Một số giải pháp tài chính phát triển các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc
Phát triển các khu công nghiệp nhằm thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Vĩnh Phúc.
Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều giải pháp để thu hút đầu tư phát triển các khu công nghiệp, trong đó có các giải pháp tài chính. Những giải pháp này đã phát huy tác động tích cực nhưng vẫn cần tiếp tục hoàn thiện để phát triển các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc theo hướng bền vững.
Thực trạng phát triển các khu công nghiệp tại tỉnh Vĩnh Phúc
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến tháng 8/2018, tỉnh Vĩnh Phúc có 13 KCN với tổng diện tích 2.653 ha. Các KCN trong Tỉnh có 224 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 44 dự án đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) với tổng vốn đầu tư 15.070,51 tỷ đồng và 180 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư 2.699,73 triệu USD. Tỷ lệ dự án đang hoạt động là 82,6%; số dự án đang triển khai xây dựng và lắp đặt máy móc thiết bị nhà xưởng hoặc đang làm thủ tục, bồi thường, giải phóng mặt bằng chiếm 17,4%.
Theo quy hoạch tới năm 2020, Vĩnh Phúc còn có 6 KCN với tổng diện tích 2.184,2 ha. Đến hết năm 2016, số dự án được cấp chứng nhận đầu tư (luỹ kế) vào các KCN Vĩnh Phúc là 190, trong đó có 33 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 7.246,46 tỷ đồng và 157 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 2.786,79 triệu USD (Bảng 1).
Thực tế cho thấy, các KCN Vĩnh Phúc có những đặc điểm chủ yếu sau: (i) Quy mô nhỏ: Trung bình, một KCN đã thành lập chỉ có diện tích 204,98 ha; (ii) Tuổi đời khá trẻ: Ngoài 2 KCN đã được đưa vào hoạt động khoảng 15 năm, các KCN khác mới đưa vào hoạt động trong khoảng 10 năm gần đây (từ năm 2007); (iii) Đa dạng về sở hữu và quản lý: Vĩnh Phúc lựa chọn hai mô hình đầu tư phát triển các KCN là KCN do Nhà nước đầu tư và KCN do nhà đầu tư tư nhân làm chủ đầu tư; (iv) Có tính định hướng rõ ràng, phù hợp với lợi thế của Tỉnh và điều kiện từng KCN (Các KCN trong Tỉnh đã thu hút đầu tư theo định hướng đưa Vĩnh Phúc trở thành trung tâm công nghiệp ô tô, xe máy và công nghiệp điện tử- viễn thông ở phía Bắc Việt Nam).
Chính sách ưu đãi thuế đối với khu công nghiệp trên địa bàn Vĩnh Phúc
Ðể thu hút được các nhà đầu tư và thúc đẩy phát triển sản xuất trong các KCN, tỉnh Vĩnh Phúc đã vận dụng các chính sách ưu đãi, đặc biệt là các giải pháp tài chính. Theo đó, Tỉnh vận dụng chính sách ưu đãi thuế trong phạm vi cho phép và phù hợp với điều kiện của địa phương. Cụ thể, Tỉnh đã áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) với mức 10% trong thời hạn 15 năm đối với các DN công nghệ cao và với những khoản thuế TNDN từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc các lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; sản xuất sản phẩm phần mềm; sản xuất vật liệu composit, các loại vật liệu xây dựng nhẹ, vật liệu quý hiếm; sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải; phát triển công nghệ sinh học; sản xuất thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường, thiết bị quan trắc và phân tích môi trường; xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường; thu gom chất thải rắn, xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn; tái chế, tái sử dụng chất thải cũng như các khoản thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 6 nghìn tỷ đồng, thực hiện giải ngân không quá 3 năm kể từ khi được cấp phép đầu tư và có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10 nghìn tỷ đồng/năm chậm nhất sau 3 năm kể từ năm có doanh thu; hoặc dự án có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 6 nghìn tỷ đồng; thực hiện giải ngân không quá 3 năm kể từ khi được cấp phép đầu tư và sử dụng trên 3.000 lao động chậm nhất sau 3 năm kể từ năm có doanh thu.
Bên cạnh đó, Tỉnh cũng áp dụng mức thuế suất thuế TNDN 20% trong thời gian 10 năm áp dụng đối với các khoản thuế TNDN từ thực hiện dự án đầu tư mới trong sản xuất thép cao cấp; sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng; sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; Sản xuất thiết bị tưới tiêu; Sản xuất, tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản; Phát triển ngành nghề truyền thống. Ðối với các DN còn lại, áp dụng mức thuế suất thuế TNDN khoảng 22%. Đồng thời, áp dụng chế độ miễn thuế, giảm thuế TNDN từ 2 đến 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp từ 4 đến 9 năm tiếp theo đối với thu nhập của DN tùy theo ngành nghề dự án đăng ký đầu tư. Năm 2016, giá trị miễn giảm thuế TNDN trong các KCN của Vĩnh Phúc lên tới hơn 231,5 tỷ đồng...
Nhằm thúc đẩy việc xuất nhập khẩu hàng hóa của các DN trong các KCN, Vĩnh Phúc áp dụng hình thức miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư (từ thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ trong nước chưa sản xuất được; linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng, gá lắp, khuôn mẫu, phụ kiện đi kèm để lắp ráp đồng bộ với thiết bị, máy móc, nguyên liệu, vật tư trong nước chưa sản xuất được dùng để chế tạo thiết bị, máy móc nằm trong dây chuyền công nghệ hoặc để chế tạo linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng, gá lắp, khuôn mẫu, phụ kiện đi kèm để lắp ráp đồng bộ với thiết bị, máy móc, vật tư xây dựng trong nước chưa sản xuất được…
Ngoài việc được ưu đãi về thuế như trên, tỉnh Vĩnh Phúc cũng áp dụng một số ưu đãi khác như: Miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước. Cụ thể, Tỉnh miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời hạn thuê đối với đất xây dựng kết cấu hạ tầng sử dụng chung trong KCN theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật, miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong thời gian xây dựng cơ bản theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt (không quá 3 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất, thuê mặt nước theo quy định của pháp luật), miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 11 năm sau thời gian được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước của thời gian xây dựng cơ bản nêu trên.
Tuy các khoản phí dịch vụ mà các DN trong các KCN phải chi trả không lớn bằng các khoản chi khác nhưng cũng là khoản mục mà Vĩnh Phúc quan tâm bởi nó không chỉ tác động tới chi phí, mà còn liên quan tới việc tận dụng các cơ hội kinh doanh. Tỉnh đã liên tục cải tiến toàn bộ các quy trình cấp giấy chứng nhận đầu tư, khắc con dấu, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phí cấp phép xây dựng, phí cấp phép cho người lao động nước ngoài, đồng thời giảm các khoản như phí tư vấn, phí dịch vụ từ các tổ chức cung cấp dịch vụ.
Tỉnh đã áp dụng chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng với mức không quá 15% theo phương án bồi thường, 100% kinh phí trường hợp cưỡng chế. Đối với các dự án FDI vào lĩnh vực xã hội như: Giáo dục, y tế, văn hóa… Tỉnh sử dụng ngân sách để hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng và áp dụng như: Các dự án đầu tư trong nước sau khi có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh cũng hỗ trợ chi phí lập hồ sơ đề xuất dự án đầu tư trực tiếp thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư trên địa bàn như: Công nghiệp hỗ trợ cho các ngành sản xuất ôtô, xe máy, điện tử, viễn thông; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; kinh doanh du lịch với các loại hình sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng chất lượng cao...
Tuy nhu cầu thực tế lớn và ngân sách không đủ sức đáp ứng, nhưng Vĩnh Phúc đã dành ngân sách hỗ trợ hoặc hỗ trợ một phần để xây dựng một số hạng mục đầu tư trong các KCN, đặc biệt là chi phí giải phóng mặt bằng trong việc xây dựng các KCN.Đã hỗ trợ các KCN giải quyết nhà ở cho công nhân KCN, góp phần giải quyết một trong những thách thức lớn đối với các chủ đầu tư hạ tầng và các công ty thứ cấp hiện nay.
Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc đã khuyến khích và có những hỗ trợ từ ngân sách để phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ KCN, kể cả việc hỗ trợ cho việc vận chuyển người lao động tới làm việc tại các KCN. Cùng với việc triển khai các ưu đãi trên, Vĩnh Phúc đã hỗ trợ các KCN thực hiện việc đào tạo và cung cấp thông tin lao động phục vụ các KCN; hỗ trợ đào tạo nghề cho nông dân ở các vùng bị lấy đất để xây dựng các KCN. Hàng năm, Tỉnh đều đầu tư một lượng ngân sách khá lớn để đặt hàng các cơ sở đào tạo hoặc hỗ trợ họ trong quá trình tổ chức đào tạo, dạy nghề đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài của các doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn Tỉnh...
Đề xuất giải pháp
Đánh giá chung những giải pháp tài chính đối với sự phát triển bền vững của các KCN Vĩnh Phúc còn có một số tồn tại và hạn chế sau:
- Các giải pháp tài chính của tỉnh Vĩnh Phúc áp dụng chưa tạo được sự khác biệt, trong khi các địa phương khác đã chủ động đề xuất, kiến nghị và thực hiện những giải pháp sáng tạo và linh hoạt hơn.
- Các giải pháp tài chính còn ít và chưa đa dạng.
- Chưa mạnh dạn sử dụng công cụ chi ngân sách, cụ thể các công trình, hạng mục đầu tư bằng nguồn ngân sách địa phương đã được chú trọng nhưng còn chưa tương xứng so với nhu cầu.
- Các chương trình hỗ trợ tín dụng chưa phát huy hiệu quả.
Để khắc phục những hạn chế trên, phát huy hơn nữa vai trò của Nhà nước đối với của các KCN trên địa bàn, Vĩnh Phúc cần triển khai một số giải pháp sau:
Một là, chủ động xây dựng, đề nghị Chính phủ cho phép và áp dụng chính sách ưu đãi tài chính phù hợp với đặc thù và định hướng phát triển của Tỉnh đối với việc hỗ trợ phát triển các KCN.
Hai là, đa dạng hóa các nguồn vốn trong đầu tư hỗ trợ các KCN. Muốn vậy, cần phân tích quan hệ lợi ích - chi phí đối với từng nguồn vốn tiềm năng và thực hiện những chính sách đảm bảo lợi ích hợp lý cho các chủ thể liên quan trên cơ sở bám sát mục tiêu và định hướng phát triển chung của Tỉnh.
Ba là, nâng cao mức chi ngân sách hỗ trợ các KCN một cách thỏa đáng và nâng cao hiệu quả cũng như tác động nhân rộng hiệu ứng tích cực của các khoản chi này.
Bốn là, đánh giá, cụ thể vai trò, tác dụng của đòn bẩy tín dụng đối với các KCN, các chủ đầu tư sơ cấp và thứ cấp, từ đó xây dựng và thực hiện ưu đãi tín dụng một cách thỏa đáng hơn đối với các dự án đầu tư vào các KCN.
Năm là, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn các dịch vụ hỗ trợ phi tài chính cho các doanh nghiệp trong các KCN và cho chính các KCN, đặc biệt là nghiên cứu, dành những ưu đãi, hỗ trợ tài chính đối với các dịch vụ hỗ trợ này.
Tài liệu tham khảo:
- Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc (2017), Quyết định số 317/BC-BQLKCN, ngày 15/3/2017, Tình hình quy hoạch và đầu tư xây dựng, phát triển các KCN trên địa bàn;
- Bộ Tài chính (2011), Thông tư số 96/2011/TT-BTC ngày 04/07/2011;
- Nguyễn Xuân Điền (2009), “Mô hình kết hợp KCN - khu đô thị, những ưu điểm và giải pháp phát triển”, Tạp chí Kinh tế và Phát triển kỳ II, số tháng 7;
- HĐND tỉnh Vĩnh Phúc (2016), Nghị quyết số 57/2016/NQ-HĐND ngày 12/12/2016 về một số biện pháp đặc thù thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc;
- HĐND tỉnh Vĩnh Phúc (2012), Quyết định số 47/2012/QÐ-UBND hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ khi đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc;
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc (2017), Văn bản số 142/UBND-TH1 ngày 10/3/2017 về tình hình đầu tư xây dựng, phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn và phương án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, Vĩnh Phúc.