Kinh tế du lịch trong mối quan hệ với hội nhập quốc tế
Kinh tế du lịch đã và đang chiếm vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia. Đối với nước ta, lợi ích ngành kinh tế du lịch mang lại là rất lớn, không chỉ dưới góc độ đóng góp vào GDP, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, mà nó còn là phương thức để kết nối – giao lưu văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu và toàn diện trong các mối quan hệ song phương, đa phương trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và những vấn đề chung hướng tới mục tiêu thiên niên kỷ có tác động thúc đẩy sự phát triển, đồng thời cũng tạo ra các cơ hội và thách thức đối với kinh tế du lịch Việt Nam.
Vai trò của kinh tế du lịch đối với hội nhập quốc tế
Kinh tế du lịch là một hệ thống phức hợp những quan hệ và hoạt động kinh tế của các chủ thể tham gia trong quá trình tổ chức sản xuất, cung ứng và tiêu dùng những sản phẩm, dịch vụ du lịch, nhằm đem lại lợi ích kinh tế, xã hội cho các bên tham gia và tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, kinh tế du lịch có vai trò quan trọng, góp phần vào tiến trình hội nhập quốc tế và thực hiện đường lối đối ngoại của các quốc gia. Ngược lại, hội nhập quốc tế cũng có những tác động lớn đến kinh tế du lịch, mối quan hệ biện chứng này được thể hiện ở các khía cạnh sau:
Kinh tế du lịch góp phần thúc đẩy phân công lao động, hợp tác khu vực và quốc tế: Phân công lao động quốc tế ngày càng phát triển và bao trùm toàn bộ nền kinh tế thế giới khi quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ. Đối với hoạt động kinh tế du lịch, sự phân công lao động và hợp tác quốc tế ngày càng trở nên rõ nét hơn. Kinh tế du lịch là ngành sản xuất ra sản phẩm du lịch để cung ứng ra thị trường với sự kết hợp của một chuỗi các dịch vụ khác nhau, để có được sản phẩm chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu thị trường đòi hỏi phải có sự phân công lao động, chuyên môn hóa rất cao trong các công đoạn, phân khúc sản phẩm.
Các tuyến du lịch giữa các quốc gia được gắn kết với nhau để đáp ứng nhu cầu du lịch ở nhiều nước trong một chuyến hành trình của du khách, theo đó, sản phẩm và dịch vụ du lịch phải được quốc tế hóa cao, là cầu nối gắn kết giữa thị trường trong nước với thị trường nước ngoài. Xu hướng tất yếu hiện nay đòi hỏi các quốc gia phải liên kết trong phát triển nói chung và phát triển kinh tế du lịch nói riêng, qua đó có thể thấy, kinh tế du lịch góp phần vào thúc đẩy phân công lao động, hợp tác khu vực và quốc tế.
Kinh tế du lịch góp phần tăng cường giao lưu, hội nhập của quốc gia với khu vực và quốc tế: Sự tác động qua lại của các yếu tố như: điều kiện tự nhiên, tâm lý xã hội, môi trường sống, đối tượng khách du lịch… khiến cho kinh tế du lịch luôn có sự vận động phát triển không ngừng. Chính tư tưởng chấp nhận cái cũ, bó buộc trong những mô - típ quen thuộc, không chịu đổi mới đã tạo ra sự thất bại của kinh tế du lịch ở một số quốc gia. Từ đó, đặt ra yêu cầu đối với phát triển kinh tế du lịch là phải mở rộng liên kết, hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Đối với những đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ du lịch sở tại thì cần mở rộng các mối quan hệ để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm nhằm tạo ra được những sản phẩm phong phú, đa dạng, có sự khác biệt và tận dụng được lợi thế so sánh. Đối với cộng đồng dân cư tại điểm du lịch, thông qua hoạt động của kinh tế du lịch, cộng đồng cư dân cũng được giao lưu và tiếp biến các giá trị văn hóa của các đối tượng khác nhau đến nơi đây.
Nghĩa là, người dân vừa là chủ thể vừa là đối tượng của quá trình giao lưu văn hóa. Chính họ là người đem những giá trị văn hóa của vùng giao lưu với các vùng, các khu vực và các quốc gia trên thế giới, đồng thời cũng là đối tượng tiếp thu những ảnh hưởng những nét văn hóa mới được du nhập thông qua hoạt động của kinh tế du lịch. Ngoài ra, khách du lịch cũng góp phần mang đến và mang theo những giá trị văn hóa mới. Đây cũng chính là chủ thể góp phần trong quá trình giao lưu giữa các quốc gia, khu vực.
Xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên thế giới hiện nay cho thấy, giá trị của các ngành dịch vụ ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong tổng sản phẩm xã hội. Do vậy, khi các nhà kinh doanh đi tìm hiệu quả của đồng vốn, du lịch là một lĩnh vực kinh doanh hấp dẫn so với nhiều ngành kinh tế khác.
Kinh tế du lịch góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tham gia mở rộng thị trường nội địa và quốc tế: Xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên thế giới hiện nay cho thấy, giá trị của các ngành dịch vụ ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong tổng sản phẩm xã hội. Do vậy, khi các nhà kinh doanh đi tìm hiệu quả của đồng vốn, thì du lịch là một lĩnh vực kinh doanh hấp dẫn so với nhiều ngành kinh tế khác. Kinh tế du lịch đem lại tỷ suất lợi nhuận cao, vốn đầu tư vào du lịch tương đối ít so với ngành công nghiệp nặng, giao thông vận tải mà khả năng thu hồi vốn nhanh, kỹ thuật không phức tạp, mức độ rủi ro thấp. Đặc biệt, thông qua hợp tác quốc tế và khu vực trong lĩnh vực du lịch, các quốc gia có thể tận dụng lợi thế để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Do vậy, phát triển kinh tế du lịch được coi là một kênh khá quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài cho phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Kinh tế du lịch phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của các ngành kinh tế khác vì sản phẩm du lịch mang tính liên ngành có quan hệ đến nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế. Xuất phát từ nhu cầu này của du khách mà ngành du lịch không ngừng mở rộng hoạt động thông qua mối quan hệ liên ngành, liên vùng và liên quốc gia. Do đó, kinh tế du lịch tham gia mở rộng thị trường nội địa và quốc tế cho mỗi quốc gia.
Tác động của hội nhập quốc tế đối với kinh tế du lịch
Quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện trong các mối quan hệ song phương, đa phương trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và những vấn đề chung hướng tới mục tiêu thiên niên kỷ có tác động thúc đẩy sự phát triển, đồng thời cũng tạo ra các cơ hội và thách thức đối với kinh tế du lịch. Cụ thể:
Hội nhập quốc tế tạo cơ hội phát triển kinh tế du lịch
- Cơ hội mở rộng thị trường khách du lịch và quảng bá hình ảnh của quốc gia, khu vực: Hội nhập quốc tế làm xóa đi ranh giới giữa các quốc gia, khu vực là điều không thể phủ nhận. hội nhập quốc tế thúc đẩy sự thịnh vượng chung của các quốc gia kéo theo việc tạo điều kiện phát triển cho tự do hóa thương mại, chính sách thị thực được nới lỏng, các hãng hàng không giá rẻ bùng nổ, từ đó gia tăng đi lại giữa các nước… Đây là điều kiện thuận lợi để thu hút khách du lịch quốc tế nhiều hơn, nhờ đó mà hình ảnh cũng như sản phẩm du lịch được quảng bá với thị trường khách quốc tế ngay tại điểm du lịch mà không cần thực hiện các chiến dịch truyền thông hay quảng bá.
- Cơ hội được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến: Hội nhập quốc tế giúp cho hoạt động kinh tế du lịch được tiến xa hơn thông qua trao đổi kinh nghiệm với đối tác cũng như tham khảo, học hỏi trình độ quản lý tiên tiến từ các tập đoàn, doanh nghiệp du lịch nước ngoài. Hơn nữa, các doanh nghiệp nước ngoài muốn kinh doanh tại vùng sẽ phải hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nhân lực cho vùng, đồng thời mang theo tiến bộ khoa học công nghệ đưa vào ứng dụng. Từ đó, kinh tế du lịch ở các quốc gia có cơ hội cải cách mạnh mẽ.
- Cơ hội để đổi mới tư duy về phát triển kinh tế du lịch: Trong bối cảnh hội nhập, trước yêu cầu phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn tương xứng với tiềm năng, đòi hỏi phải đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế du lịch. Việc đổi mới tư duy phát triển vừa đảm bảo phát huy được tiềm năng, thế mạnh, tạo ra sản phẩm du lịch cạnh tranh, vừa mang giá trị bản sắc và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế. Hội nhập quốc tế tạo sức ép buộc các doanh nghiệp kinh doanh du lịch phải nâng cao sức mạnh nội lực, phải đổi mới mạnh mẽ chính mình, trước hết là đổi mới tư duy nếu muốn tồn tại và phát triển.
- Cơ hội liên kết mở rộng các tuyến du lịch và các loại hình du lịch mới: Thông qua quá trình giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và hợp tác, các doanh nghiệp du lịch ở các quốc gia sẽ có cơ hội liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài, tạo ra các chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng và hấp dẫn, vừa mang bản sắc của quốc gia, khu vực, vừa phù hợp với xu thế phát triển hiện đại, đem lại lợi ích kinh tế cao.
- Cơ hội có được hệ thống chính sách hỗ trợ hiệu quả: Hội nhập quốc tế mang lại rất nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế nói chung ở các quốc gia. Tuy nhiên, để đạt được các kết quả mong muốn không chỉ cần sự cố gắng của bản thân doanh nghiệp mà còn cần đến sự hỗ trợ rất nhiều của Nhà nước thông qua các cơ chế chính sách thông thoáng và phù hợp. Với nhận thức về tầm quan trọng của hội nhập quốc tế trong phát triển kinh tế du lịch, Nhà nước ta đang từng bước cải cách hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư cho du lịch cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch phát triển và vươn ra bên ngoài biên giới.
Hội nhập quốc tế tạo ra những thách thức đối với sự phát triển kinh tế du lịch
- Hội nhập quốc tế làm gia tăng sức ép cạnh tranh cho kinh tế du lịch của các quốc gia: Cạnh tranh là một yếu tố tất yếu của nền kinh tế thị trường và nó càng được đẩy lên cao hơn trong bối cảnh hội nhập quốc tế - khi mà kinh tế du lịch được đặt chung trong một thị trường ở vị trí ngang hàng giữa các quốc gia đang phát triển và các quốc gia phát triển. Các sản phẩm du lịch ở một số quốc gia chưa phát triển về kinh tế du lịch có nguy cơ bị lấn át trước các sản phẩm đã có thương hiệu trên thế giới, điều này khiến các quốc gia này rơi vào thế nguy hiểm, đòi hỏi phải có tiềm lực tự thân rất lớn về chất lượng nguồn nhân lực cùng các điều kiện về vốn, hạ tầng du lịch và sự phát triển đồng đều của nhiều ngành liên quan khác như giao thông vận tải, văn hóa…để phục vụ cho du lịch phát triển.
- Hội nhập quốc tế làm gia tăng sự phụ thuộc về khách du lịch của các quốc gia vào thị trường nước ngoài: Hội nhập quốc tế làm cho lượng khách quốc tế đến với các quốc gia nhiều hơn. Khi lượng khách du lịch của một quốc gia dựa vào lượng khách quốc tế thì sự phụ thuộc của kinh tế du lịch vào thị trường nước ngoài là điều hiển nhiên, nếu không có những giải pháp để ứng phó với sự phụ thuộc này rất có thể thời cơ sẽ biến thành thách thức.
Kinh tế du lịch là một hệ thống phức hợp những quan hệ và hoạt động kinh tế của các chủ thể tham gia trong quá trình tổ chức sản xuất, cung ứng và tiêu dùng những sản phẩm, dịch vụ du lịch, nhằm đem lại lợi ích kinh tế, xã hội cho các bên tham gia và tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
- Hội nhập quốc tế tạo ra những thách thức trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc: Hội nhập quốc tế khiến cho sự giao thoa giữa các nền văn hóa ngày càng sâu, rộng hơn, điều đó khiến cho mỗi quốc gia bị “quên mình” trong sự đa dạng của văn hóa thế giới. Những nét đặc trưng văn hóa và bản sắc riêng đứng trước nguy cơ bị pha trộn, “hòa tan”, hệ giá trị truyền thống có thể bị mai một nếu không được khẳng định, gìn giữ và phát huy. Bên cạnh cơ hội tiếp thu giá trị tinh hoa văn hóa của thế giới là nguy cơ việc tiếp thu thiếu chọn lọc, tràn lan, thỏa hiệp dẫn đến bị mất bản sắc, giá trị văn hóa truyền thống của mỗi quốc gia dân tộc.
Như vậy, kinh tế du lịch và hội nhập quốc tế có mối quan hệ chặt chẽ, tác động đan xen. Cùng với rất nhiều những khó khăn và thách thức, nhưng hội nhập quốc tế là xu hướng tất yếu mà quốc gia nào cũng cần hòa mình để phát triển. Với sự độc lập, tự chủ, hòa nhập nhưng không “hòa tan”, lấy xây dựng và phát huy nội lực là chính, huy động và phát huy ngoại lực là quan trọng, mỗi quốc gia cần đặt ra nhiệm vụ phải đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch có chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hóa, gắn với phát triển bền vững, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và toàn vẹn lãnh thổ, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội hiện đại và hội nhập quốc tế.
Tài liệu tham khảo:
- Đổng Ngọc Minh, Vương Lôi Đình (2009), Kinh tế du lịch và du lịch học,
NXB Trẻ, Hà Nội; - Hà Thị Hương Giang (2014), Một số tác động của hội nhập ASEAN và những vấn đề đặt ra trong nghiên cứu và phát triển du lịch, Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch, Hà Nội;
- Nguyễn Quang Vinh (2012), Khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch lữ hành quốc tế Việt Nam sau khi Việt Nam ra nhập WTO, Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.