Giải pháp tăng cung cho thị trường bất động sản

TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam/batdongsan.enternews.vn

Trước thực trạng khan hiếm nguồn cung, lệch pha cung cầu khiến giá bất động sản (BĐS) tăng cao việc sớm có giải pháp cải thiện nguồn cung chính là chìa khóa để ổn định thị trường.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thị trường gặp khó khăn kép

Trong năm 2021, thị trường BĐS đã trải qua giai đoạn khó khăn kép khi vừa chịu ảnh hưởng chung của đại dịch COVID-19 và khan hiếm nguồn cung ngày càng trầm trọng. Tình trạng trên đã khiến giá nhà đất liên tục thiết lập mặt bằng giá mới.

Theo thống kê của VARs, nếu như trong quý III/2020, cả nước ghi nhận tổng số nguồn cung 79.933 sản phẩm được đưa ra thị trường thì tại thời điểm quý III/2021 tỷ lệ trên chỉ ở mức 35.852 sản phẩm, tức mức cung đã suy giảm đến trên 55% so với cùng kỳ.

Nguồn cung trên thị trường đã có sự sụt giảm từ những năm trước nhưng trong năm 2021 tiếp tục bị sụt giảm mạnh bởi dịch bệnh COVID-19 nhất là trong quý III/2021 cũng như các vướng mắc về cơ chế chính sách vẫn chưa được tháo gỡ một cách triệt để.

Cụ thể, đang có đến khoảng 400 dự án nhà ở thương mại trên cả nước bị vướng quy định công nhận chủ đầu tư tại điều 75 Luật đầu tư.

Thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng còn nhiều vướng mắc về pháp lý vẫn chưa được tháo gỡ cộng với ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 khiến cho phân khúc này gặp khó khăn hơn bao giờ hết, các chủ đầu tư không dám phát triển dự án mới cũng như tỷ lệ hấp thụ rất chậm.

Đối với phân khúc BĐS công nghiệp, dù được xem là điểm sáng trong dịch bệnh nhưng thực tế cho thấy ngoài sản phẩm lõi là hạ tầng khu công nghiệp cho thuê được hưởng lợi nhất định thì vẫn còn không ít vấn đề đặt ra. Cụ thể, nguồn cung nhà ở xã hội cho công nhân mua, thuê, thuê mua hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và nguồn cung cho phân khúc này cũng chưa thể cải thiện ngay do còn có những vướng mắc về chính sách cũng như bản thân các doanh nghiệp làm hạ tầng khu công nghiệp chưa mặn mà.

Đặc biệt, trong khi còn thiếu nguồn cung nhà ở tập trung cho công nhân thì theo thống kê, phân khúc nhà ở cho công nhân thuê ven các khu công nghiệp cũng bị ảnh hưởng đáng kể khi số lượng nhà bị trả lại do dịch bệnh ước khoảng 30%.

Bên cạnh đó, các phân khúc khác như BĐS bán lẻ và thương mại cũng trong cảnh rất khó khăn khi số lượng mặt bằng cho thuê bán lẻ ở hạng B và C bị trả lại khoảng 30% cũng như có đến trên 50% cửa hàng bán lẻ ngoài phố phải dừng hoạt động.

Chìa khóa cải thiện nguồn cung

Thị trường năm 2022 dự báo giá BĐS sẽ tiếp tục leo cao và tình trạng mất cân đối cung cầu ngày càng trở nên nghiêm trọng nhất là tại các đô thị như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, do dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và sự xuất hiện của biến chủng mới có thể sẽ khiến các hoạt động đầu tư xây dựng, mở bán bị gián đoạn và việc cải thiện nguồn cung gặp khó. Trong bối cảnh đó, các giải pháp đồng bộ nhằm cải thiện nguồn cung được xem là chìa khóa gỡ khó cho thị trường.

Trong ngắn hạn, việc tiếp tục rà soát các mâu thuẫn, chồng chéo của pháp luật để kịp thời tháo gỡ cho việc phê duyệt dự án trước khi sửa Luật là rất cần thiết. Ngoài ra, cũng có thể xem xét việc thành lập một cơ quan chuyên biệt có năng lực và khả năng tiếp nhận, xử lý vướng mắc thuộc thẩm quyền Chính phủ nhằm hỗ trợ cho các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó cũng cần đôn đốc các địa phương đẩy mạnh tiến độ phê duyệt thủ tục đầu tư cho các dự án BĐS cũng như có chế tài xử lý những địa phương không sâu sát, để tồn đọng nhiều hồ sơ kéo dài.

Về giải pháp lâu dài, bên cạnh việc quy chuẩn và tối ưu hóa các quy định của pháp luật để lành mạnh hóa thị trường cần sử dụng linh hoạt các công cụ thuế để điều tiết cung cầu, giá bất động sản.

Ngoài ra, cũng cần công bố thông tin dữ liệu về các dự án BĐS được chấp thuận đầu tư, kế hoạch và quy hoạch sử dụng đất tại các địa phương, dự án được phép giao dịch trên thị trường cũng như biến động giá BĐS để toàn dân dễ nhận biết.