Nguyên tắc hoàn thiện cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp

Văn Tùng

Xác định đúng cơ cấu nguồn vốn là vấn đề rất quan trọng đối với hoạt động tài chính doanh nghiệp, bởi cơ cấu vốn tác động trực tiếp đến rủi ro tài chính doanh nghiệp, tỷ suất sinh lời vốn chủ sở hữu, chi phí sử dụng vốn bình quân và giá trị doanh nghiệp. Để thực hiện được việc đó cần có những nguyên tắc hoàn thiện cơ cấu nguồn vốn

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đảm bảo tính tương thích

 Trong thực tiễn quá trình sản xuất kinh doanh, các nguồn vốn khác nhau có thời gian đáo hạn khác nhau và các loại tài sản khác nhau cũng có có chu kỳ sinh lời rất khác nhau.

Để đảm bảo khả năng thanh toán có thể đạt được tại mọi thời điểm, tối thiểu hoá rủi ro tài chính; việc hoàn thiện cơ cấu nguồn vốn phải đảm bảo tính tương thích giữa thời gian đáo hạn của từng loại nguồn vốn và chu kỳ sinh lời từng loại tài sản tương đồng.

Theo đó, tài sản cố định và tài sản lưu động thường xuyên cần phải được tài trợ bằng nguồn vốn tính dài hạn (nợ vay và vốn chủ sở hữu), tài sản lưu động tạm thời có thời gian hoàn vốn nhanh nên tài trợ bằng nguồn vốn ngắn hạn để tối thiểu hoá rủi ro tài chính cho DN. 

Cân bằng giữa lợi nhuận và rủi ro

 Nguyên tắc này đặt ra yêu cầu phải xem xét đến tác động của đòn bẩy tài chính và đòn bẩy kinh doanh. Nguyên tắc này đòi hỏi phải có sự cân nhắc rất thận trọng giữa lợi nhuận và rủi ro khi quyết định điều chỉnh lại cơ cấu nguồn vốn.

Nếu nhà quản trị tài chính mong muốn sự an toàn trong cơ cấu nguồn vốn, tối thiểu hoá rủi ro tài chính và rủi ro kinh doanh thì phải giảm nợ vay và nguồn vốn huy động được tập trung vào đầu tư hình thành tài sản có tính thanh khoản cao.

Tuy nhiên, khi có sự chắc chắn đáng tin cậy rằng sản lượng sản xuất vượt qua điểm hòa vốn và tỷ suất sinh lời kinh tế của tài sản lớn hơn chi phí lãi vay, việc hoàn thiện cơ cấu nguồn vốn phải theo hướng gia tăng sử dụng đòn bẩy tài chính nhằm khuyếch đại lơi nhuận trước thuế và lãi vay.  

Đảm bảo quyền kiểm soát doanh nghiệp

Nguyên tắc này được xây dựng dựa trên cơ sở chủ sở hữu DN luôn có mục tiêu nắm giữ quyền kiểm soát DN và không muốn chia sẻ quyền kiểm soát DN cho các chủ thể khác. Do quyền kiểm soát đối với DN tỷ lệ thuận với số vốn đóng góp vào DN nên để nguyên tắc này được đảm bảo thì yêu cầu đặt ra đối với nhà quản trị DN trong hoàn thiện cơ cấu nguồn vốn là phải gia tăng tỷ trọng nguồn vốn chủ sở hữu và phải đảm bảo sự gia tăng này đủ lớn để DN đảm bảo về tính độc lập tài chính, từ đó chủ động trong các quyết định quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm thiểu sự phụ thuộc vào các chủ thể khác.

Tài trợ linh hoạt

Nguyên tắc này dựa trên nền tảng về tính chất thời vụ trong kinh doanh. Trong hoạt động kinh doanh, DN luôn có xu hướng mong muốn mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh nhưng nhiều khi điều đó không phải lúc nào cũng thực hiện được. Bởi vậy, để đảm bảo DN chủ động vốn, có đầy đủ vốn trong kinh doanh thì nguồn tài trợ của DN phải có tính linh hoạt.

Để thực hiện nguyên tắc này, DN cần phải có sự điều chỉnh trong cơ cấu nguồn vốn như sau: (i) Cân nhắc tính hợp lý của tỷ trọng nợ vay ngắn hạn trong tổng nợ vay; (ii) Bổ sung các phương thức tài trợ nhằm đa dạng hoá nguồn tài trợ.

Trong từng chu kỳ kinh doanh khác nhau mà việc sử dụng nợ vay ngắn hạn nên có tính chất phù hợp. Việc đa dạng hoá có thể được thực hiện bằng cách thêm phương thức tài trợ từ trái phiếu, thuê tài chính, các loại cổ phiếu, trái phiếu có tính chất lai ghép...

Tối thiểu hoá chi phí sử dụng vốn

Nguyên tắc này được xây dựng trên quan điểm về chi phí sử dụng vốn. Chi phí sử dụng vốn phản ánh mức giá mà DN bỏ ra để đạt được quyền sử dụng vốn trên thị trường. Các nguồn tài trợ khác nhau sẽ có mức chi phí sử dụng vốn hay mức giá vốn khác nhau. Hơn nữa, mức giá vốn này cũng biến động phụ thuộc vào chu kỳ sản xuất kinh doanh của DN.

Do vậy, để tối đá hoá lợi ích của chủ sở hữu DN thì việc hoàn thiện cơ cấu nguồn vốn phải đảm bảo nguyên tắc tối thiểu hoá chi phí sử dụng vốn. Nguyên tắc này đặt ra yêu cầu đối với các nhà quản trị DN phải có năng lực đánh giá và dự báo được xu hương biến động đối với chi phí của các nguồn tài trợ trên thị trường qua đó lựa chọn thời điểm huy động vốn một cách thích hợp.

Việc tuân thủ nguyên tắc này đặt ra yêu cầu cho các DN trong việc hoàn thiện cơ cấu nguồn vốn cần phải nghiêng về phía các nguồn tài trợ có thời gian đáo hạn ngắn và thời gian hoàn trả nợ gốc và lãi vay có thể điểu chỉnh linh hoạt như cổ phiếu ưu đãi, trái phiếu có thể chuyển đổi thành cổ phiếu và các nguồn tài trợ ngắn hạn khác.

Từ những nguyên tắc trên ta có thể đề ra một số trình tự để hoàn thiện cơ cấu vốn trong các doanh nghiệp hiện nay. Nhằm đảm bảo phù hợp với các nguyên tắc đã đề ra và phù hợp với tình hình thực tế tại các DN sản xuất kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh COVID-9 diễn biến phức tạp.