuộc điều kiện, đặc điểm cụ thể, cần chọn bước đi, lộ trình thích hợp, phù hợp điều kiện thực tế địa phương để lựa chọn sản phẩm lợi thế, đầu tư phát triển, nâng cấp sản phẩm từ cấp xã, huyện lên cấp tỉnh, quốc gia.

Thứ tám, rà soát, bổ sung các quy định, quy trình và hệ thống tiêu chuẩn đánh giá sản phẩm OCOP; thực hiện tốt công tác tổ chức đào tạo, đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ quản lý Chương trình OCOP, các chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các chủ thể tham gia Chương trình để có kiến thức về quản trị sản xuất, kiến thức marketing; duy trì và thực hiện tốt khâu xúc tiến thương mại, giao lưu thương mại với các tỉnh, thành khác trong cả nước, từng bước đưa nông dân hội nhập thị trường; phối hợp thực hiện hiệu quả công tác tư vấn và hỗ trợ ngân sách, đưa tín dụng thương mại sâu rộng vào Chương trình OCOP.

Tài liệu tham khảo:

1. UBND tỉnh Quảng Ninh (2018), Báo cáo Kết quả chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm năm 2018, phương hướng nhiệm vụ năm 2019;
2. UBND tỉnh Quảng Ninh (2018), Báo cáo về việc triển khai nhiệm vụ trong thực hiện chương trình mỗi xã phường một sản phẩm tỉnh Quảng Ninh năm 2018;
3. Lan Hương (2018), Quảng Ninh phát triển các sản phẩm OCOP chủ lực, Thời báo Tài chính Việt Nam;
4. Các website: quangninh.gov.vn, thoibaotaichinhvietnam.com.vn, baocongthuong.com.vn, baoquangninh.com.vn…