Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn bền vững ở Việt Nam

ThS. Trần Minh Phương - Trường Đại học Thương mại

Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là một trong những nội dung quan trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu chính trị quan trọng là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững. Bài viết trình bày tổng quan về du lịch nông nghiệp, nông thôn, thực trạng phát triển tại Việt Nam trong thời gian qua và đưa ra một số kiến nghị trong thời gian tới.

Đặt vấn đề

Hiện nay, phát triển du lịch nông nghiệp và nông thôn hiện nay đang dần trở thành xu hướng phổ biến trên thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới, lượng khách du lịch tham gia các hình thức du lịch nông thôn và sinh thái chiếm khoảng 10% tổng lượng khách du lịch, với doanh thu khoảng 30 tỷ USD/năm. Mỗi năm, tỷ lệ khách du lịch nông thôn tăng từ 10% đến 30%, cao hơn các hình thức du lịch truyền thống khoảng 4%.

Với lợi thế là một quốc gia nông nghiệp, có nhiều di sản văn hóa, tự nhiên... với gần 65,6% dân số hiện sống ở khu vực nông thôn, cùng với lợi thế cảnh quan tươi đẹp, yên bình, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử của Dân tộc, Việt Nam có tiềm năng, thế mạnh lớn trong phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn.

Thực tế cũng cho thấy, Việt Nam là quốc gia được nhiều du khách trong và ngoài nước lựa chọn điểm đến là nông thôn để trải nghiệm, nhất là trong và sau đại dịch COVID-19, du khách có xu hướng tìm đến không gian yên tĩnh, trong lành ở các vùng quê.

Tổng quan về du lịch nông nghiệp, nông thôn

Khái niệm

Du lịch nông nghiệp, nông thôn (Rural Tourism) – một phân khúc của ngành Công nghiệp du lịch, là ngành kinh tế tích hợp, đưa sản vật nông nghiệp, đặc trưng nông thôn trở thành tài nguyên phục vụ du lịch. Du lịch nông nghiệp, nông thôn được định nghĩa là loại hình du lịch diễn ra ở khu vực nông thôn, với quy mô kinh doanh nhỏ, không gian mở, được tiếp xúc trực tiếp và hòa mình vào thiên nhiên, gắn với những đặc điểm tiêu biểu ở khu vực nông thôn, những di sản văn hóa xã hội và văn hóa truyền thống ở làng xã...

Nói cách khác, du lịch nông thôn là chuỗi các hoạt động, dịch vụ và tiện nghi được cung cấp ở khu vực nông thôn, để khai thác các giá trị ở vùng nông thôn như một nguồn tài nguyên, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của cư dân không ở nông thôn hoặc ở vùng nông thôn khác.

Vai trò của du lịch nông nghiệp, nông thôn

Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn được xác định là một trong những giải pháp động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, là nền tảng hỗ trợ cho sự phát triển điểm đến du lịch. Phát triển du lịch cũng sẽ tác động lan tỏa tới các ngành kinh tế khác, đặc biệt là thương mại, dịch vụ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển du lịch nông nghiệp là phương thức hữu ích để xóa đói giảm nghèo, tạo cơ hội việc làm cho lao động nông thôn. Theo Đoàn Mạnh Cương (2023), có thể chỉ ra vai trò của du lịch nông nghiệp, nông thôn như sau:

- Mang lại nhiều lợi ích cho cả nông nghiệp, du lịch, người dân vùng nông thôn. Sự kết hợp này có thể góp phần đa dạng hóa các hoạt động thương mại, giải quyết các vấn đề đầu ra nông sản.

- Hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân. Đặc biệt, vào những thời điểm mùa màng kém hoặc không phải vụ thu hoạch, sự có mặt của du khách sẽ giúp cải thiện thu nhập các trang trại.

- Hỗ trợ duy trì và quảng bá đời sống nông thôn, nâng cao ý thức về phong tục tập quán cũng như bảo tồn các phương thức canh tác truyền thống của địa phương, rút ngắn khoảng cách với đời sống đô thị.

Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong thời gian qua

Định hướng, chính sách phát triển

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm và đưa ra các chủ trương, định hướng để thúc đẩy lĩnh vực du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển. Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn 2045 khẳng định: “Phát triển du lịch nông thôn được xác định là một trong những giải pháp căn cơ, động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, góp phần phát huy lợi thế, giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn và nông dân; đồng thời nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đa dạng, bền vững của du lịch nông nghiệp, nông thôn”. Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 cũng đã bổ sung nội dung thành phần về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Ngày 02/08/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 922/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trong đó đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 (Bảng 1).

Bảng 1: Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

Nội dung

Mục tiêu

Cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch

50%

Điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số

ít nhất 50%

Điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá

100%

Điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch

50%

Chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch

ít nhất 70%

Lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch

80%

  1. Nguồn: Quyết định số 922/QĐ-TTg

 

Số lượng điểm đến

Trong những năm qua, phát huy tiềm năng, lợi thế và các nguồn lực để phát triển du lịch, trên phạm vi cả nước đã có nhiều điểm đến du lịch nông thôn được hình thành trên cơ sở khai thác hiệu quả giá trị đặc sắc, mang đậm dấu ấn của văn hóa, sinh thái vùng miền. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 8/2023, cả nước có hơn 1.300 khu, điểm du lịch thuộc các địa phương quản lý; trong đó, có khoảng 70% là các điểm du lịch thuộc khu vực nông thôn. Đây được xem là nguồn lực quan trọng để đẩy mạnh phát triển nông thôn, đem lại việc làm, thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường…

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết tháng 6/2023 đã có 45/63 tỉnh, thành ban hành Đề án hoặc Kế hoạch triển khai phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Nhiều tỉnh đặt mục tiêu sớm chuẩn hóa sản phẩm du lịch nông thôn và phấn đấu có ít nhất 1 điểm du lịch được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái.

Thu nhập người dân

Nhờ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với du lịch, thu nhập của bà con nông dân được cải thiện. Chẳng hạn, hiện tại sau khi phát triển du lịch, thu nhập bình quân của bà con vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang tăng đáng kể, đạt 37 triệu đồng/người/năm. Nhiều địa phương tại tỉnh này cũng phấn đấu nâng cao thu nhập bình quân đầu người của bà con lên khoảng 50 triệu đồng/người/năm.

Tại TP. Cần Thơ, phát triển mô hình du lịch nông nghiệp theo hướng bền vững dựa trên thế mạnh tài nguyên bản địa giúp các hộ nông dân có thu nhập cao hơn những hộ sản xuất nông nghiệp đơn thuần từ 30% trở lên. Thậm chí, nhờ kết hợp thành công mô hình du lịch nông nghiệp, mỗi năm, có hộ nông dân có nguồn lợi nhuận ổn định khoảng 9-10 tỷ đồng, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho gần 40 lao động địa phương...

Về mô hình, sản phẩm du lịch

Tại nhiều địa phương đã xuất hiện những điểm đến, mô hình, sản phẩm du lịch nông thôn hấp dẫn. Có thể kể đến những chương trình chiêm ngưỡng mùa lúa chín Ruộng bậc thang khu vực Tây Bắc; du lịch trang trại ở vườn cà phê Đắk Lắk; tham quan đồng cừu, vườn nho Ninh Thuận; khám phá miệt vườn sông nước ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long… Bên cạnh đó, các vùng, địa phương đã hình thành các sản phẩm du lịch nông thôn mang nhiều đặc trưng và dấn ấn của vùng, miền, địa phương.

Chẳng hạn như vùng Đồng bằng sông Hồng tập trung khai thác các sản phẩm du lịch nông thôn như tham quan làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây Hà Nội; du lịch gắn với các làng nghề truyền thống tham quan làng tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh), làng nghề Bát Tràng (Hà Nội)... Vùng Đông Nam Bộ khai thác các sản phẩm du lịch nông thôn chủ yếu tập trung vào du lịch sinh thái cộng đồng trải nghiệm tại các nông trại miệt vườn Lái Thiêu, Bạch Đằng Bình Dương, tham quan các nhà vườn, thưởng thức trái cây đặc sản...

Khó khăn, hạn chế

Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp, nông thôn vẫn còn những khó khăn, hạn chế sau:

- Cơ chế về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai trong khai thác và phục vụ loại hình du lịch này còn lúng túng, chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể. Việc hình thành những mô hình nông trại sinh thái, kết hợp du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm tiềm ẩn phá vỡ quy hoạch vùng, phá vỡ quy hoạch, vi phạm quy định về chuyển mục đích sử dụng đất...

- Không ít sản phẩm du lịch sao chép lẫn nhau, thiếu khác biệt, thiếu gắn kết, chưa quan tâm chia sẻ lợi ích với cộng đồng.

- Hoạt động xúc tiến quảng bá đối với các điểm đến du lịch tại các khu vực nông thôn chưa được quan tâm đúng mức do nguồn lực của địa phương khá hạn hẹp...

- Không ít mô hình còn mang tính tự phát, thiếu sự quản lý của chính quyền địa phương.

Đề xuất, kiến nghị

Để thúc đẩy ngành Du lịch này phát triển, trong thời gian tới cần quan tâm một số vấn đề sau:

- Cần đưa quy hoạch du lịch nông nghiệp, nông thôn trong tổng thể Quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia. Quy hoạch du lịch nông nghiệp, nông thôn cần dựa trên tài nguyên nông nghiệp, nông thôn, giá trị cảnh quan, các giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán, nghề thủ công, văn hóa các dân tộc… nhằm tổ chức bài bản loại hình du lịch giàu tiềm năng này.

- Đẩy mạnh đa dạng hóa, phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc, khác biệt, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao. Tạo không gian đổi mới, sáng tạo, hình thành sản phẩm mới, xanh và bền, gắn với xu hướng tìm về thiên nhiên, tăng tính trải nghiệm, trách nhiệm cho du khách.

- Xây dựng, triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nông thôn dựa trên lợi thế của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc trưng văn hóa, sinh thái của các địa phương; xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu điểm đến du lịch nông thôn.

- Tháo gỡ các khó khăn về cơ chế, chính sách, để du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển, đặc biệt là chính sách đất đai, thu hút đầu tư vào du lịch. Đẩy mạnh hỗ trợ các cộng đồng nông thôn làm du lịch nông nghiệp, nông thôn, thông qua các doanh nghiệp du lịch, lữ hành.

- Tăng cường kiểm tra giám sát các mô hình homestay, mô hình nông nghiệp tự phát nhằm đảm bảo các quy định về vận hành quản lý, chất lượng... tránh tình trạng vi phạm làm phá vỡ quy hoạch.

- Đẩy mạnh công tác tư vấn, đào tạo các chủ thể kinh doanh du lịch nông nghiệp. Đưa loại hình du lịch này trở thành môn học, ngành học trong các trường chuyên ngành về du lịch và nông nghiệp - nông thôn...

Kết luận

Tại Việt Nam, hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn thời gian qua đã được đẩy mạnh đã giúp cho ngành Công nghiệp du lịch hình thành đa dạng các loại hình sản phẩm du lịch, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế cho các điểm đến du lịch, cho các địa phương và kinh tế quốc gia; Từng bước nâng cao đời sống, cải thiện thu nhập và phúc lợi cho người dân ở vùng nông thôn... Trong thời gian tới, cần tiếp tục phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có để thúc đẩy ngành du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển hơn, đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế của Đất nước.

Tài liệu tham khảo:

  1. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2023. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030;
  2. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/08/2022 phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;
  3. Đoàn Mạnh Cương (2023), Tháo gỡ khó khăn về chính sách đất đai cho phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, Cổng thông tin điện tử Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam;
  4. Trung tâm Thông tin du lịch (2023), Đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh của du lịch nông nghiệp, nông thôn, Cổng thông tin điện tử Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 10/2023