Giải pháp tăng cung ứng vốn cho doanh nghiệp

Theo Diễm Ngọc/diendandoanhnghiep.vn

Cần tạo ra môi trường lành mạnh, để các doanh nghiệp có thêm cơ hội huy động nguồn lực từ trong và ngoài nước cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bên cạnh nguồn vốn truyền thống mang lại.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Vốn giá rẻ có cạn kiệt?

Đến cuối tháng 5/2022, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tín dụng đã đạt mức 11 triệu tỷ đồng, tăng 7,66% so với năm 2021. Tín dụng tăng mạnh trong quý đầu tiên đã phần nào phản ánh nhu cầu vốn cấp thiết của nền kinh tế nhằm khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh sau đại dịch COVID-19.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ, hiện nay các doanh nghiệp có rất nhiều việc phải làm, tiêu biểu như áp dụng số hóa, đầu tư cho các phương thức bán hàng mới, các hoạt động đổi mới sáng tạo phù hợp với thị hiếu, thói quen mới của người tiêu dùng. Thêm vào đó, nguyên liệu đầu vào có sự xáo trộn đối với các doanh nghiệp sản xuất. Từ những yếu tố này đã đặt ra bài toán vốn vô cùng cấp thiết cho doanh nghiệp.

Dù vậy, lãi suất huy động tại các ngân hàng liên tục nhích tăng nhiều tháng qua, khiến giới doanh nghiệp không khỏi lo lắng về lãi suất cho vay và liệu dòng vốn rẻ có cạn kiệt? Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính đánh giá, do lãi suất huy động đã hạ xuống rất thấp nhằm giảm lãi vay trong suốt 2 năm đại dịch, nên dòng vốn từ tiền gửi tiết kiệm của ngân hàng đã có sự dịch chuyển qua thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản.

Vì thế, tăng trưởng vốn tiết kiệm chậm hơn nhiều so với các thời gian trước, đồng thời tăng trưởng chậm hơn tốc độ tăng trưởng của vốn tín dụng và khi lãi suất huy động tăng, thì lãi suất cho vay cũng sẽ có nhu cầu tăng lên.

“Chúng tôi hy vọng lãi suất cho vay trong thời gian từ nay đến cuối năm chỉ tăng khoảng 0,5 - 1 % so với mức lãi suất hiện hành. Đặc biệt, vấn đề vay vốn ngân hàng luôn luôn là khó khăn với các doanh nghiệp, vì các doanh nghiệp phải đảm bảo đủ điều kiện về tài sản đảm bảo, không có nợ xấu, cũng như khả năng thanh khoản,... thì lúc đó mới được phê duyệt của ngân hàng. Như vậy đòi hỏi phía doanh nghiệp phải có các kế hoạch sản xuất kinh doanh, có lịch sử tài chính tốt thì mới tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất phù hợp”, vị PGS nói.

Tuy nhiên, thách thức không chỉ đến từ phía doanh nghiệp, mà còn đến cả từ phía ngân hàng. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam bày tỏ, áp lực với ngân hàng hiện nay là vấn đề nợ xấu. Trong thời gian tới sẽ gia tăng khi Thông tư số 14 của Ngân hàng Nhà nước đến 30/6/2022 hết hiệu lực, thì các ngân hàng phải có kế hoạch, chiến lược trích lập dự phòng rủi ro nhằm đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, còn có vấn đề về lãi suất huy động vốn hiện nay đang có chiều hướng gia tăng và chỉ có tăng thì mới tiếp tục huy động được vốn. Trong khi đó, tốc độ tăng của huy động vốn sẽ cao hơn tốc độ tăng về lãi suất cho vay, nên cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng năm 2022.

Mở rộng quy mô thị trường tài chính

Đồng tình với các quan điểm trên, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho biết, việc cung ứng vốn tín dụng những tháng đầu năm 2022 đã chứng tỏ nỗ lực rất lớn từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại. Không ít ngân hàng mới chỉ sau 4-5 tháng đầu năm đã báo cáo sử dụng gần hết “room” tín dụng của mình cho cả năm, đáp ứng một phần nhu cầu vốn của các doanh nghiệp, bởi vì quý 1/2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của chúng ta đã đạt trên 5%.

Trong khi mục tiêu tăng trưởng cả năm tới 6-6,5%, do đó, nhu cầu vốn tín dụng cho các doanh nghiệp trong khu vực sản xuất kinh doanh sẽ tiếp tục tăng. Giai đoạn tới đây, chắc chắn sẽ phải có những chính sách mở rộng thêm về cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, trong bối cảnh phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng.

TS. Ánh lý giải, năm 2022, mục tiêu giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp đặc biệt khó khăn bởi các nguyên nhân như:

Thứ nhất, năm 2020-2021 chúng ta trải qua hai năm có lạm phát thấp, thậm chí chỉ dưới 3% năm 2020 và dưới 2% năm 2021. Nhưng sang đầu năm 2022, lạm phát lại có dấu hiệu đảo chiều thậm chí đã tăng ở mức trên 2,6% trong những tháng đầu năm. Điều đó khiến mục tiêu kiềm chế kiểm soát lạm phá ở mức 4% của cả năm 2022 là khó khăn. Cũng vì thế, cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay buộc phải có những điều chỉnh theo hướng có thể tăng, chứ không thể mong muốn giảm như đã diễn ra trước đó.

Thứ hai, không ít các ngân hàng thương mại đã sử dụng hết hạn mức tín dụng, đồng thời liên quan đến tính thanh khoản ở một số ngân hàng, nên các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động lên, khi đó cơ hội hạ lãi suất cho vay sẽ hạn chế đi.

Thứ ba là vấn đề nợ xấu. Sau khi các Thông tư của Ngân hàng Nhà nước về giãn hoãn nợ hết hiệu lực, thì các khoản nợ xấu, kể cả nợ xấu nội bảng và ngoại bảng của các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng cũng có thể tăng lên. Các ngân hàng sẽ phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, nên rất khó cho họ trong vấn đề giảm lãi suất.

“Đáng chú ý, gần đây, nhiều ngân hàng thương mại có định hướng trong việc tăng vốn điều lệ và tăng cường đầu tư vào các ngân hàng số, vào việc số hóa các hoạt động tài chính ngân hàng. Điều đó khiến đầu tư của họ tăng lên, kéo theo là tăng chi phí hoạt động trong bối cảnh chi phí cho người lao động chi phí vận hành chưa có điều kiện giảm.

Với tất cả các yếu tố đó, mong muốn của chúng ta trong năm 2022 sẽ không phải là kéo giảm lãi suất cho vay mà làm sao để giữ lại suất cho vay ở mức hiện tại, để giúp các doanh nghiệp giảm bớt áp lực tăng chi phí vốn, hay tăng giá thành sản phẩm, kéo theo đó là đẩy lạm phát lên cao”, TS. Vũ Đình Ánh nhận định.

Nhiều ý kiến cho rằng, ngay cả khi lãi suất giảm thấp, nhưng doanh nghiệp cũng vẫn khó tiếp cận vốn. Vấn đề này, vị chuyên gia cho rằng, mặt bằng lãi suất chung hiện nay chỉ khoảng hơn 50% là các doanh nghiệp của Việt Nam có thể tiếp cận được chưa kể rẻ hay đắt. Gần 50% doanh nghiệp còn lại không tiếp cận được ngân hàng, vì thế, khi tăng quy mô cũng như hạn mức tín dụng của các ngân hàng, thì số lượng của các doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn tín dụng này có thể tăng lên trong thời gian tới.

Nhưng thực tế, vốn giá rẻ cũng không đồng đều giữa các ngân hàng thương mại. Ví dụ một số ngân hàng thương mại Nhà nước có mức lãi suất cho vay đối với khách hàng uy tín chỉ khoảng 8% một năm, nhưng hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần ngoài Nhà nước, thì lãi suất cho vay với cả khách hàng uy tín cũng phải dao động ở mức 11 - 12% một năm.

Không chỉ vậy, trong bản thân mỗi một tổ chức tín dụng họ cũng có sự không đồng đều, tùy theo phân loại khách hàng, hay quan hệ giữa khách hàng với tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại. Do đó, với mỗi một doanh nghiệp, khi đặt vấn đề tiếp cận được nguồn vốn rẻ hay không, trước hết phải chọn đối tác của mình và phải tự nâng mình lên, để được xếp vào hạng những doanh nghiệp khách hàng có thể tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ.

Bên cạnh việc hạ lãi suất, TS. Vũ Đình Ánh cũng khuyến nghị, các vấn đề doanh nghiệp rất quan tâm hiện nay đó là thị trường tiêu thụ, năng lực cạnh tranh và cải tiến công nghệ để có thể sớm hiện đại hóa.

Như vậy, bên cạnh các giải pháp về tài chính, về vốn, thì chúng ta cần quan tâm đến nhu cầu trong khu vực doanh nghiệp. Ví dụ về năng lực cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang gặp các vấn đề về năng suất lao động, trang thiết bị, chất lượng sản phẩm, hay giá thành sản phẩm có nhiều hạn chế, kể cả cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như thị trường khu vực và quốc tế.

“Cùng với đó là yếu tố đầu vào, trong bối cảnh các doanh nghiệp hầu hết vẫn phải dựa vào nguồn vốn tín dụng, nhưng có một số nhóm doanh nghiệp vừa qua đã tập trung vào khai thác các nguồn lực khác như phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hay có những doanh nghiệp đã hướng ra thị trường nước ngoài.

Cho nên, chúng ta phải tạo ra môi trường lành mạnh để các doanh nghiệp cả lớn và cả nhỏ và vừa có thêm cơ hội huy động các nguồn lực tài chính từ trong nước, cũng như từ nước ngoài cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bên cạnh nguồn lực vốn truyền thống mang lại. Như vậy, mới có sự đa dạng hóa nguồn vốn, đồng thời giảm bớt áp lực cho hệ thống tài chính ngân hàng trong thời gian tới”, vị chuyên gia đề nghị.