Giải pháp phát triển kinh tế du lịch của tỉnh Quảng Ngãi trong giai đoạn hiện nay


Bài viết đánh giá tổng quát tình hình phát triển du lịch của tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian qua và những đóng góp của lĩnh vực này vào kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó, bài viết đưa ra nhận định những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức của hoạt động du lịch của tỉnh Quảng Ngãi và đề xuất các giải pháp để định hướng phát triển du lịch trong giai đoạn sắp tới.

Tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 130 km bờ biển, điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển du lịch biển - đảo trong hiện tại và tương lai
Tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 130 km bờ biển, điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển du lịch biển - đảo trong hiện tại và tương lai

Quảng Ngãi là tỉnh ven biển nằm ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, có đường bờ biển khá dài, cảnh đẹp thiên nhiên biển đảo và núi rừng, có tiềm năng lớn phát triển du lịch. Tuy nhiên, đến nay, Quảng Ngãi vẫn chưa phát huy tốt tiềm năng du lịch, kinh tế du lịch còn khiêm tốn.

Đa số các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ tại Quảng Ngãi có quy mô nhỏ, phân tán, chưa liên kết với nhau, chưa tạo đặc trưng riêng; Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, sản phẩm dịch vụ du lịch chưa đa dạng phong phú, phương thức tổ chức còn lạc hậu chưa gắn với nhu cầu thị trường. Vì vậy, để thu hút nhiều du khách, phát triển kinh tế du lịch, Quảng Ngãi cần có những giải pháp đồng bộ để nâng cao năng lực canh tranh và thu hút khách du lịch trong thời gian tới.

Tình hình phát triển ngành Du lịch Quảng Ngãi

Khách du lịch: Trong những năm qua, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ngãi tăng đều qua các năm với tố độ tăng bình quân giai đoạn 2017-2019 là 16,3%. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài nên tốc độ tăng trưởng du lịch của Quảng Ngãi có xu hướng giảm mạnh. Khách du lịch nội địa đến Quảng Ngãi, chủ yếu từ các tỉnh miền Nam Bộ, Tây Nam Bộ, miền Bắc và khách nội tỉnh. Khách du lịch đến Quảng Ngãi chủ yếu đến từ các nước: Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Australia, Pháp đến tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, nghiên cứu về chứng tích chiến tranh, tìm hiểu cơ hội đầu tư.

Doanh thu du lịch: Doanh thu du lịch của Quảng Ngãi chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh ăn uống và nguồn thuê phòng, với tỷ trọng đáng kể, khoảng trên 80%. Tiếp theo là thu từ các hoạt động kinh doanh lữ hành; Doanh thu từ các hoạt động mua sắm, dịch vụ vui chơi, giải trí của khách du lịch không đáng kể.

Giải pháp phát triển kinh tế du lịch của tỉnh Quảng Ngãi trong giai đoạn hiện nay  - Ảnh 1

Hoạt động lưu trú và kinh doanh lữ hành: Hoạt động khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng cũng có sự đầu tư, mở rộng và nâng cấp. Năm 2020, Quảng Ngãi có 143 cơ sở kinh doanh lưu trú, trong đó có 30 cơ sởlưu trúđáp ứng đủ điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịc. Quảng Ngãi có 2 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế và 15 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa. Hoạt động này góp phần tổ chức và kết nối các tour du lịch.

Cung ứng sản phẩm, dịch vụ du lịch và khai thác các tuyến du lịch: Hiện nay, các sản phẩm, dịch vụ chủ yếu tại Quảng Ngãi là du lịch tham quan văn hóa - lịch sử; du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo kết hợp với ẩm thực; du lịch thương mại, công vụ. Các tuyến du lịch trong và ngoại tỉnh chưa được khai thác nhiều.

Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch: Quảng Ngãi đã thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư. Trung tâm này thường xuyên cung cấp thông tin, hình ảnh về du lịch; Tổ chức được các đoàn công tác đi xúc tiến đầu tư tại những thị trường mục tiêu như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Bước đầu Quảng Ngãi đã hợp tác, liên kết phát triển du lịch qua hình thức ký kết thỏa thuận đầu tư với các tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Lâm Đồng. Tuy nhiên, hiệu quả xúc tiến chưa cao, kết quả đem lại chưa nhiều do một số nguyên nhân: Nhận thức, quan điểm về công tác quảng bá, xúc chưa phù hợp với xu thế; Tiềm lực xúc tiến du lịch còn hạn chế; Việc tổ chức các sự kiện còn quá ít yếu; Hoạt động xúc tiến du lịch hạn chế do ngân sách tỉnh không đủ khả năng thực hiện.

Giải pháp phát triển kinh tế du lịch của tỉnh Quảng Ngãi trong giai đoạn hiện nay  - Ảnh 2

Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch: Quảng Ngãi có mạng lưới giao thông thuận lợi đường bộ (QL 1A), đường sắt (Bắc Nam) xuyên qua tỉnh; đường thủy (cảng Dung Quất), có cảng đảo Lý Sơn; Đường không với sân bay Chu Lai. Cùng với đó, mạng lưới thông tin liên lạc, dịch vụ bưu chính viễn thông có sự phát triển, internet thông suốt; hệ thống chuyển gửi, phát nhanh thuận lợi, đáp ứng yêu cầu. Hệ thống điện đảm bảo cung cấp như cầu sản xuất, kinh doanh. Hệ thống cấp nước hiện nay đã tương đối ổn định nhờ việc nâng công suất nhà máy nước của tỉnh từ 4.000m3/ngày-đêm lên 10.000m3/ngày-đêm. Khu kinh tế Dung Quất có Nhà máy nước công suất 10.000m3/ngày-đêm.

Nguồn nhân lực ngành Du lịch: Số lượng lao động trong ngành du lịch Quảng Ngãi tăng dần trong giai đoạn (năm 1017 là 5.350 người; năm 2018 là 6.760 người; năm 2019 là 7.540 người). Thời gia qua, Quảng Ngãi đã ban hành một số chủ trương, chính sách về phát triển nguồn nhân lực. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, Quảng Ngãi chưa có cơ sở giáo dục nào đào tạo hoặc liên kết đào tạo nghiệp vụ du lịch; Chính quyền chưa thật sự quan tâm đúng mức; Tỉnh chưa tổ chức các lớp bồi dưỡng cho cán bộ quản lý du lịch; Chế độ, chính sách khuyến khích cho cán bộ, công chức chưa hấp dẫn; Chưa có kế hoạch cụ thể về bố trí sử dụng cán bộ sau đào tạo; Trong điều tiết nhân lực còn có sự mất cân đối.

Một số thuận lợi và thách thức

Tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 130 km bờ biển, điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển du lịch biển - đảo trong hiện tại và tương lai. Về di tích, Quảng Ngãi có 166 di tích cấp tỉnh và 26 di tích cấp quốc gia, điển hình như: Trường Lũy, Khu Chứng tích Sơn Mỹ... và các danh thắng nổi tiếng như: Mỹ Khê, Thiên Ấn, Sa Huỳnh, Thác Trắng (Minh Long), Suối Chí (Nghĩa Hành)...; có những bãi biển đẹp như Mỹ Khê, Sa Huỳnh, Minh Tân, Khe Hai; Có nhiều làng nghề như: Dệt chiếu ở Nghĩa Hòa, Cổ Lũy, Làng đúc đồng Chú Tượng, Làng dệt thổ cẩm Ba Thành, Làng hoa, Làng rau ở Nghĩa Dõng, Nghĩa Dũng, Nghĩa Hiệp... Bên cạnh đó, Quảng Ngãi còn có những đặc sản như: Cá bống Sông Trà, cá Niên miền ngược, mạch nha, đường phổi, đường phèn, kẹo gương, hành tỏi Lý Sơn… Lễ hội có Cầu ngư, Lễ hội ăn trâu, Ngã rạ; những loại hình diễn xướng dân gian, những nhạc cụ độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số...

Về hạ tầng kỹ thuật, hiện nay, toàn Tỉnh có khoảng 80 cơ sở lưu trú với tổng số buồng lên đến 2.000 buồng; có 10 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành và trong số này có 2 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế. Trên địa bàn Tỉnh, có nhiều doanh nghiệp tập trung phát triển vận tải khách du lịch bằng ô tô; riêng tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn có 4 tàu cao tốc, đáp ứng nhu cầu đi lại cho nhân dân nói chung và khách du lịch nói riêng khi đến thăm thú, khám phá đất đảo.

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi trên, ngành Du lịch Quảng Ngãi cũng đối mặt với một số yếu tố bất lợi như: Nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch chưa qua đào tạo còn nhiều. Chất lượng dịch vụ du lịch chưa đạt theo yêu cầu của du khách… Về đầu tư, vốn đối ứng cho phát triển du lịch trong những năm qua còn hạn hẹp, chủ yếu dựa vào vốn của chương trình mục tiêu quốc gia nên không đảm bảo nguồn. Mặt khác, bộ phận tham mưu quản lý Nhà nước về du lịch chưa được chú trọng. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch còn nhiều bất cập, tính chuyên nghiệp chưa cao…

Giải pháp phát triển kinh tế du lịch Quảng Ngãi

Để phát huy tiềm năng phát triển du lịch trong giai đoạn tới, Quảng Ngãi cần tập trung thực hiện một số giải pháp gồm:

Thứ nhất, tăng cường đầu tư phát triển du lịch: Bên cạnh việc phát huy, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, huy động các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, Quảng Ngãi cần thực hiện tốt một công tác tạo nguồn vốn, đầu tư có mục tiêu, hạn chế dàn trải. Để thu hút đầu tư cần phải huy động vốn doanh nghiệp và cộng đồng. Theo đó, cần cải tiến định chế tài chính, chính sách đầu tư theo hướng khuyến khích đầu tư; đẩy mạnh cổ phần hóa một số đơn vị của nhà nước; tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế chính sách về hoạt động doanh nghiệp. Mặt khác, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư nước ngoài để thu hút các dự án lớn, chú trọng thu hút các tập đoàn để tận dụng kinh nghiệm, vốn, thị trường.

Thứ hai, phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch: Cơ quan quản lý cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa huy động mọi thành phần kinh tế, nguồn lực đầu tư cho cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; Cần quy hoạch sắp xếp và xây dựng các cơ sở dịch vụ: khách sạn, y tế, ăn uống, vui chơi giải trí…; Quản lý chặt chẽ các loại dịch vụ, phí dịch vụ phục vụ du khách; Nâng cao ý thức phục vụ trong kinh doanh, tránh làm mất giá trị văn hóa truyền thống của người Việt. Đồng thời, phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nhất là các chuỗi liên kết và dịch vụ, đáp ứng các bộ tiêu chuẩn du lịch quốc tế, đi đôi với bảo tồn, phát triển, quảng bá hình ảnh và phát huy vai trò các vùng di tích lịch sử, các điểm đến và khu du lịch; Xây dựng hình ảnh và thương hiệu, nhận diện du lịch địa phương có chiều sâu và tầm cao.

Quảng Ngãi có thể phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch về biển và núi, kết hợp với hình thức du lịch cộng đồng để có thể vừa tạo sự mới lạ cho du khách vừa mang lại thu nhập do dân cư địa phương.

Thứ ba, phát triển gắn với bảo vệ, bảo tồn tài nguyên, môi trường: Để duy trì và phát huy tài nguyên du lịch, Quảng Ngãi cần hợp tác chặt chẽ giữa các địa phương, ngành để giám sát việc thực thi luật về môi trường. Các dự án đầu tư xây dựng các khu du lịch phải thực hiện nghiêm báo cáo đánh giá tác động môi trường; Các khu, điểm du lịch phải xây dựng Quy chế bảo vệ môi trường; bảo tồn, tôn tạo các điểm đến, danh thắng…

Thứ tư, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch: Tập trung thu hút có lựa chọn các phân đoạn thị trường khách du lịch; Phát triển mạnh thị trường du lịch nội địa, chú trọng phân đoạn khách nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, nghỉ cuối tuần và mua sắm; Đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế qua hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng chuyên nghiệp nhằm vào thị trường mục tiêu, lấy sản phẩm du lịch và thương hiệu du lịch là trọng tâm; quảng bá du lịch gắn với quảng bá hình ảnh quốc gia; gắn xúc tiến du lịch với xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư và ngoại giao, văn hóa.

Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực du lịch: Đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch có chuyên môn nghiệp vụ cao, đạo đức nghề nghiệp tốt; phát triển hệ thống các trường đào tạo nghề du lịch trên địa bàn thành phố, ưu tiên phát triển hệ thống đào tạo tại chỗ của các doanh nghiệp; tăng cường các chương trình tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng quản lý du lịch, phổ biến chính sách phát triển du lịch bền vững.

Thứ sáu, tăng cường nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với phát triển sản phẩm du lịch: Tổ chức các chương trình tập huấn về kỹ năng phục vụ khách du lịch đối với các địa bàn phát triển du lịch cộng đồng; phát triển lực lượng thuyết minh viên tại điểm là người địa phương đối với các điểm du lịch văn hoá, làng nghề, làng cổ thông qua chương trình tập huấn, hỗ trợ người dân; tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức, đạo đức kinh doanh du lịch của các hộ kinh doanh cá thể dịch vụ du lịch trên địa bàn; phổ biến áp dụng bộ Quy tắc ứng xử với khách du lịch.

Tài liệu tham khảo:

1. Cao Thanh Thuận (2011), “Nghiên cứu phát triển du lịch huyện đảo lý Sơn - tỉnh Quảng Ngãi”. Luận văn Tiến sĩ;

2. Trần Thị Ngọc Liên, Huỳnh Văn Chương, Đỗ Mạnh Hùng, “Đánh giá khả năng thu hút của điểm đến du lịch Lý Sơn, Quảng Ngãi”, Tạp chí Khoa học Đại học Huế: Kinh tế và phát triển, 130(5A), 111-121. (2015);

3. Trần Thị Trương, Nguyễn Quốc Tuấn, "Một số vấn đề phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch ở tỉnh Quảng Ngãi", (2019);

4. Phạm, Việt Hùng, Xuân Thủy Lại, Hữu Tuấn Trần, "Các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch tỉnh Quảng Ngãi”, (2017).

(*) Mai Thị Thanh Thuý - Trường Đại học Tài chính Kế toán

Nguyễn Ngọc Nam - Trường Đại học Công Nghiệp TP. Hồ Chí Minh

(**) Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 8/2021