Cung chưa đủ cầu!
Theo Quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ các loại nhà ở cần đầu tư xây dựng trong các dự án tại các khu vực có khả năng bố trí nhà ở xã hội theo quy hoạch là 90% nhà ở chung cư; 10% là nhà ở riêng lẻ. Tỷ lệ diện tích sàn nhà ở để cho thuê trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phải đạt tối thiểu 30% tổng diện tích sàn tại dự án.
TP. Hà Nội cũng xác định cụ thể diện tích sàn nhà ở của các phân khúc hàng năm giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể, năm 2021, phát triển 5.267.000m2 sàn nhà ở, trong đó có 88.000m2 sàn nhà ở xã hội; 106.000m2 sàn nhà tái định cư; 573.000m2 sàn nhà ở thương mại; 4.500.000m2 nhà ở riêng lẻ.
Năm 2022, phát triển 8.419.000m2 sàn nhà ở, trong đó, có 241.000m2 sàn nhà ở xã hội; 152.000m2 sàn nhà ở tái định cư; 3.526.000m2 sàn nhà ở thương mại; 4.500.000m2 sàn nhà ở riêng lẻ.
Năm 2023, phát triển 9.514.000m2 sàn nhà ở, trong đó có 192.000m2 sàn nhà ở xã hội; 88.000m2 sàn nhà ở tái định cư; 4.734.000m2 sàn nhà ở thương mại; 4.500.000m2 sàn nhà ở riêng lẻ. Năm 2024, phát triển 9.696.000m2 sàn nhà ở, trong đó có 239.000m2 sàn nhà ở xã hội; 92.000m2 sàn nhà ở tái định cư; 4.865.000m2 sàn nhà ở thương mại; 4.500.000m2 sàn nhà ở riêng lẻ.
Năm 2025, phát triển 11.104.000m2 sàn nhà ở, trong đó có 409.000m2 sàn nhà ở xã hội; 122.000m2 sàn nhà ở tái định cư; 5.992.000m2 sàn nhà ở thương mại; 4.500.000m2 sàn nhà ở riêng lẻ. Tổng diện tích sàn nhà ở phát triển giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 44 triệu mét vuông; diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn thành phố đạt 29,5m2 sàn/người.
Để thực hiện kế hoạch này, thành phố dự kiến nhu cầu vốn khoảng 437.000 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách khoảng hơn 5.800 tỷ đồng đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư, phát triển nhà ở xã hội và phục vụ công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ. Bên cạnh đó, thành phố cũng huy động nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện đầu tư, xây dựng nhà ở thương mại; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, nhà ở tái định cư.
Nhu cầu nhà ở của các đối tượng có thu nhập thấp, trung bình là có thực. Vậy nhưng không chỉ với Hà Nội mà tại nhiều địa phương khác, việc phát triển loại hình nhà ở này còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí, không thể phát triển được. Lý do thì có nhiều, tuy nhiên mấu chốt vẫn là khó khăn về nguồn vốn và quỹ đất. Nguyên nhân nữa là các chính sách.
Hiện nay, hệ thống chính sách về thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đã được xây dựng khá đầy đủ. Bộ Xây dựng cũng ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn nhưng vướng mắc là ở khâu tổ chức thực hiện ở các địa phương.
Điều quan trọng hơn nữa, cũng là thực tế ở không ít địa phương đó là việc nhà ở xã hội có đến được đối tượng có nhu cầu hay không chứ không phải theo kiểu nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp nhưng sân để xe lại toàn xe hơi.
Ở tầm vĩ mô, như ý kiến của nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thì cần phải trở lại nguyên lý thị trường, giải quyết vấn đề cung - cầu. Thị trường cần có đủ quỹ nhà ở để bán với mức giá hợp lý, diện tích phù hợp với nhu cầu của đại đa số người dân chứ không thể cung không đủ cầu như hiện nay.