Giải pháp thu hút FDI tỉnh Vĩnh Phúc theo hướng bền vững

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - tháng 5/2019

Với vị trí địa lý thuận lợi và sự quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tổ chức tốt các hoạt động xúc tiến đầu tư, qua 30 năm thực hiện chủ trương thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Đảng, Nhà nước, tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng trong thu hút FDI.

Vĩnh Phúc điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI.
Vĩnh Phúc điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI.

Trong thời gian tới, để tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hướng bền vững tỉnh Vĩnh Phúc cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả phù hợp với xu thế mới.

Thực trạng thu hút đầu tư FDI của tỉnh Vĩnh Phúc

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVI, trong đó có nội dung xác định doanh nghiệp (DN) là động lực phát triển, là đối tượng phục vụ, Vĩnh Phúc tạo mọi điều kiện thuận lợi, bình đẳng cho tất cả các DN trong tiếp cận đất đai; đầu tư hạ tầng điện, nước, thông tin liên lạc đến chân hàng rào các khu công nghiệp (KCN) và đẩy mạnh công tác đào tạo nghề phục vụ nhu cầu tuyển dụng cho các DN. Tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo quyết liệt tăng cường cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và thực hiện các nội dung hỗ trợ các dự án lớn trong quá trình triển khai, thực hiện dự án theo biên bản ghi nhớ...

Sau 30 năm thực hiện chủ trương của Chính phủ về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), Vĩnh Phúc đã khẳng định là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài. Nếu như năm 1997, tỉnh Vĩnh Phúc thu hút được 136 DN FDI, thì đến nay đã có hơn 9.700 DN đến đầu tư và phát triển sản xuất tại Tỉnh này, góp phần tăng thu ngân sách, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giúp người lao động nông thôn chuyển dịch dần sang lao động công nghiệp, nâng cao mức sống của nhân dân trên địa bàn.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, đến nay, toàn Tỉnh có 18 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với diện tích hơn 5.700 ha. Dự kiến, đến năm 2020, tại Vĩnh Phúc có 21 cụm công nghiệp (CCN) với diện tích gần 500 ha; đến năm 2030 có 31 CCN, diện tích gần 700 ha được thành lập. Trên cơ sở các khu, CCN được phê duyệt, Vĩnh Phúc thu hút được 11 NĐT xây dựng hạ tầng, trong đó có 8 khu đã đi vào hoạt động, với hạ tầng kỹ thuật dần được hoàn thiện đồng bộ, đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất kinh doanh của các NĐT.

Theo thống kê, các KCN ở Vĩnh Phúc hiện có 224 dự án đang sản xuất kinh doanh, trong đó có 186 dự án FDI, 38 dự án đầu tư trực tiếp trong nước. Năm 2018, hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu  hết các DN trong các KCN đều phát triển ổn định, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm cho hơn 83.000 lao động trên địa bàn Tỉnh.

Trong năm 2018, các DN FDI tại Vĩnh Phúc đạt tổng doanh thu hơn 4 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2017; giá trị xuất khẩu đạt 3,1 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; nộp ngân sách nhà nước (NSNN) 2.661,9 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Quý I/2019, số dự án đầu tư trực tiếp trên địa bàn Tỉnh tiếp tục tăng, đặc biệt, thu hút vốn trong nước đã vượt kế hoạch. Tỉnh đã chấp thuận chủ trương, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 27 dự án, trong đó có 19 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư đăng ký mới hơn 87 triệu USD và 8 dự án thu hút đầu tư trong nước (DDI) với tổng số vốn đầu tư đăng ký mới 5.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, có 12 dự án FDI tăng vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm hơn 72 triệu USD; 1 dự án DDI tăng vốn với số vốn tăng thêm hơn 24 tỷ đồng. Lũy kế đến hết tháng 3/2019, toàn Tỉnh có 1.070 dự án gồm: 344 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 4,65 tỷ USD và 726 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 76,7 nghìn tỷ đồng. Điển hình như hiện nay, toàn huyện có 7 KCN với quy mô gần 1.900 ha bao gồm: Bình Xuyên, Bình Xuyên II, Bá Thiện, Bá Thiện II, Thăng Long Vĩnh Phúc, Sơn Lôi và Nam Bình Xuyên thu hút khoảng 200 dự án FDI và DDI với tổng số vốn đăng ký trên 2 tỷ USD và gần 2.600 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 35 nghìn lao động.

Nhờ các chính sách thông thoáng và tạo mọi điều kiện cho các NĐT, Vĩnh Phúc đã thu hút được hàng loạt DN lớn và uy tín đến đầu tư như: Toyota, Honda, Daewoo Bus, Piaggio, Sumitomo... Các dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới như: Dự án mở rộng, nâng công suất sản xuất xe ô tô của Công ty Toyota Việt Nam, với tổng vốn đầu tư mở rộng hơn 75 triệu USD; Dự án xây dựng nhà ở công nhân của Công ty TNHH In điện tử Minh Đức và Dự án nhà ở công nhân của Công ty TNHH Fuchuan, với tổng vốn đăng ký 51 triệu USD; Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng CCN Minh Phương, tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng; dự án xây dựng hạ tầng CCN Đồng Sóc, vốn đầu tư 406 tỷ đồng... Đây là những dự án được Tỉnh khuyến khích, ưu tiên và kêu gọi đầu tư. Các dự án này không chỉ đóng vai trò quan trọng, góp phần tăng thu ngân sách, thúc đẩy kinh tế - xã hội tăng trưởng mà còn giúp Tỉnh giải quyết tốt bài toán lao động, nhất là lao động tại khu vực nông thôn trong tiến trình nỗ lực trở thành Tỉnh nông thôn mới vào năm 2020. DN trong các KCN trên địa bàn Tỉnh đang hoạt động khá ổn định, đã giải quyết việc làm cho 82.000 lao động; lao động phổ thông của DN FDI có thu nhập bình quân từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Một số KCN thu hút nhiều lao động như: Khai Quang với khoảng 40.000 lao động; Bá Thiện 1 và Bá Thiện 2 với 20.0000 lao động; Bình Xuyên 1 trên 10.000 lao động… Mặc dù, thu hút được nhiều dự án đầu tư, nhưng Vĩnh Phúc không định hướng thu hút đầu tư bằng mọi giá. Mới đây, UBND Tỉnh đã có văn bản lần thứ 4 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không chấp nhận Dự án dệt - nhuộm có tổng vốn đầu tư 350 triệu USD của Tập đoàn TAL (Hồng Kông, Trung Quốc) đặt tại KCN Bá Thiện, do lo ngại nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ dự án, mặc dù trước đó Tỉnh đã chấp thuận cho Tập đoàn TAL đầu tư dự án may mặc tại KCN này, với sản lượng hàng triệu quần, áo xuất khẩu mỗi năm và tạo việc làm hơn 2.200 lao động.

Từ một Tỉnh phụ thuộc vào NSNN, đến năm 2004, Vĩnh Phúc đã tự cân đối và có điều tiết cho ngân sách Trung ương. Từ thành công trong thu hút đầu tư, nền kinh tế của Tỉnh có những phát triển vượt bậc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt ở mức cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, giảm tỷ trọng nông - lâm nghiệp, thủy sản. Năm 2018, tốc độ tăng trưởng GRDP (chỉ tiêu kinh tế tổng hợp quan trọng của Tỉnh) tăng 8,06% vượt kế hoạch đề ra, đạt tỷ lệ cao nhất trong 3 năm gần đây. Trong đó, ngành công nghiệp – xây dựng có tốc độ tăng trưởng khá và có mức tăng cao nhất từ năm 2016 trở lại đây (ước tăng 13,5% so với năm 2017).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, thu hút nguồn vốn đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc còn có một số hạn chế, đó là:

Một là, công nghiệp hỗ trợ tại Vĩnh Phúc chưa phát triển, cơ chế dành cho công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa đi vào cuộc sống và rất khó áp dụng tại địa phương.

Hai là, ngoài các khó khăn về đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng thì công tác xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư, công tác quản lý lao động, phát triển nhà ở công nhân KCN và các cơ chế, chính sách quản lý nhà nước về KCN chưa thống nhất, thiếu đồng bộ cũng dẫn đến sự kém hấp dẫn của các KCN.

Ba là, thu hút đầu tư các dự án FDI vào các KCN mới chủ yếu là các dự án gia công, lắp ráp điện tử, các dự án vệ tinh nhỏ.

Thu hút FDI vào Vĩnh Phúc theo hướng bền vững 

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài đến năm 2020, Vĩnh Phúc đặt ra mục tiêu là phát triển khu vực đầu tư nước ngoài có tiềm lực cao hơn về công nghệ và sản xuất được một số công đoạn sử dụng công nghệ cao thay vì chỉ sản xuất lắp ráp, gia công và tăng giá trị tăng thêm của sản phẩm; Đồng thời, thu hút FDI theo hướng bền vững, để đạt được mục tiêu này, thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc cần chú trọng một số giải pháp sau:

Thứ nhất, thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, tiến hành công bố công khai quy hoạch đã được phê duyệt; có kế hoạch cụ thể để thực hiện các quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư; rà soát, kiểm tra, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất một cách hiệu quả, giám sát việc xây dựng các dự án theo đúng quy hoạch được duyệt, nhằm đảm bảo phát triển kinh tế và môi trường bền vững.

Thứ hai, ưu tiên các dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội; các dự án có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; các dự án trong các lĩnh vực công nghiệp điện tử, viễn thông, công nghiệp cơ khí, vật liệu xây dựng, vật liệu mới và công nghiệp hỗ trợ của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy, điện tử; các dự án phát triển hạ tầng KCN, dự án du lịch dịch vụ, trường đại học tầm cỡ quốc tế và các dự án đầu tư vào ngành dịch vụ như: Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục - đào tạo.

Sau 30 năm thực hiện chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài, Vĩnh Phúc khẳng định là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Nếu như năm 1997, Vĩnh Phúc thu hút được 136 doanh nghiệp FDI, đến nay đã có hơn 9.700 doanh nghiệp đến đầu tư và phát triển sản xuất, góp phần tăng thu ngân sách, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao mức sống của nhân dân trên địa bàn.

Thứ ba, tập trung thu hút đầu tư vào các KCN, nâng cao tỷ lệ lấp đầy ở các KCN. Gắn phát triển công nghiệp với bảo vệ môi trường; xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu, CCN. Từng bước hình thành các trung tâm công nghiệp theo vùng và khuyến khích thu hút các dự án CNHT của ngành sản xuất lắp ráp ô tô, phụ tùng ô tô, xe máy.

Thứ tư, trong công tác xúc tiến đầu tư, cần chú trọng thu hút nguồn vố đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các tập đoàn đa quốc gia; các DN sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, các DN nhỏ và vừa của Nhật Bản, Hàn Quốc và hướng tới các đối tác tiềm năng đến từ châu Âu và Hoa Kỳ. Vĩnh Phúc cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động cải thiện môi trường đầu tư, mở rộng địa bàn và hình thức thu hút đầu tư nước ngoài vào những thị trường giàu tiềm năng và các công ty đa quốc gia. Cùng với đó, nâng cao chất lượng dự án thu hút đầu tư mới theo hướng gia tăng hàm lượng công nghệ, lao động kỹ thuật; ưu tiên thu hút các ngành nghề đón đầu Cách mạng công nghiệp 4.0 như: Công nghiệp phần mềm, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới và các lĩnh vực tỉnh có lợi thế cạnh tranh như cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hỗ trợ ô tô xe máy... vào các KCN Bá Thiện, Bá Thiện II, Bình Xuyên II, Thăng Long Vĩnh Phúc.

Thứ năm, tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; coi trọng công tác quy hoạch và tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng để phục vụ thu hút đầu tư. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo tính minh bạch, lành mạnh và công bằng; Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các NĐT đến tìm hiểu và đầu tư vào Vĩnh Phúc. Nâng cao hiệu quả việc phòng, chống tiêu cực, nhũng nhiễu đối với NĐT. Đề cao tinh thần trách nhiệm cá nhân trong xử lý công việc.

Thứ sáu, nỗ lực thu hút đầu tư để phát triển, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cần tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, nhằm giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, lợi thế, cơ chế chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của Tỉnh với cộng đồng DN trong và ngoài nước; giúp DN và NĐT hiểu rõ hơn về Vĩnh Phúc, cũng như chủ trương và quyết tâm đổi mới trong thu hút đầu tư, phát triển.

Thứ bảy, cần có cơ chế đối thoại giữa lãnh đạo Tỉnh, các ngành, nhất là giữa Ban Quản lý với các NĐT các DN được duy trì thường xuyên; giải quyết nhanh chóng những vấn đề thuộc thẩm quyền; chủ động báo cáo UBND Tỉnh cho ý kiến chỉ đạo đối với những vấn đề cần sự phối hợp giữa các ngành để xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách và pháp luật hiện hành, đảm bảo các dự án hoạt động hiệu quả, nhằm tiếp tục củng cố lòng tin của các NĐT đối với môi trường đầu tư kinh doanh tại Vĩnh Phúc, từ đó tạo hiệu ứng lan toả và tác động tích cực tới NĐT mới.

Tài liệu tham khảo:
1. UBND tỉnh Vĩnh Phúc (2018), Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc;
2. Văn Nhất (2019), Vĩnh Phúc, điểm đến của các nhà đầu tư, http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/vinh-phuc-diem-den-cua-cac-nha-dau-tu.html;
3. Báo Dân trí, “Vĩnh Phúc thu hút đầu tư có chọn lọc, gắn với phát triển bền vững”, https://dantri.com.vn/xa-hoi/vinh-phuc-thu-hut-dau-tu-co-chon-loc-gan-voi-phat-trien-ben-vung-20181102092132089.htm;
4. Báo Pháp luật Việt Nam, Vĩnh Phúc không thu hút đầu tư bằng mọi giá. http://baophapluat.vn/doanh-nhan/vinh-phuc-khong-thu-hut-dau-tu-bang-moi-gia-408322.html;
5. Cổng thông tin – giao tiếp điện tử tỉnh Vĩnh Phúc. Thu hút đầu tư năm 2018: Nhiều khởi sắc, vinhphuc.gov.vn/ct/cms/tintuc/Lists/KinhTe/View_Detail.aspx?ItemID=4198.