Triển khai kế toán quản trị chi phí môi trường tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường là mục tiêu đối với các chủ thể trong nền kinh tế, nhất là đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong phát triển bền vững.
Khảo sát thực tiễn cho thấy, kế toán quản trị chi phí môi trường mặc dù đã được các doanh nghiệp triển khai, tuy nhiên chưa nhiều. Bài viết nghiên cứu thực trạng kế toán quản trị chi phí môi trường tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, để thấy rõ hơn về vai trò quan trọng của phần hành kế toán này đối với các doanh nghiệp sản xuất nói chung và doanh nghiệp trên địa bàn Vĩnh Phúc nói riêng.
Tổng quan về kế toán quản trị chi phí môi trường
Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường là mục tiêu đặt ra đối với tất cả các chủ thể trong nền kinh tế, nhất là các doanh nghiệp (DN). DN muốn hoạt động kinh doanh, phát triển bền vững, cần quan tâm chú trọng đến việc, hạch toán đầy đủ các yếu tố môi trường trong quá trình ra các quyết định kinh doanh. Các phương pháp của kế toán môi trường cho phép DN nhận dạng chi phí môi trường, nhận diện các khoản thu nhập, để đo lường các chỉ tiêu tài chính và hiện vật, hỗ trợ cho các báo cáo về kết quả môi trường. Thành phần của kế toán môi trường bao gồm: kế toán tài chính môi trường và kế toán quản trị môi trường (Theo USEPA, 1995).
Khảo sát cho thấy, hiện nay có khá nhiều khái niệm về kế toán quản trị môi trường, điển hình như: Theo USEPA (1995), kế toán quản trị môi trường trong DN là quá trình nhận dạng, thu thập và phân tích các thông tin cơ bản về môi trường sử dụng trong nội bộ đơn vị.
Theo Ủy ban Liên hợp quốc về phát triển bền vững (UNDSD, 2011), kế toán quản trị môi trường là việc nhận dạng, thu thập, phân tích và sử dụng hai loại thông tin cho việc ra quyết định nội bộ. Thông tin vật chất về việc sử dụng, luân chuyển và thải bỏ năng lượng, nước và nguyên vật liệu (bao gồm chất thải) và thông tin tiền tệ về các chi phí, lợi nhuận và tiết kiệm liên quan đến môi trường. Theo Liên đoàn Kế toán quốc tế (IAFC, 2015), kế toán quản trị môi trường là quản lý hoạt động kinh tế và môi trường thông qua việc triển khai và thực hiện hệ thống kế toán và hoạt động thực tiễn phù hợp có liên quan đến vấn đề môi trường. Kế toán quản trị chi phí môi trường bao gồm công tác kế toán quản trị và công tác quản lý môi trường. Dưới góc độ công tác kế toán quản trị chi phí môi trường là: tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm… Dưới góc độ quản lý môi trường là: chi phí để xử lý, ngăn ngừa, tiêu hủy, lập kế hoạch, kiểm soát, thay đổi, hành động và khắc phục những thiệt hại…
Như vậy, kế toán quản trị chi phí môi trường là bước phát triển của kế toán quản trị chi phí truyền thống cho mục tiêu môi trường của DN, nên nội dung của kế toán quản trị chi phí môi trường sẽ kế thừa các nội dung của kế toán quản trị chi phí truyền thống; đồng thời, ở mỗi nội dung lại có sự mở rộng và phát triển để đáp ứng cho vai trò cung cấp thông tin chi phí môi trường, trợ giúp cho quá trình ra quyết định của nhà quản trị hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Kế toán quản trị chi phí môi trường trong các DN gồm các nội dung cụ thể sau:
Thứ nhất, nhận diện và phân loại chi phí môi trường: Đây là bước đầu tiên trong quá trình kiểm soát để quản lý chi phí môi trường, từ đó đưa ra các quyết định đúng đắn trong tổ chức điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh trong DN.
Thứ hai, xây dựng định mức và lập dự toán chi phí môi trường: Để phục vụ cho chức năng lập kế hoạch và kiểm soát chi phí môi trường trong DN, nhà quản trị cần tiến hành xây dựng định mức và lập dự toán chi phí môi trường cho DN. Công việc này đòi hỏi sự phối hợp hoạt động của nhiều bộ phận, phòng ban trong DN và cũng là một công cụ khuyến khích hoạt động môi trường có hiệu quả từ các bộ phận trong DN.
Thứ ba, xác định chi phí môi trường: là quá trình kế toán tập hợp các chi phí môi trường trực tiếp và phân bổ các chi phí môi trường gián tiếp cho các đối tượng chịu chi phí. Xác định đúng chi phí môi trường cho đối tượng chịu chi phí có vai trò quan trọng trong việc xác định hiệu quả hoạt động môi trường và kiểm soát chi phí môi trường của DN.
Thứ tư, phân tích và cung cấp thông tin chi phí môi trường: Chi phí môi trường là một trong nhiều loại chi phí phát sinh mà DN phải chấp nhận và chi trả khi thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng…
Triển khai kế toán quản trị chi phí môi trường tại các doanh nghiệp Vĩnh Phúc
Các DN sản xuất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc gặp nhiều khó khăn như: các sản phẩm còn đơn điệu, quy mô sản xuất vừa và nhỏ, máy móc thiết bị còn lạc hậu… trong đó, khó khăn lớn nhất là chi phí sản xuất lớn, năng suất lao động thấp, mức tiêu hao nguyên liệu nhiều, chất lượng sản phẩm chưa ổn định, dẫn sức cạnh tranh yếu. Để tồn tại và phát triển bền vững, các DN cần phải có những giải pháp mang tính đột phá như: Tổ chức lại sản xuất, cải tiến mẫu mã và quan trọng nhất là xử lý chất thải, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc kiểm soát xử lý chất thải trong chu trình sản xuất khép kín của DN là không đơn giản, do vậy, để có thể vận dụng kế toán quản trị chi phí môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh, các DN cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Kế toán quản trị chi phí môi trường có thể áp dụng cho các DN có quy mô khác nhau, tuy nhiên thường áp dụng trong các DN có quy mô lớn, nguồn tài chính dồi dào và có chính sách hoạt động nghiêm ngặt.
- Phạm vi ứng dụng của kế toán quản trị chi phí môi trường trong các DN rất đa dạng, nhưng chiếm tỷ lệ cao ở những DN hoạt động sản xuất trong ngành công nghiệp, nơi mà hoạt động sản xuất tác động nhiều đến môi trường.
- Quy trình sản xuất nên được thử nghiệm tại từng bộ phận, từng sản phẩm, từng công đoạn trước khi tiến hành toàn DN.
Hiện nay, chưa có quy định cụ thể về chế độ kế toán quản trị chi phí môi trường trong DN. Thực tế, chế độ kế toán hiện hành chưa có các văn bản hướng dẫn DN trong việc bóc tách và theo dõi chi phí môi trường trong chi phí sản xuất kinh doanh; chưa có các tài khoản cần thiết để hạch toán các khoản chi phí môi trường cũng như doanh thu, hay thu nhập trong trường hợp DN có hệ thống xử lý chất thải bán quyền thải ra môi trường cho các DN cùng ngành (nếu có); các khoản chi phí và thu nhập này đến nay cũng chưa được thể hiện trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và chưa giải trình trên thuyết minh báo cáo tài chính, nên việc đánh giá hiệu quả kinh doanh của DN là chưa đầy đủ, chưa xác định cụ thể trách nhiệm của DN đối với môi trường.
Nghiên cứu cho thấy, yếu tố chi phí “môi trường” hiện nay không nằm trong một tài khoản, một khoản mục riêng rẽ, cụ thể nào của kế toán. Rất nhiều chi phí liên quan đến môi trường đang phản ánh chung trong các tài khoản chi phí chung, khiến các nhà quản lý khó có thể phát hiện, tiên lượng được quy mô và tính chất của chi phí môi trường nói chung và từng khoản chi phí môi trường nói riêng. Ngoài ra, các chi phí đáng kể liên quan đến môi trường cũng chưa được ghi nhận trên các tài khoản kế toán như: chi phí sửa chữa, đền bù, chi phí khắc phục sự cố và chi phí dọn dẹp, xử lý trong các vụ tai nạn, hủy hoại môi trường sinh thái, môi trường sống…
Đề xuất giải pháp
Theo khảo sát, hiện nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có rất nhiều DN định hướng phát triển quy trình sản xuất kinh doanh, hoặc cung ứng dịch vụ thân thiện với môi trường và phù hợp với chiến lược phát triển bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện kế toán quản trị chi phí môi trường hiệu quả, mỗi DN sản xuất kinh doanh cần phải đánh giá tác động môi trường và lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường. Đồng thời quan tâm tới một số vấn đề quan trọng sau:
Thứ nhất, tổ chức tài khoản kế toán các khoản chi phí môi trường.
Tài khoản kế toán các khoản chi phí môi trường được tổ chức hạch toán ban đầu như sau:
- Đối với chi phí khấu hao các thiết bị xử lý chất thải: Chi phí hao mòn thiết bị xử lý chất thải, tiền lương nhân viên xử lý chất thải hàng ngày…thì hạch toán vào tài khoản 627 - bổ sung thêm tài khoản 627(9), cuối kỳ kết chuyển sang tài khoản 154 - Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang để tính giá thành sản phẩm.
- Đối với chi phí tại bộ phận quản lý môi trường như các khoản phí, lệ phí, thuế thuế liên quan đến môi trường phát sinh tại DN (bao gồm: phí cấp thoát nước dựa trên lượng nước sử dụng, phí vận chuyển rác thải và phí xử lý chất thải…) thì hạch toán vào tài khoản 642 – bổ sung thêm tài khoản 642.
Thứ hai, nhận diện chi phí môi trường.
Theo Ủy ban Liên hiệp quốc về phát triển bền vững (UNDSD, 2011), kế toán quản trị môi trường là việc nhận dạng, thu thập, phân tích và sử dụng hai loại thông tin cho việc ra quyết định nội bộ. Thông tin vật chất về việc sử dụng, luân chuyển và thải bỏ năng lượng, nước và nguyên vật liệu (bao gồm chất thải) và thông tin tiền tệ về các chi phí, lợi nhuận và tiết kiệm liên quan đến môi trường.
Các chi phí môi trường hữu hình có thể nhận thấy gồm chi phí xử lý chất thải, đốt rác... Thực tế, chi phí này chỉ là một phần nhỏ trong tổng chi phí liên quan đến môi trường. Bởi vì, chi phí môi trường có thể ẩn vào các chi phí sau: chi phí năng lượng tạo ra chất thải, chi phí mua nguyên vật liệu phát thải, chi phí quản lý quá trình xử lý chất thải, chi phí nhân công xử lý chất thải, chi phí hao mòn máy móc thiết bị xử lý chất thải, trách nhiệm pháp lý...
Thứ ba, phân bổ chi phí môi trường.
Chi phí môi trường thường bị ẩn trong các tài khoản chi phí chung, do đó, cần phải bóc tách các chi phí này và phân bổ vào các sản phẩm, quy trình, hệ thống theo tiêu thức thích hợp.
Thứ tư, lập dự toán chi phí môi trường.
Khi lập dự toán chi phí môi trường, DN cần lưu ý tới một số loại chi phí sau: chi phí vận chuyển rác thải; phí xử lý chất thải rắn; ngăn ngừa và quản lý môi trường theo sản lượng sản xuất của từng kỳ. Số lượng sản xuất càng nhiều thì chi phí mà DN bỏ ra sẽ càng lớn và ngược lại.
Thứ năm, lập báo cáo đánh giá tác động của môi trường.
Thông qua báo cáo nhà quản trị DN sẽ có những quyết định và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của DN đem lại hiệu quả cao nhất.
Kết luận
Việc áp dụng kế toán quản trị chi phí môi trường giúp cho DN có thể xác định, nhận diện chi phí môi trường một cách đầy đủ, toàn diện và có thể ra được các quyết định chính xác theo hướng phát triển bền vững. Trong tương lai, DN có khả năng cạnh tranh cao là những DN hướng tới kinh doanh và cung cấp sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường.
Trong cùng một thị trường, việc DN tạo ra được sản phẩm có những tính năng thân thiện hơn, đồng nghĩa với việc sản phẩm của DN sẽ được đón nhận hơn, bởi vì trong bối cảnh ô nhiễm môi trường như hiện nay thì những gì thân thiện với môi trường sẽ được ưu tiên hơn cả. Điều này đã được chứng minh ở các quốc gia phát triển, những DN mạnh dạn đầu tư để nghiên cứu kết hợp bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất - kinh doanh đã thu được kết quả ngoài mong đợi, đạt được những lợi ích hơn rất nhiều so với chi phí đã đầu tư. Những DN này cũng luôn giành được sự ưu ái quan tâm từ các cơ quan, tổ chức Nhà nước về môi trường. Đây chính là những lợi ích mà kế toán quản trị chi phí môi trường đem lại cho các DN.
Tài liệu tham khảo:
- Quốc hội (2014), Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 ngày 23/6/2014;
- Chính phủ (2011), Nghị định số 67/2011/NĐ-CP ngày 8/8/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Thuế bảo vệ môi trường;
- Hoàng Thị Bích Ngọc (2017), Kế toán quản trị chi phí môi trường trong DN chế biến dầu khí thuộc tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam, Luận văn tiến sĩ, Hà Nội;
- International Federation of Accountants (2005), Environmental Management Accounting, International Guidance Document, USA.