Giải pháp phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Vĩnh Long
Bài viết tập trung làm rõ thực trạng phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Vĩnh Long, trong đó đi sâu phân tích những mặt tích cực, đồng thời chỉ rõ những tồn tại, hạn chế. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đề xuất hệ thống giải pháp, nhằm phát triển du lịch bền vững, đưa lĩnh vực này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Vĩnh Long, mang lại lợi ích lớn, góp phần nâng cao chất lượng đời sống cộng đồng dân cư địa phương trong thời gian tới.
Giới thiệu
Vĩnh Long là một tỉnh nằm trong vùng du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, có rất nhiều thế mạnh để phát triển các loại hình du lịch. Trong những năm qua, du lịch của Tỉnh đã có những bước phát triển mạnh mẽ, nhưng hiệu quả và nguồn lợi từ lĩnh vực này mang lại chưa tương xứng với tiềm năng hiện có.
Mặt khác, việc khai thác cảnh quan thiên nhiên phục vụ cho phát triển du lịch chưa được quan tâm đầu tư toàn diện về bảo tồn, tôn tạo, nên đã để lại những hậu quả đang lo ngại, như: sự suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường, các cảnh quan xuống cấp... Vì vậy, trong thời gian tới, Vĩnh Long cần có những định hướng và giải pháp triển phù hợp, nhằm phát huy thế mạnh, đồng thời khắc phục những hạn chế để trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn, thân thiện ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung.
Thực trạng phát triển du lịch ở tỉnh Vĩnh Long
Kết quả đạt được
Lượng du khách tăng trưởng tích cực
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long và Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, với những lợi thế về tài nguyên tự nhiên và văn hóa, tỉnh Vĩnh Long đã dần hình thành các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù và đáp ứng được nhu cầu của du khách. Giai đoạn 2015-2021, tỉnh Vĩnh Long ghi nhận số lượng khách du lịch nội địa có sự tăng trưởng tích cực. Nếu như năm 2015, Tỉnh thu hút được lượng khách đạt 755.000 lượt (chiếm 4,16% trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long), thì năm 2016 đạt 945.000 lượt; năm 2017: 1.000.000 lượt, năm 2019: 1.287.000 lượt (chiếm 3,04% trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long). Tuy nhiên, đến năm 2020 và 2021, do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước, nên số lượng khách tới Tỉnh giảm mạnh, chỉ lần lượt đạt 626.250 lượt khách và 398.064 lượt khách.
Tương tự, số lượng khách du lịch quốc tế đến Tỉnh cũng có sự tăng trưởng tích cực trong thời gian qua. Nếu như năm 2015, Vĩnh Long đón 205.000 lượt (chiếm 11,4% trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long) du khách quốc tế, thì năm 2016 và năm 2019 đều đạt 215.000 lượt khách. Tuy nhiên, tương tự như khách nội địa, năm 2020 và 2021, Tỉnh ghi nhận tình trạng lượng khách quốc tế sụt giảm mạnh, do chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, khi lần lượt chỉ đạt 38.750 lượt khách và 1.936 lượt khách. Đến năm 2022, Vĩnh Long đón khoảng 5.500 lượt khách du lịch quốc tế, tăng 184% so với năm 2021.
Doanh thu từ hoạt động du lịch tăng
Cũng theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, trong giai đoạn 2015-2021, doanh thu từ hoạt động du lịch của Vĩnh Long tăng dần từ năm 2015 đến năm 2019. Cụ thể, nếu như năm 2015, Tỉnh ghi nhận doanh thu đạt 220 tỷ đồng, năm 2016 đạt 300 tỷ đồng (lần lượt chiếm 2,55% và 3,22% trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long), thì năm 2017 đạt doanh thu 312 tỷ đồng, năm 2018 đạt 340 tỷ đồng, năm 2019 tăng mạnh và đạt tới 525 tỷ đồng (chiếm 1,75% trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long).
Tuy nhiên, trong các năm 2020 và 2021, do hoạt động du lịch bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, nên doanh thu lần lượt chỉ đạt 190 tỷ đồng và 188 tỷ đồng (tương ứng chiếm 0,87% và 1,98% trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long). Năm 2022, Vĩnh Long ghi nhận dấu hiệu phục hồi doanh thu từ hoạt động du lịch, khi đạt 480 tỷ đồng, tăng 150% so với năm 2021.
Sản phẩm du lịch khá đa dạng
Hiện nay, ngành du lịch tỉnh Vĩnh Long đã xác định và tập trung khai thác mạnh 4 sản phẩm du lịch chủ đạo mang tính đặc thù, gồm: (i) Du lịch homestay (tham quan, lưu trú, trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt sông nước của người dân Vĩnh Long); (ii) Du lịch nông nghiệp (tham quan vườn cây trái kết hợp trải nghiệm một ngày làm nông dân, một ngày làm địa chủ, một ngày trải nghiệm văn hóa và ẩm thực…); (iii) Du lịch làng nghề (tham quan, trải nghiệm công đoạn làm sản phẩm của các làng nghề, như: gốm, đan đát, dệt chiếu…); (iv) Du lịch văn hóa (tham quan tìm hiểu các yếu tố lịch sử, văn hóa, thân thế và sự nghiệp của các danh nhân đất Vĩnh). Cùng với đó, Tỉnh cũng đang có kế hoạch phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn kết sản phẩm OCOP, với nền nông nghiệp của Tỉnh, nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch mới, độc đáo. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Tỉnh vẫn chưa xây dựng thành công các sản phẩm du lịch thực sự hấp dẫn, tạo được dấu ấn riêng, để hấp dẫn và giữ chân du khách lưu trú dài ngày...
Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Năm 2019, toàn tỉnh Vĩnh Long có 1.446 nhân lực phục vụ trong ngành du lịch. Trong đó, số lượng nhân lực từ 30-50 tuổi chiếm số lượng lớn với 543 người. Thời gian qua, Tỉnh đã chú trọng công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nên số lượng lao động có trình độ ngày càng tăng. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long cùng với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long tăng cường tổ chức đào tạo nghề để chuẩn hóa và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp cho lực lượng lao động làm việc trong trong các khách sạn, tàu du lịch, các công ty lữ hành, các khu du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống..., để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch của Tỉnh.
Hoạt động xúc tiến du lịch được tăng cường
Giai đoạn 2015-2022, công tác xúc tiến du lịch tại Tỉnh được tăng cường khá mạnh mẽ. Sau khi xác định lợi thế tiềm năng của mình, Vĩnh Long đã tập trung nỗ lực xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch và quảng bá, xúc tiến du lịch. Vĩnh Long thực hiện chiến lược tiếp thị "kéo" - mời gọi các hãng lữ hành trong nước đến Tỉnh khảo sát sông nước miệt vườn, tham quan các làng nghề truyền thống, xem hát bội…, từ đó để cùng nhau xây dựng, khai thác các sản phẩm du lịch phù hợp, đồng thời mang hình ảnh danh lam thắng cảnh và những đặc sản của Vĩnh Long để tiếp thị "đẩy”.
Bên cạnh đó, Tỉnh còn tham gia nhiều hoạt động, như: các kỳ Hội chợ lữ hành quốc tế (I.T.E) và Ngày hội du lịch được tổ chức định kỳ hàng năm tại TP. Hồ Chí Minh; Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam (VITM) tổ chức tại Hà Nội, Lễ hội bánh dân gian Cần Thơ… Tỉnh còn chủ động tổ chức Ngày hội Du lịch Vĩnh Long, với nhiều hoạt động phong phú, như: trưng bày, giới thiệu du lịch sông nước miệt vườn Vĩnh Long; Hội thi ẩm thực các món ăn chay; Hội thi trái ngon an toàn Vĩnh Long; tổ chức đoàn Famtrip TP. Hồ Chí Minh tham quan các điểm du lịch Vĩnh Long, để cùng nhau xây dựng và khai thác lợi thế, tiềm năng du lịch của Tỉnh…
Một số tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả tích cực, thực tế phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Vĩnh Long trong giai đoạn 2015-2022 còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, như: Lượng khách đến Tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng du lịch hiện có; Sản phẩm du lịch chưa đa dạng, chưa hấp dẫn để thu hút du khách lưu trú dài ngày; Cơ sở hạ tầng để phục vụ cho du lịch chưa được đầu tư đồng bộ; Nguồn nhân lực vẫn còn hạn chế về số lượng và chất lượng; Hoạt động xúc tiến du lịch chưa được diễn ra liên tục và lan rộng.
Ngoài ra, sự tham gia của cộng đồng địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, do các chế độ, chính sách chưa đáp ứng được yêu cầu của họ. Sự liên kết về phát triển du lịch của Tỉnh với các vùng và địa phương khác còn rời rạc. Việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực du lịch của Tỉnh cũng còn hạn chế.
Đề xuất giải pháp phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Vĩnh Long
Trong thời gian tới, để du lịch Vĩnh Long phát triển bứt phá và trở thành địa phương dẫn về phát triển du lịch ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tỉnh cần thực hiện một số nhóm giải pháp như sau:
Một là, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, thông thoáng
Vĩnh Long cần có những cơ chế, chính sách thông thoáng, nhằm thu hút, kêu gọi nguồn vốn trong và ngoài nước đầu tư cho phát triển du lịch. Trong đó, Tỉnh cần tập trung xây dựng các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư đủ hấp dẫn, hình thành cơ chế ưu đãi riêng cho các nhà đầu tư nước ngoài, để tạo đột biến trong thu hút nguồn vốn lớn cho phát triển du lịch.
Hai là, chú trọng đào tạo nâng cao trình độ và chất lượng nguồn nhân lực du lịch
Vĩnh Long cần thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ đang làm việc tại các cơ sở phục vụ khách du lịch nhằm nâng cao tay nghề. Tỉnh cũng cần mở các lớp đào tạo chính quy, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu tăng tốc cho ngành du lịch trong giai đoạn hậu Covid-19. Vĩnh Long có thể liên kết với các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch uy tín trong và ngoài Tỉnh, để mở các lớp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ba là, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, kỹ thuật cho phát triển du lịch
Ngoài tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng thêm các điểm vui chơi giải trí, các cơ sở lưu trú đạt chuẩn…, Tỉnh cần chú trọng xây dựng hệ thống nước sạch, giao thông, nhất là cầu nối Vĩnh Long với Tiền Giang, để kết nối thuận lợi các khu, điểm du lịch…
Bốn là, phát triển du lịch gắn với cộng đồng địa phương
Để gia tăng thu hút sự tham gia phát triển du lịch của cộng đồng địa phương trên địa bàn Tỉnh, các cấp chính quyền Vĩnh Long cần triển khai các biện pháp, nhằm cung cấp kiến thức, thông tin về phát triển du lịch bền vững cho các doanh nghiệp, người dân địa phương bằng cách thường xuyên tổ chức các hội thảo, nói chuyện chuyên đề hay tổ chức các chương trình du lịch thực tế, để doanh nghiệp và người dân nắm rõ được lợi thế của địa phương, từ đó thúc đẩy, khuyến khích họ tham gia phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch. Cần tăng cường công tác tuyên truyền, năng cao nhận thức cho người dân và doanh nghiệp du lịch về phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường.
Năm là, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù gắn với phát triển bền vững
Tỉnh cần tìm hướng phát triển các sản phẩm du lịch mới mang yếu tố đặc thù dựa trên tài nguyên sẵn có, để tạo ra lợi thế so sánh nổi bật so với các tỉnh, thành khác trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, từ đó, tạo điểm nhấn thu hút du khách. Vĩnh Long cũng cần phát huy hiệu quả hơn nữa thế mạnh của các sản phẩm du lịch hiện có, như: du lịch homestay tại các cù lao, du lịch miệt vườn… gắn liền với nâng cao chất lượng dịch vụ và gia tăng trải nghiệm cho du khách.
Sáu là, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch
Để gia tăng thu hút du khách, đưa hình ảnh du lịch của Tỉnh ra cả nước và thế giới, Vĩnh Long cần có những giải pháp cụ thể, như: hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong công tác điều hành và hoạt động tại Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch; hợp tác với các tỉnh trong xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua các hoạt động đa dạng, như: thiết kế và in ấn các ấn phẩm quảng bá du lịch; tổ chức trao đổi, học tập kinh nghiệm về xúc tiến du lịch; phối hợp tham gia tổ chức các hội thảo, hội chợ hằng năm giữa các địa phương nhằm quảng bá, xúc tiến du lịch. Để thúc đẩy hợp tác xúc tiến đầu tư du lịch, Tỉnh cần chủ động cung cấp thông tin chi tiết về quy hoạch ngành, các dự án phát triển du lịch, các chính sách ưu đãi đầu tư, các thủ tục cần thiết, qua đó giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư thuận lợi tiếp cận các cơ hội đầu tư vào các dự án phát triển du lịch tại các địa phương. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu về hình ảnh, lịch sử, văn hóa, du lịch của Tỉnh thông qua các hình thức, như: cập nhật thông tin trên website của ngành; liên kết với các cơ quan truyền thông để sản xuất các video clip giới thiệu về văn hóa, du lịch Vĩnh Long…
Bảy là, đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng trong thu hút đầu tư phát triển du lịch
Tỉnh cần thực hiện liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long về thu hút đầu tư phát triển du lịch. Cùng với chú trọng liên kết với các tỉnh, thành có sự phát triển mạnh về du lịch, như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội để gia tăng thu hút đầu tư, phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch riêng biệt, Vĩnh Long cần có kế hoạch thúc đẩy hợp tác liên kết chặt chẽ, hiệu quả với các quốc gia trên hành lang kinh tế Đông Tây và trong tiểu vùng sông Mekong mở rộng, để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài cho đầu tư phát triển du lịch. Cùng với coi trọng hợp tác, liên kết phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc thù, Tỉnh cũng cần thúc đẩy hợp tác, liên kết trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp, chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn nghề quốc gia và khu vực.
Tám là, bảo vệ tài nguyên, môi trường cho phát triển du lịch bền vững
Cần triển khai các biện pháp, như: xây dựng các chương trình giáo dục, tuyên truyền cho người dân, du khách về tầm quan trọng của tài nguyên trong phát triển kinh tế nói chung, phát triển du lịch bền vững nói riêng. Cần xây dựng hệ thống cảnh báo về nguy hại do phát triển du lịch gây ra cho môi trường tại địa phương, nhằm cảnh báo và nâng cao ý thức của người dân, của khách du lịch trong bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng; áp phích; mạng xã hội; các trang thông tin của Tỉnh, của các địa phương…, nhằm mang lại hiệu quả cao trong việc giáo dục du khách và người dân địa phương ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường trong quá trình phát triển du lịch bền vững.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2017), Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
2. Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (2023), Số liệu thống kê, truy cập từ https://vietnamtourism.gov.vn/statistic?view=home&category=71.
3. HĐND tỉnh Vĩnh Long (2019), Nghị quyết số 173/2019/NQ-HĐND, ngày 31/5/2019 ban hành chính sách hỗ trợ phát triển du lịch đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
4. Phạm Xuân Hậu (2012), Giải pháp phát triển bền vững làng nghề truyền thống ở Việt Nam phục vụ du lịch, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, 35, 10-17.
5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long (2012), Báo cáo quy hoạch phát triển ngành du lịch tỉnh Vĩnh Long 2011-2020.
6. Thủ tướng Chính phủ (2011), Quyết định số 2473/QĐ-TTg, ngày 30/12/2011 phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
7. UBND tỉnh Vĩnh Long (2020), Kế hoạch số 2850/QĐ-UBND, ngày 21/10/2020 về kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Vĩnh Long đến năm 2030.
8. UBND tỉnh Vĩnh Long (2021), Quyết định số 2998/QĐ-UBND, ngày 03/11/2021 phê duyệt Đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, mục tiêu xây dựng sản phẩm du lịch mang nét đặc thù tỉnh Vĩnh Long phù hợp với nhu cầu thị trường.