Giải pháp tăng tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện

PV.

Nghiên cứu, sửa đổi bổ sung chính sách theo hướng giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng xuống còn 15 năm, tiến tới còn 10 năm; nâng mức hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước; Chuyên nghiệp hóa đội ngũ làm công tác thu bảo hiểm xã hội tự nguyện… là một trong những giải pháp khuyến khích, thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Cần thực hiện thí điểm gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân
Cần thực hiện thí điểm gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về các giải pháp khuyến khích, thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh) chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ: “Trong những năm qua, tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện tăng hàng năm và đến nay đạt khoảng 243.000 người, trong số này chỉ có 30% là đối tượng tham gia mới, 70% còn lại là những người đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc, đóng tiếp để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Ngoài ra, việc thu hút lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức cũng còn nhiều hạn chế, tỷ lệ thấp. Điều này cho thấy, chính sách khuyến khích thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện còn nhiều khó khăn, bất cập làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách BHXH của Đảng, Nhà nước.

Xin Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng này trong thời gian tới nhằm khuyến khích, thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện”.

Trả lời câu hỏi trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, chính sách BHXH tự nguyện được thực hiện ở nước ta từ ngày 1/1/2008, áp dụng đối với người không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Chính sách BHXH tự nguyện ra đời được sự đón nhận tích cực của người dân, đặc biệt là những người đã gần hết tuổi lao động nhưng chưa tích lũy được đủ 20 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu.

Đến hết năm 2017 số người tham gia là 227.506 người; số thu BHXH tự nguyện trong giai đoạn 2015 - 2017 đạt bình quân trên 1.000 tỷ đồng/năm. Tính đến ngày 31/12/2017, cơ quan BHXH đang chi trả cho khoảng 24 nghìn người hưởng chế độ BHXH tự nguyện hàng tháng với số tiền chi trả là 770 tỷ đồng. Đúng như Đại biểu phản ánh, những trường hợp này đều đã từng có thời gian tham gia BHXH bắt buộc.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện chính sách BHXH tự nguyện vẫn còn nhiều hạn chế, do một số nguyên nhân sau:

Chính sách BHXH tự nguyện mặc dù đã được thiết kế ưu việt về quyền lợi nhưng tính hấp dẫn còn chưa cao trong bối cảnh đối tượng thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện là người lao động thuộc khu vực kinh tế phi chính thức, tính chất công việc không ổn định, mặt bằng bình quân thu nhập thấp, điều kiện kinh tế còn khó khăn; thời gian đóng tối thiểu để hưởng lương hưu dài (20 năm); mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước còn thấp…

Để khắc phục những hạn chế trên, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: Nghiên cứu, sửa đổi bổ sung chính sách theo hướng giảm thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng xuống còn 15 năm, tiến tới còn 10 năm; Nâng mức hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước; Thực hiện thí điểm gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân; Gắn quyền lợi tham gia BHXH tự nguyện với các ưu đãi khác của Nhà nước (ví dụ ưu đãi vay vốn sản xuất kinh doanh); Giao chỉ tiêu phát triển tham gia bảo hiểm xã hội cho các địa phương.

Cùng với các giải pháp trên, cần chuyên nghiệp hóa đội ngũ làm công tác thu BHXH tự nguyện; Tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thu BHXH tự nguyện; đẩy mạnh việc thực hiện thu và chi bảo hiểm xã hội tự nguyện qua ngân hàng; đa dạng mạng lưới cung cấp dịch vụ.