Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số ở Việt Nam
Thế giới đang bước vào thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 với bản chất là dựa trên cuộc cách mạng kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo và kết nối internet vạn vật.
Vì vậy, kinh tế số đang trở thành đặc trưng và xu hướng phát triển kinh tế - công nghệ quan trọng nhất hiện nay. Bài viết đánh giá thực trạng phát triển kinh tế số ở Việt Nam, từ đó kiến nghị một số giải pháp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động này trong tương lai.
Thực trạng phát triển kinh tế số ở Việt Nam
Những kết quả đạt được
Nhận thức tầm quan trọng của nền kinh tế số, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm, sớm có nhiều chủ trương, giải pháp thực hiện Cách mạng công nghiệp 4.0 và cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số. Có thể kể đến Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Thể chế hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết về vấn đề này.
Tiêu biểu là Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 26/5/2016 về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 về tăng cường năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0. Tháng 8/2018, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử được thành lập do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Chủ tịch Ủy ban. Gần đây, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52/NQ-TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Nghị quyết số 52-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2025 nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt 20% GDP.
Thời gian qua, với hành lang pháp lý đang ngày càng hoàn thiện cùng những khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước, kinh tế số Việt Nam đã phát triển không ngừng. Theo báo cáo "Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019" do Google, Temasek và Bain thực hiện, nền kinh tế số Việt Nam năm 2019 trị giá 12 tỷ USD, cao gấp 4 lần so với giá trị của năm 2015 và dự đoán chạm mốc 43 tỷ USD vào năm 2025. Báo cáo này nhận định, động lực chính thúc đẩy những con số ấn tượng là nhờ thương mại điện tử, nơi các thị trường trong nước như: Sendo và Tiki cạnh tranh với những người chơi trong khu vực là Lazada và Shopee. Cụ thể, quy mô thị trường thương mại điện tử khoảng 5 tỷ USD, trong khi du lịch trực tuyến khoảng 4 tỷ USD, truyền thông trực tuyến đạt 3 tỷ USD, gọi xe công nghệ khoảng 1 tỷ USD (Hình 1).
Việt Nam cũng trở thành nơi đón nhận nguồn vốn đầu tư đứng thứ 3 trong khu vực vào các công ty hoạt động trên nền tảng internet, với 0,35 tỷ USD cho 137 thương vụ trong năm 2018 và 0,26 tỷ USD cho 54 thương vụ trong năm 2019 (Hình 2). Một số thương vụ đầu tư vào MoMo, Sendo, Topica từ các nhà đầu tư quốc tế, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà đầu tư.
Một số hạn chế, thách thức
Quá trình phát triển kinh tế số ở Việt Nam gặp một số hạn chế, thách thức nhất định:
Một là, Việt Nam đi sau trong xu hướng kinh tế số; nhận thức, kiến thức của nhiều cán bộ, doanh nghiệp và người dân về kinh tế số, thời cơ và thách thức của nó đối với sự phát triển của đất nước còn chưa đồng đều ở các cấp, các ngành, dẫn tới nhu cầu, kế hoạch và hành động nắm bắt xu thế kinh tế số còn chưa kịp thời, nhanh nhạy. Sự chuyển đổi số ở một số cấp, ngành, địa phương và các doanh nghiệp cũng còn hạn chế.
Hai là, môi trường pháp lý và thể chế cho phát triển kinh tế số ở nước ta vừa thiếu, vừa nhiều lỗ hổng, chưa chặt chẽ, đồng bộ, minh bạch và mang tính kiến tạo. Thời gian qua, do sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, kinh tế số cùng các phương thức kinh doanh và các ý tưởng sáng tạo mới xuất hiện, chưa có tiền lệ đã làm cho các cơ quan quản lý nhà nước tỏ ra khá lúng túng trong quản lý các hoạt động kinh tế số.
Ba là, thách thức về an ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin. Việt Nam nằm trong top 10 các quốc gia hứng chịu các cuộc tấn công mạng và lây nhiễm mã độc nguy hiểm, xếp thứ 7 trong số lượng nạn nhân bị tấn công và xếp thứ hai trong các quốc gia bị nhiễm mã độc đào tiền ảo nhiều nhất. Theo thống kê của hãng bảo mật Kaspersky, năm 2017, có 35,01% nguời dùng internet Việt Nam có khả năng bị tấn công mạng, xếp thứ 6 thế giới. Trung tâm ứng cứu sự cố máy tính Việt Nam (VNCERT) cho biết, có tổng cộng 10.000 vụ tấn công mạng nhằm vào internet Việt Nam năm 2017, gây thất thoát 12,3 nghìn tỷ đồng. Trong năm 2018, theo thống kê hơn 1,6 triệu lượt máy tính tại Việt Nam bị mất dữ liệu. Cũng trong hai năm 2017 và 2018, số lượng lỗ hổng an ninh trong các phần mềm, ứng dụng được công bố tăng đột biến với hơn 15.700 lỗ hổng, gấp khoảng 2,5 lần những năm trước đó.
Bốn là, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi sang kinh tế số. Việt Nam đang có sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông. Giáo dục Việt Nam chưa theo kịp xu thế phát triển của kinh tế số, kinh tế sáng tạo của Cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới.
Năm là, phần lớn hoạt động thương mại điện tử chỉ diễn ra ở hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hay một số tỉnh năng động liền kề như: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Bình Dương, cùng các thành phố lớn trực thuộc Trung ương là Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Ước tính Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chiếm tới 70% giao dịch thương mại điện tử. Quy mô thương mại điện tử ở các địa phương khác, đặc biệt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa rất nhỏ. Trong khi đó, đây là khu vực có tiềm năng tiêu thụ lớn, cũng là nơi cung cấp sản phẩm đa dạng phù hợp với bán hàng trực tuyến và chiếm khoảng 70% dân số cả nước (Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, 2019).
Sáu là, kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin tuy đã được cải thiện nhanh chóng, nhưng vẫn kém xa nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Việc xây dựng triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia, hạ tầng công nghệ thông tin làm nền tảng phục vụ phát triển kinh tế số còn rất chậm so với tiến độ cần có. Còn những rào cản trong cơ chế đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong triển khai các dự án.
Giải pháp phát triển kinh tế số ở Việt Nam
Để phát triển kinh tế số ở Việt Nam, tác giả kiến nghị cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện môi trường thể chế, pháp lý đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế trong điều kiện kinh tế số. Sớm ban hành Chiến lược quốc gia về chuyển đổi số, kinh tế số. Cùng với đó, xây dựng và công bố quy hoạch ngành về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin. Trên cơ sở đó, sẽ ban hành các chuẩn trao đổi thông tin giữa các cơ quan, đơn vị để tạo sự liên kết, đồng bộ trong quá trình đầu tư và phát triển hạ tầng dựa vào ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, Nhà nước cần ban hành các nghị định về chia sẻ dữ liệu; về bảo vệ dữ liệu cá nhân; về xác thực điện tử; về bảo vệ dữ liệu cá nhân và bảo đảm quyền riêng tư của cá nhân; về việc xử lý, giải quyết những tranh chấp, xung đột về hoạt động, cũng như lợi ích của các chủ thể tham gia các hoạt động, kinh doanh, thương mại và dân sự trên môi trường số...
Mặt khác, tạo môi trường và hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp công nghệ trong nước, chú trọng đầu tư cho khoa học, công nghệ, tạo môi trường cho việc vươn lên tự chủ và nội sinh hóa nền khoa học, công nghệ quốc gia thông qua hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đặc biệt quan tâm đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển ở trong nước trước bối cảnh bảo vệ sở hữu trí tuệ và bí quyết công nghệ, nhất là công nghệ cao có xu hướng gia tăng.
Thứ hai, cần trang bị kiến thức, thống nhất về tư tưởng và hành động về kinh tế số, từ đó làm chuyển biến mạnh mẽ tư duy lãnh đạo quản lý và điều hành kinh tế - xã hội trong điều kiện kinh tế số. Việt Nam cần xác định chiến lược phát triển và hội nhập kinh tế số là xu thế của thời đại, là hướng đi quan trọng và cần thiết trong định hướng phát triển quốc gia, là cơ hội cho Việt Nam bứt phá và đi tắt, đón đầu. Theo đó, cần tiếp nhận những mô hình, ý tưởng sản xuất, kinh doanh mới, khuyến khích cái mới, tạo môi trường, điều kiện và cơ hội cho cái mới ra đời và phát triển.
Thứ ba, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế số. Nghiên cứu thay đổi nội dung, phương pháp đào tạo nhằm xây dựng nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới; tập trung vào thúc đẩy đào tạo về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, ngoại ngữ, tin học; xây dựng chương trình đào tạo, đào tạo lại kiến thức nghề nghiệp; cung cấp khả năng tự học tập một cách linh hoạt, phù hợp đối với từng tổ chức, cá nhân… Có chính sách kết nối với cộng đồng khoa học công nghệ trong nước với nước ngoài, đặc biệt với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ tư, chú trọng công tác bảo vệ an ninh kinh tế, an ninh thông tin, an ninh chính trị, an ninh văn hóa và an ninh quốc gia nói chung qua không gian mạng; giám sát và phòng, chống hiệu quả các loại tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao. Điều này cần được chú ý cả ở cấp quốc gia cũng như trong mỗi cơ quan, đơn vị các cấp và từng doanh nghiệp, nhất là hệ thống tài chính - tiền tệ và các cơ quan chính phủ được số hóa.
Thứ năm, cả Chính phủ và khu vực tư nhân đều cần phải nỗ lực đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật số, cũng như các giải pháp công nghệ số hiện đại để triển khai ứng dụng số kết nối thông minh, đẩy nhanh ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, hiệu quả hóa chính phủ điện tử… Chính phủ phải là người đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý. Về nâng cấp hạ tầng số, Chính phủ và các doanh nghiệp cần khẩn trương chuẩn bị phương án triển khai dịch vụ 5G để có thể theo kịp xu hướng thế giới.
Bản thân các doanh nghiệp cũng cần thúc đẩy tích hợp công nghệ số hoá, phát triển những giải pháp sản xuất, kinh doanh dựa trên số hoá; thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu lớn để tạo ra những tri thức mới, hỗ trợ ra quyết định và tạo lợi thế cạnh tranh; tối ưu hóa mô hình sản xuất, kinh doanh, phát triển kỹ năng mới cho từng cá nhân và tổ chức; sử dụng hiệu quả chuỗi cung ứng thông minh; có giải pháp quản lý tài sản trí tuệ trong thời đại số, phù hợp với những mô hình kinh doanh và các mô hình hợp tác mới; thích ứng với các mô hình thuế mới.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Chính trị (2014), Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 01/7/2014 về đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế;
2. Bộ Chính trị (2019), Nghị quyết số 52/NQ-TW, ngày 27/09/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0;
3. Giang Lê (2019), 5 năm giá trị nền kinh tế số Việt Nam tăng gấp bốn lần, https://forbesvietnam.com.vn/tin-cap-nhat/5-nam-gia-tri-nen-kinh-te-soviet-nam-tang-gap-bon-lan-7818.html;
4. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (2019), Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử 2019;
5. Vũ Thị Phương Thụy (2019), Phát triển kinh tế số ở Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 35, tháng 12/2019;
6. Nguyễn Đặng Hải Yến (2020), Nền kinh tế số: Kinh nghiệm phát triển ở một số quốc gia - bài học cho Việt Nam, Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, số 24/2019;
7. Google, Temasek, Bain & Company (2019), e-Conomy Southeast Asia 2019;