Giải pháp phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17/12/2012. Tầm quan trọng của việc hình thành và phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để thực thi Chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao không còn là vấn đề bàn cãi. Vấn đề là làm thế nào để các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khởi nghiệp và phát triển bền vững.
Hiện trạng các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Hai năm trở lại đây chứng kiến sự “bùng nổ” start-up ở Việt Nam. Sự kiện tích cực này một phần có nguyên nhân từ sự thông thoáng của Luật doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014 nhưng đặc biệt là sự “vào cuộc” quyết liệt của Chính phủ. Tuy nhiên, trong số hàng trăm nghìn doanh nghiệp mới thành lập, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chỉ tính bằng con số vài nghìn.
Theo số liệu của Viện Chiến lược Chính sách Phát triển Nông nghiệp nông thôn, nếu như năm 2007, cả nước có 2.397 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thì năm 2016, con số đó là 4.080, chiếm dưới 1% trong tổng số doanh nghiệp cả nước, trong đó có quá nửa số doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng.
Cũng theo Viện Chiến lược Chính sách Phát triển Nông nghiệp nông thôn, ước tính đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 6% tổng vốn đầu tư của cả nền kinh tế. Như vậy, sau 30 năm đổi mới, nền nông nghiệp nước nhà chủ yếu vẫn dựa vào sản xuất nhỏ lẻ, manh mún với hơn 12 triệu hộ nông dân, mỗi hộ bình quân 0,3 ha đất canh tác.
Số lượng doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lại vô cùng khiêm tốn. Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Quyết định 1895/QĐ-TTg ngày 17/12/2012 đặt mục tiêu đến năm 2015 “Hình thành và phát triển ít nhất 80 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm”, còn giai đoạn 2016-2020 khoảng 200doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến hết tháng 6/2017, cả nước mới có 26 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó một nửa là các doanh nghiệp thủy sản.
Chính sách phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Kể từ khi Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 176/2010/QĐ-TTg ngày 29/1/2010 đến nay, Quốc hội, Chính phủ và các bộ đã liên tiếp ban hành nhiều văn bản pháp quy liên quan trực tiếp đến phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đáng kể nhất là Luật Công nghệ cao (Luật số 13/VBHN-VPQH ban hành ngày 11/12/2014) đã chính thức hóa khái niệm doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đó là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, năng suất, giá trị gia tăng cao (Điều 3, khoản 5).
Luật quy định: Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động ứng dụng công nghệ cao được: Hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Được xem xét hỗ trợ chi phí từ kinh phí của Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao và kinh phí khác có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; Tài trợ, hỗ trợ từ các quỹ, nguồn kinh phí khác dành cho nghiên cứu và phát triển, đào tạo nhân lực công nghệ cao, chuyển giao công nghệ cao.
Ngoài ra, Luật này còn quy định cụ thể các tiêu chí một doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đó là, doanh nghiệp phải có đủ các điều kiện: Ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển quy định tại Điều 5 của Luật (Đó là các lĩnh vực: Công nghệ thông tin; Công nghệ sinh học; Công nghệ vật liệu mới; Công nghệ tự động hóa) để sản xuất sản phẩm nông nghiệp; Có hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng công nghệ cao để sản xuất sản phẩm nông nghiệp; Tạo ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, năng suất, giá trị và hiệu quả cao; Áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam.
Các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có đủ các điều kiện nêu trên được: Hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Được xem xét hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, thử nghiệm, đào tạo, chuyển giao công nghệ từ kinh phí của Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao.
Luật Công nghệ cao cũng quy định rõ tổ chức khoa học và công nghệ thành lập hoặc hợp tác với tổ chức, cá nhân khác thành lập doanh nghiệp công nghệ cao được ưu đãi, hỗ trợ: Giao quyền sử dụng hoặc quyền sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ thuộc sở hữu nhà nước để thành lập doanh nghiệp công nghệ cao; Góp một phần tài sản nhà nước của tổ chức khoa học và công nghệ công lập để thành lập doanh nghiệp công nghệ cao; Các ưu đãi áp dụng đối với doanh nghiệp công nghệ cao.
Một nhóm chính sách quan trọng khác được Chính phủ ban hành gần đây liên quan đến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được quy định tại Nghị định 210/2013/NĐ-CP, ngày 19/12/2013, về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Nghị định này đưa ra các biện pháp ưu đãi và hỗ trợ cao cho 3 nhóm dự án: i) Dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư; ii) Dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư; và iii) Dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư. Các dự án trên đều phải án thuộc lĩnh vực nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư quy định tại Phụ lục của Nghị định. Trong số 19 ngành nghề quy định tại Phụ lục, có công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy hải sản.
Các nhà đầu tư, doanh nghiệp có dự án thuộc 3 nhóm trên được hưởng ưu đãi về đất đai như được miễn, giảm tiền sử dụng đất; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước. Thậm chí, được Nhà nước hỗ trợ tiền thuê đất, thuê mặt nước của hộ gia đình, cá nhân và miễn, giảm tiền sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Ngoài ra, nhà đầu tư còn được Nhà nước hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường và áp dụng khoa học công nghệ; Hỗ trợ đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; Hỗ trợ đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc; Hỗ trợ trồng cây dược liệu, cây mắc ca; Hỗ trợ đầu tư nuôi trồng hải sản trên biển; Hỗ trợ đầu tư cơ sở sấy lúa, ngô, khoai, sắn, sấy phụ phẩm thủy sản, chế biến cà phê... Mức hỗ trợ được quy định cho từng nhóm dự án ưu đãi, khuyến khích và trong nhiều trường hợp quy định rõ con số tuyệt đối các khoản tiền hỗ trợ.
Về chính sách tín dụng cho nông nghiệp, ngày 9/6/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định. Theo Nghị định này, các doanh nghiệp có dự án, phương án sản xuất kinh doanh trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hoặc vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 70% giá trị hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc tiêu thụ sản phẩm là kết quả của việc sản xuất ứng dụng công nghệ cao của khách hàng; được xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 80% giá trị của dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Chính phủ cũng đã chỉ đạo ngành Ngân hàng triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng dành cho Chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Gói tín dụng này không phải là gói tái cấp từ vốn ngân sách nhà nước mà là Ngân hàng Nhà nước phải chủ trì, chủ động giao nhiệm vụ cho các ngân hàng thương mại dành một gói tín dụng với lãi suất thấp hơn so với lãi suất thông thường từ 0,5 - 1,5% để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cho vay các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp sạch với điều kiện ưu đãi hơn so với các khoản cho vay thông thường. Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, đến hết tháng 6/2017, đã cho vay được 32.000 tỷ đồng từ gói tín dụng này.
Cần có thêm các chính sách mới
Mặc dù, các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao nói chung và phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng đã được Nhà nước ban hành khá đồng bộ nhưng kết quả đạt được vẫn chưa như kỳ vọng. Số lượng doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xuất hiện ít và vẫn trong giai đoạn “dò dẫm”. Chính vì vậy, cần tiếp tục có thêm những “cú hích” mới.
Trước hết, cần bổ sung doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào đối tượng được hưởng các biện pháp ưu đãi và hỗ trợ đầu tư ở mức cao nhất vào Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Theo quy định của Nghị định này, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư, trong đó có cả dự án nông nghiệp công nghệ cao, muốn được hưởng các biện pháp ưu đãi và hỗ trợ phải được thực hiện tại địa bàn thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, hoặc chí ít tại vùng nông thôn (tức là khu vực địa giới hành chính không bao gồm địa bàn của phường, quận thuộc thị xã, thành phố).
Nếu như vậy thì các dự án nông nghiệp công nghệ cao của các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thực hiện ở ngoài 3 khu vực nói trên sẽ không được hưởng các chính sách hấp dẫn của Nghị định 210/2013/NĐ-CP. Trong khi đó, Luật Đầu tư 2014, Điều 16, quy định địa bàn ưu đãi đầu tư ngoài địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, còn có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
Như vậy, Nghị định 210/2013/NĐ-CP cần được điều chỉnh theo hướng bổ sung các khu trên vào địa bàn ưu đãi đầu tư, hoặc bổ sung khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (được quy định chính thức tại Luật Công nghệ cao 2014).
Cũng như đối với các doanh nghiệp công nghệ khác, nguồn vốn là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chính sách tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn gần đây của Chính phủ và ngành Ngân hàng, đặc biệt Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã phần nào đáp ứng được nhu cầu vốn khởi nghiệp và kinh doanh của các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tuy nhiên, theo Viện Chiến lược Chính sách Phát triển Nông nghiệp, nông thôn, có đến 70% doanh nghiệp nông nghiệp “kêu” khó tiếp cận tín dụng. Nguyên nhân chính vẫn là thiếu tài sản bảo đảm tiền vay.
Được biết, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp hoàn thiện các văn bản hướng dẫn việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp phục vụ cho việc sản xuất công nghệ cao (như nhà kính, nhà lưới...) để làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, thế chấp cho khoản vay tại ngân hàng. Đây là một biện pháp quan trọng và cấp thiết.
Ngoài ra, cần phải có chính sách tín dụng trung hạn cho đầu tư nông nghiệp (hiện nay các doanh nghiệp phải vay với lãi suất trên 9,5% và không cố định mà điều chỉnh thả nổi từng tháng).
Các ngân hàng thương mại cũng cần phải thay đổi cách ứng xử, không chỉ thuần túy là “chủ nợ” mà phải hành động như người tham gia đầu tư, hợp tác với doanh nghiệp, cùng xây dựng dự án, không đợi các doanh nghiệp xây dựng xong đề án vay, sau đó mới đi thẩm tra kiểm tra dựa trên hàng loạt các tiêu chí rồi mới ra quyết định cho vay.
Đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao là một loại hình đầu tư rất đặc biệt, tiềm ẩn rủi ro cao nhưng cũng hứa hẹn mang lại nguồn lợi nhuận lớn. Các ngân hàng thương mại thông thường không chấp nhận rủi ro cao.
Do đó, nên nghiên cứu phương án lập các quỹ đầu tư mạo hiểm để thúc đẩy việc nghiên cứu, phát triển công nghệ cao, tìm ra các phương pháp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp một cách có hiệu quả và phù hợp.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao không thể dựa vào nền sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Do vậy, tích tụ ruộng đất, là một chủ trương nhận được sự đồng thuận cao.
Được biết, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã kiến nghị với Quốc hội cho sửa Luật Đất đai 2013 theo hướng tạo thuận lợi cho việc tích tụ ruộng đất, mở rộng quy định về đối tượng nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp và nâng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp từ 2 ha lên 20 ha. Đây là một đề xuất quan trọng, đáng được đồng tình.
Thêm vào đó, cần nhân rộng mô hình trung tâm/vườn ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, biến những ý tưởng công nghệ khả thi thành sản phẩm định hình.
Ngoài ra, cần đưa các viện nghiên cứu, các trường đại học tham gia vào Chương trình nông nghiệp công nghệ cao, các đề tài khoa học của các tổ chức này phải xuất phát từ các ý tưởng, các đơn đặt hàng của các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Công nghệ cao Số: 13/VBHN-VPQH;
2. Luật Đầu tư Số 67/2014/QH13;
3. Luật doanh nghiệp Số 68/2014/QH13;
4. Nghị định Số 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;
5. Nghị định Số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.